Truyền nhân giữ nghề làm bún bắp
Nghề làm bún bắp giã chày thủ công ở Phú Yên chỉ còn sót lại duy nhất một người nơi xứ Nẫu dân dã, đầy nắng và gió.
Trải qua bao thế hệ, vùng đất Tuy An vẫn là địa phương có nhiều làng nghề nổi tiếng như: nghề gốm cổ Quảng Đức, nghề làm lãnh lụa Ngân Sơn, nghề dệt chiếu ven đầm Ô Loan, nghề chế biến nước mắm ven Hòn Yến, làng nghề làm bún bắp ven sông Cái (sông Ngân Sơn)…
Thế nhưng, nghề làm bún bắp từ lâu đã dần thất truyền với nhiều lý do, nhưng cơ bản nhất là vì nghề chẳng thể nuôi sống được gia đình, giá thành rẻ mà công sức lại nhiều. Bây giờ, chỉ còn mỗi một gia đình ông Sáu ở thôn Bình Hòa (xã An Dân, huyện Tuy An) giữ được nghề truyền thống làm bún bắp, từng được xem là sản vật dân dã “xứ Nẫu” Phú Yên vào mỗi mùa Tết đến.
Năm nay, ông đã ngoài 90 tuổi, nhưng trời thương, ban cho ông sự minh mẫn và sức khỏe, nên đến giờ này ông vẫn có thể đứng trên nhịp chày dậm chân giã bắp nghệ (những bắp ngô màu vàng) trong cối đá gia truyền.
Gia đình ông Sáu có nhiều đời làm món ăn dân dã này, thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Ông quyết tâm duy trì nghề truyền thống cha ông để lại, dù các gia đình khác đã bỏ nghề.
“Mỗi tháng nhà tui làm từ 2 - 3 mẻ, có người đặt nhiều thì mới làm, nếu ít quá sẽ khó làm để có được sợi bún tinh chất. Những ngày cận Tết tui sẽ làm nhiều hơn, bán cho người phương xa về ăn, để không quên hương vị dân dã xa xưa này”, ông Sáu móm mém chia sẻ.
Quy trình làm bún bắp cũng như các loại bún khác, nhưng tốn nhiều công sức hơn. Ông Sáu cho biết, xưa kia vợ chồng ông từng bán đi con bò giống để lấy tiền mua chiếc máy xay hơn 13 triệu đồng, thay thế công đoạn giã, nhưng sau vài lần, nhận thấy cách này không hiệu quả, sợi bún làm ra không ngon nên đành xếp góc nhà.
Hạt bắp được giã xong quết thành bột và ủ cho lên men, sau đó mới mang ra ép thành bún tươi. Người làm bún bắp kinh nghiệm bao đời như ông Sáu mới biết được bột lúc nào đã được lên men đúng độ. Đây là điểm quan trọng nhất để quyết định bún có ngon và đạt chất lượng hay không.
Bàn tay lành nghề của ông Sáu lấy từng vắt bún bắp được ép xuống nồi nước sôi hết sức gọn gàng và dứt khoát. Vắt nào vắt ấy vàng ươm, được rải tròn trên lá chuối xanh rất đẹp mắt, không dính tay, không nát.
“Mỗi vắt bún được trải trên lá chuối cắt sẵn rất kỳ công, nhưng bán ra chỉ 5.000 đồng một vắt. Giá thành rẻ, lời ít cho nên tôi muốn làm và bán số nhiều”, ông Sáu chia sẻ
Nghề làm bún bắp theo ông Sáu từ thời ông còn là đứa trẻ con, leo lên chày giã phải dùng cả thân người mới giẫm được chày giã xuống. Được ông nội và cha truyền nghề, tiếp thu kinh nghiệm từ bé, nên giờ đây, dù tuổi đã cao, nhưng thanh niên cũng khó ai sánh bằng ông, vì “trăm hay không bằng tay quen”.
Ông Sáu chia sẻ thêm, nhiều lần lãnh đạo xã xuống tận nhà khuyến khích, động viên ông đừng bỏ nghề, vì chỉ có ông mới có nghề làm bún chất lượng, chỉ có ông mới đủ nhiệt huyết để giữ lại bản sắc của làng nghề bún bắp Tuy An.
Nguồn VTC: https://vtc.vn/truyen-nhan-giu-nghe-lam-bun-bap-ar725980.html