Truyền thông Australia đánh giá cao sức bật của kinh tế Việt Nam
Nhận lời mời của Thủ tướng Australia Anthony Albanese, Thủ tướng Phạm Minh Chính và phu nhân sẽ tham dự Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, thăm chính thức Australia từ ngày 5 - 9/3.
Chuyến thăm có ý nghĩa đặc biệt, diễn ra trong bối cảnh hai nước vừa kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và 5 năm quan hệ “Đối tác Chiến lược”, giúp tạo xung lực mới cho quan hệ hai nước trong giai đoạn tới. Đối với Việt Nam, chuyến thăm nhằm góp phần triển khai đường lối đối ngoại của Đại hội Đảng lần thứ XIII coi trọng phát triển quan hệ với các đối tác trong khu vực, trong đó có Australia. Bên cạnh đó, Việt Nam coi trọng quan hệ với Australia cũng như vai trò và vị thế của Australia ở khu vực.
Trong khi đó, Chính phủ Australia hiện nay hết sức coi trọng quan hệ với khu vực Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam. Hai nước đã trở thành một trong 10 đối tác thương mại hàng đầu của nhau, theo đó kim ngạch hai chiều đạt 13,8 tỷ USD năm 2023. Australia có 621 dự án đầu tư tại Việt Nam và ngược lại, Việt Nam có 92 dự án đầu tư sang Australia. Đáng chú ý, Australia tiếp tục là một trong những đối tác cung cấp Hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) hàng đầu của Việt Nam.
Theo chia sẻ của Đại sứ Australia tại Việt Nam Andrew Goledzinowski, mối quan hệ song phương Việt Nam - Australia phát triển trên mọi lĩnh vực, nhưng có 5 lĩnh vực hợp tác đặc biệt sẽ là trọng tâm của chuyến thăm này. Đầu tiên là tăng cường hợp tác về chính trị và chiến lược. Việt Nam và Australia chia sẻ nhiều quan điểm rất giống nhau, như tự cường trong khu vực, tôn trọng luật pháp quốc tế và ủng hộ khu vực tự do và cởi mở.
Việt Nam luôn là nước ủng hộ mạnh mẽ độc lập, chủ quyền và pháp quyền. Đó là những lợi ích chung mà hai nước chia sẻ. Vì vậy, càng hỗ trợ Việt Nam thực hiện tốt các mục tiêu quan trọng đó, càng mang lại lợi ích không chỉ cho quan hệ Việt Nam - Australia mà còn cho cả khu vực. Lĩnh vực thứ hai là hợp tác kinh tế và thương mại. Theo đó, phía Australia sẽ triển khai một chính sách kinh tế mới dành cho Việt Nam mà hai Thủ tướng sẽ công bố trong tuần tới. Đại sứ Andrew Goledzinowski bày tỏ hy vọng, chính sách này sẽ thu hút thêm đầu tư của Australia vào Việt Nam. Liên quan tới hợp tác giáo dục, Australia vốn là đối tác quan trọng của Việt Nam và còn nhiều dư địa thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực này. Lĩnh vực thứ tư là chuyển đổi năng lượng và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Anthony Albanese đã công bố gói hỗ trợ 105 triệu USD hợp tác với Việt Nam để giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi quan trọng này trong chuyến thăm tới Việt Nam vào năm ngoái. Cũng trong năm 2023, nhân chuyến thăm của Ngoại trưởng Australia Penny Wong tới Việt Nam, phía Australia cũng công bố khoản tiền bổ sung trị giá 95 triệu USD nhằm tăng cường thích ứng với khí hậu ở khu vực sông Mekong.
Và lĩnh vực thứ 5 là chia sẻ kiến thức, đổi mới sáng tạo và khoa học. Hiện hai nước đang thúc đẩy hợp tác rất nhiều trong lĩnh vực này. Bên cạnh 5 lĩnh vực hợp tác đặc biệt nêu trên, Đại sứ Andrew Goledzinowski cho rằng, hai nước có nhiều dư địa hợp tác trong các lĩnh vực như chuyển đổi xanh và giảm phát thải. Cả hai quốc gia đều cam kết giảm phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050 và cần tăng cường hợp tác để đạt mục tiêu đó. Ngoài ra, Việt Nam có triển vọng tuyệt vời về năng lượng mặt trời, điện gió và các nguồn năng lượng tái tạo khác. Đây cũng là lĩnh vực tiềm năng để thúc đẩy hợp tác trong thời gian tới.
Quyết tâm và thiện chí của hai bên, cùng những lợi ích chiến lược song trùng sẽ vừa là điểm tựa, vừa là động lực cho quan hệ hai nước tiếp tục phát triển trong thời gian tới ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng; vì lợi ích của nhân dân hai nước; vì hòa bình, ổn định và phát triển phồn vinh ở khu vực và thế giới. Bên cạnh đó, những thành tựu hợp tác trên là cơ sở quan trọng để nâng cấp quan hệ Việt Nam - Australia lên một tầm cao mới, đó là quan hệ “Đối tác Chiến lược Toàn diện” như ý định mà lãnh đạo hai nước từng công bố trước đây.
Trong bài viết mang tựa đề “Trông đợi điều gì từ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia?”, tác giả Susannah Patton đánh giá sức bật kinh tế của Việt Nam trong bối cảnh tình hình thế giới trải qua đầy biến động kể từ sau đại dịch COVID-19. Do phụ thuộc nhiều vào thương mại và đầu tư quốc tế, nên khi nền kinh tế toàn cầu trải qua những chuyển dịch lớn thời đại dịch, Singapore khó có thể tìm lại đà tăng trưởng của mình. Tăng trưởng của Singapore vào năm 2023 giảm xuống chỉ còn 1,1%.
Trong khi đó, Việt Nam lại ghi nhận tốc độ tăng trưởng ổn định 5,1% trong năm 2023, chủ yếu nhờ khả năng “miễn dịch” cao hơn trước những cú sốc toàn cầu. Bên cạnh đó, các yếu tố như cơ sở sản xuất quy mô lớn, chi phí sản xuất thấp, lực lượng lao động Việt Nam có trình độ học vấn cao với chi phí thấp cũng góp phần vào khả năng hồi phục kinh tế đầy ấn tượng của Việt Nam. Chuyên gia Susannah Patton cũng đánh giá ngành công nghiệp xe điện ở Đông Nam Á đang thu hút sự chú ý của thế giới như một nguồn tăng trưởng mới đầy tiềm năng của khu vực. Hiện, Việt Nam là “quê hương” của công ty xe điện đầu tiên ở Đông Nam Á niêm yết trên sàn chứng khoán Mỹ.
Liên quan tới Hội nghị Cấp cao Đặc biệt kỷ niệm 50 năm quan hệ ASEAN - Australia, trong bài viết, chuyên gia Susannah Patton cho biết đây sẽ là hội nghị quốc tế lớn nhất Australia đăng cai kể từ Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN - Australia đầu tiên vào năm 2018. Sự kiện này có ý nghĩa hết sức quan trọng, diễn ra trong bối cảnh Chính phủ Thủ tướng Anthony Albanese đang nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ kinh tế giữa Australia với ASEAN. Vì vậy, hội nghị cấp cao lần này sẽ bao gồm Diễn đàn quy tụ giám đốc điều hành (Diễn đàn CEO) và các cuộc họp nhằm giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Australia kinh doanh tại Đông Nam Á.
Tại hội nghị, các nhà lãnh đạo sẽ thảo luận việc tăng cường hợp tác ASEAN-Australia, tầm nhìn của hai bên về tương lai của khu vực và cách ASEAN-Australia có thể hợp tác cùng nhau để giải quyết những thách thức chung. Trọng tâm của các cuộc thảo luận sẽ là Chiến lược kinh tế Đông Nam Á đến năm 2024 của Australia, một kế hoạch chi tiết nhằm tăng cường liên kết kinh tế của Australia với khu vực do Thủ tướng Anthony Albanese đưa ra vào tháng 9/2023 và đang được đẩy mạnh với nhiều sáng kiến, biện pháp cụ thể. Đây chính là những căn cứ, cơ sở để chúng ta hoàn toàn có thể lạc quan về triển vọng hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư và hợp tác trên các lĩnh vực khác giữa hai bên trong thời gian tới.
Theo giới chuyên gia, quan hệ ASEAN - Australia còn rất nhiều tiềm năng và dư địa để phát triển thực chất, hiệu quả hơn trong thời gian tới, nhất là về kinh tế, thương mại, đầu tư. Hai bên có vị trí địa lý gần gũi, có quyết tâm chính trị cao và nhất là vừa qua đã hoàn tất đàm phán, ký kết nâng cấp Hiệp định thương mại tự do ASEAN–Australia–New Zealand (AANZFTA). Hai bên cũng đang cùng với các thành viên khác của Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực (RCEP) tích cực triển khai Hiệp định này.