Truyền thông chính sách hiệu quả không chỉ là chiến lược tốt, kế hoạch hay mà quan trọng nhất là đảm bảo nguồn lực

Truyền thông chính sách đang là vấn đề được Chính phủ đặc biệt quan tâm, để công tác này tạo nên sức mạnh lớn, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khẳng định, vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách đóng vai trò quan trọng, tiên quyết, nhất là trong bối cảnh chuyển đổi số, bùng nổ thông tin hiện nay.

Sáng 1/11, Hội thảo khoa học quốc tế “Nguồn lực cho truyền thông chính sách” diễn ra tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền. Hội thảo do Học viện Báo chí và Tuyên truyền, Tạp chí Cộng sản và Cơ quan Hợp tác quốc tế Hàn Quốc (KOICA) phối hợp tổ chức.

Nếu không có nguồn lực bảo đảm thì khó trở thành thực tế

Phát biểu tại hội thảo, ông Lee Byung Hwa - Giám đốc quốc gia KOICA Việt Nam nhận định, với sự tiến bộ và phổ biến của công nghệ kỹ thuật số và truyền thông, bộ mặt của xã hội hiện đại đang thay đổi nhanh chóng. Mạng xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống hàng ngày, cho phép mọi người kết nối với nhau từ khắp nơi trên thế giới cũng như có thể tiếp nhận tin tức theo thời gian thực.

Những tiến bộ của trí tuệ nhân tạo như ChatGPT đã giúp công chúng tiếp thu thông tin dễ dàng hơn bao giờ hết. Trong xu thế xã hội này, vai trò của báo chí truyền thống bị thách thức không ngừng, đồng thời vai trò đó cũng ngày càng trở nên quan trọng hơn.

 Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc làm rõ, đánh giá thực trạng huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách hiện nay.

Hội thảo là cơ hội để các nhà khoa học, chuyên gia Việt Nam và Hàn Quốc làm rõ, đánh giá thực trạng huy động, bố trí và sử dụng nguồn lực cho công tác truyền thông chính sách hiện nay.

“Trong bối cảnh tin giả lan truyền trên mạng xã hội và các thông tin được truyền đi một cách rời rạc thì báo chí cung cấp thông tin đáng tin cậy và tạo nền tảng cho thảo luận xã hội thông qua việc cung cấp chính xác và phân tích chuyên nghiệp về sự việc. Tầm quan trọng của một nền báo chí đáng tin cậy, đặc biệt là trong lĩnh vực truyền thông chính sách lại càng quan trọng hơn bao giờ hết”, ông Lee Byung Hwa khẳng định.

Để truyền thông chính sách đạt được mục tiêu, hiệu quả mong muốn, PGS.TS. Phạm Minh Sơn - Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho rằng, nguồn lực đóng vai trò hết sức quan trọng, chiến lược dù tốt, kế hoạch dù hay nhưng nếu không có nguồn lực bảo đảm thì khó trở thành thực tế.

Nguồn lực cho truyền thông chính sách bao gồm nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất. Công tác truyền thông chính sách chỉ có thể đạt được mục tiêu, hiệu quả khi có đầy đủ nguồn lực tinh thần và nguồn lực vật chất, trong đó nguồn lực tinh thần đóng vai trò là nền tảng còn nguồn lực vật chất đóng vai trò mũi nhọn. "Nếu chỉ có nguồn lực tinh thần mà không có nguồn lực vật chất thì công tác truyền thông chính sách có khẩu hiệu nhưng thiếu hoạt động thực tế. Nếu chỉ có nguồn lực vật chất mà không có nguồn lực tinh thần thì công tác truyền thông chính sách có hoạt động thực tế nhưng thiếu định hướng", PGS.TS. Phạm Minh Sơn nêu vấn đề.

Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền cho biết, tại Việt Nam, các cơ quan báo chí đặt dưới sự lãnh đạo, quản lý của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Khác với nhiều quốc gia trên thế giới, nền báo chí Việt Nam là nền báo chí cách mạng, vì nhân dân phục vụ. Đây là điều kiện thuận lợi để Việt Nam tổ chức lực lượng truyền thông chính sách, bảo đảm định hướng của công tác tuyên truyền, báo chí và truyền thông chính sách.

Các cơ quan báo chí có vai trò quan trọng trong việc tổ chức truyền thông về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ. Các cơ quan báo chí đóng vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước và nhân dân, xây dựng diễn đàn cho công tác truyền thông chính sách. Nguồn lực vật chất cho công tác truyền thông chính sách bao gồm chính sách về truyền thông; đội ngũ nhà báo, nhà truyền thông chính sách; công nghệ truyền thông chính sách; ngân sách dành cho truyền thông chính sách...

 Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn cho biết, hiện nay, Học viện đang trong quá trình xây dựng đề án quốc gia về đào tạo Truyền thông chính sách.

Giám đốc Học viện Báo chí và Tuyên truyền Phạm Minh Sơn cho biết, hiện nay, Học viện đang trong quá trình xây dựng đề án quốc gia về đào tạo Truyền thông chính sách.

"Trong bối cảnh hiện nay, vấn đề nguồn lực cho truyền thông chính sách là vấn đề lớn, nhận được sự quan tâm của nhiều phía, đặc biệt là các cơ quan trực tiếp tổ chức triển khai công tác truyền thông chính sách ở các bộ, ngành và các cơ quan báo chí. Nếu thiếu các nguồn lực vật chất quan trọng này thì dù quyết tâm có cao, mong muốn có lớn nhưng làm gì cũng khó", PGS.TS. Phạm Minh Sơn nhận định.

Theo TS. Nguyễn Tri Thức - Trưởng ban Chuyên đề và Chuyên san, Tạp chí Cộng sản, trước hết, phải khẳng định rằng, truyền thông chính sách là một khái niệm còn khá mới mẻ ở nước ta. Thời gian qua, vấn đề này đã dần trở nên phổ biến, thường xuyên được nhắc tới.

Thực tế, có nhiều cách tiếp cận về truyền thông chính sách, ở tất cả các giai đoạn của chính sách: trước, trong và sau khi ban hành, hay ở từng giai đoạn cụ thể nào đó. "Lâu nay, chúng ta thường nói ngắn gọn về “vòng đời” của một chính sách, đó là trước - trong và sau khi ban hành, cho đến khi hết hiệu lực. Tất cả các giai đoạn này đều phải chú trọng đến công tác truyền thông", TS. Nguyễn Tri Thức nói.

Riêng vấn đề thực thi chính sách, TS. Nguyễn Tri Thức cho biết, đó chính là quá trình huy động, bố trí, sắp xếp các nguồn lực để đưa chính sách vào cuộc sống. Như vậy, việc huy động các nguồn lực để truyền thông chính sách phải được thực hiện ở tất cả các bước, từ chuẩn bị triển khai thực thi, phổ biến, tuyên truyền, đôn đốc, kiểm tra đến điều chỉnh chính sách về mục tiêu, giải pháp, nếu có trục trặc, vướng mắc, cũng như việc đánh giá tổng kết, rút kinh nghiệm.

"Thực tế thời gian qua cho thấy, tập trung hơn cả, được đầu tư hơn cả chính là việc truyền thông chính sách ở giai đoạn sau của quy trình chính sách - giai đoạn sau khi chính sách được ban hành. Khi đó, các phương tiện truyền thông nói chung, báo chí nói riêng tổ chức tuyên truyền, giới thiệu, vận động, thuyết phục, làm cho người dân - những đối tượng bị tác động bởi chính sách, hiểu được lý do vì sao chính sách được ban hành và những lợi ích của nó đối với cộng đồng, mục đích tạo ra sự đồng thuận xã hội. Song, ở đây, thấy rõ việc "tuyên truyền" - thường là một chiều trong quá trình này", TS. Nguyễn Tri Thức nhìn nhận.

Nguồn lực phải được đầu tư vào đào tạo nhân lực

Báo chí có vai trò đặc biệt trong công tác truyền thông chính sách. Vì vậy, để nâng cao hiệu quả truyền thông chính sách, cần có đội ngũ nhà báo chuyên trách có nghiệp vụ vững vàng, không ngừng cầu thị học hỏi, cập nhật kỹ năng, cách thức truyền thông hiện đại.

PGS. TS Đinh Thị Thu Hằng - Trưởng khoa Phát thanh Truyền hình - Học viện Báo chí và Tuyên truyền nhận định, lĩnh vực truyền thông và chính sách thay đổi nhanh chóng, do đó, công tác đào tạo cần đảm bảo sự liên tục và cập nhật kiến thức, kỹ năng mới cho học viên. Ngoài học tập tại các cơ sở đào tạo, các cơ quan báo chí cũng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà báo làm truyền thông chính sách thông qua nhiều hoạt động: các khóa đào tạo ngắn hạn tại chỗ, các buổi tọa đàm, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm...

Bên cạnh đó, theo PGS. TS Đinh Thị Thu Hằng, công tác truyền thông cần được bắt đầu từ khi nhận diện vấn đề chính sách chứ không phải chỉ đến khi chính sách đã được ban hành. Vì vậy, công tác đào tạo cũng cần thúc đẩy người học có khả năng tự nghiên cứu sâu và phân tích thông tin để hiểu rõ vấn đề và chính sách cụ thể, đánh giá được các tác động của chính sách đến xã hội và cộng đồng; khuyến khích sáng tạo và tư duy phản biện, tư duy phê phán để nhà báo có khả năng nêu ra các góc nhìn mới và phân tích sâu hơn về chính sách; khuyến khích người học tham gia vào các cuộc thảo luận về chính sách và vấn đề xã hội, tạo cơ hội cho họ thảo luận và tranh luận về các quan điểm khác nhau.

"Truyền thông chính sách đòi hỏi các nhà báo có kỹ năng sáng tạo nội dung hấp dẫn, sử dụng ngôn ngữ dễ hiểu để đưa những chính sách khô khan thành những vấn đề, câu chuyện sinh động trong tác phẩm báo chí, đồng thời phải có kỹ năng tương tác với công chúng, biết cách khơi gợi thảo luận và thu nhận ý kiến phản hồi của công chúng với các chính sách", PGS. TS Đinh Thị Thu Hằng cho biết.

 Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cũng nhắc đến một số vấn đề trong việc bố trí, huy động các nguồn lực cho truyền thông chính sách.

Tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cũng nhắc đến một số vấn đề trong việc bố trí, huy động các nguồn lực cho truyền thông chính sách.

Nhấn mạnh tầm quan trọng của công tác đào tạo nguồn nhân lực, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) Nguyễn Thanh Lâm khẳng định, để trả lời câu hỏi: Nguồn lực truyền thông chính sách dùng vào đâu? Thì vấn đề đầu tiên - quan trọng nhất và mãi mãi quan trọng đó là dùng vào đào tạo nhân lực, đào tạo con người.

Nguồn lực trông chờ vào những sinh viên ra trường có thể trở thành những nhà truyền thông chính sách hoặc những nhà báo hiểu về truyền thông chính sách và vai trò của báo chí trong công tác truyền thông chính sách. Câu chuyện luôn phải được quan tâm hàng đầu là đào tạo, tái đào tạo và liên tục đào tạo.

Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm cho biết, Chỉ thị 07 của Thủ tướng Chính phủ về truyền thông chính sách có giao Bộ TT&TT và Bộ Nội vụ đó là phải xây dựng bằng được vị trí việc làm trong hệ thống các cơ quan nhà nước có tên là "cán bộ làm truyền thông chính sách". Hiện nay, chưa có vị trí việc làm như vậy nên chưa có chuẩn kỹ năng đầu vào của vị trí đó, và tiêu chuẩn về đầu ra của các cơ sở đào tạo như thế nào có khớp với nhu cầu thực tế hay không? Cũng chưa có định biên - suất biên chế để tuyển dụng vào bộ máy nhà nước, từ đó hiểu về chính sách truyền thông ra sao để kết nối được với thị trường.

"Nguồn lực vẫn phải tập trung chi tiêu vào trong công tác đào tạo nhân lực bằng các phương thức khác nhau", Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.

Tại Hội thảo, các chuyên gia đều đưa ra nhận định, truyền thông chính sách đòi hỏi sự tỉ mỉ và trách nhiệm, đây là một nhiệm vụ quan trọng để xây dựng sự hiểu biết và tham gia của người dân trong quyết định chính trị và xã hội. Để làm tốt các nhiệm vụ đó, yêu cầu đặt ra là đội ngũ nhà báo làm truyền thông chính sách cần nâng cao năng lực, trình độ. Vì vậy, công tác đào tạo đội ngũ nhà báo làm truyền thông chính sách cũng đòi hỏi sự cẩn thận và chuyên nghiệp.

Phan Hòa Giang

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/truyen-thong-chinh-sach-hieu-qua-khong-chi-la-chien-luoc-tot-ke-hoach-hay-ma-quan-trong-nhat-la-dam-bao-nguon-luc-post270692.html