Truyền thông chính sách phải đi trước một bước

*Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông TRẦN THANH TRƯỜNG

(Báo Quảng Ngãi)- Truyền thông chính sách (TTCS) góp phần quan trọng vào mọi mặt của đời sống xã hội, nhất là trong công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, những vấn đề bức xúc trong đời sống xã hội... Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân để thực hiện tốt mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.

Tại Chỉ thị số 07-CT/TTg ngày 21/3/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác TTCS đã khẳng định, TTCS là một nhiệm vụ, một chức năng quan trọng của cơ quan hành chính nhà nước các cấp. Báo chí và các loại hình truyền thông khác là kênh thông tin, là phương thức cơ bản, quan trọng để thực hiện việc TTCS.

Phát huy vai trò của truyền thông chính sách

Truyền thông chính sách có ảnh hưởng rất lớn đến mọi vấn đề của xã hội, tác động đến nhận thức và hành động của công chúng. Nhờ TTCS mà nhiều vấn đề được xã hội chấp nhận và lan truyền nhanh trong công chúng.

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thăm gian trưng bày của Báo Quảng Ngãi tại Hội báo Xuân năm 2023. Ảnh: Kim Ngân

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Đặng Ngọc Huy thăm gian trưng bày của Báo Quảng Ngãi tại Hội báo Xuân năm 2023. Ảnh: Kim Ngân

Đối với chính quyền, TTCS giúp các cơ quan nhà nước đưa thông tin về các chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội, luật pháp đến với người dân, thuyết phục công chúng thay đổi về nhận thức và thực hiện đúng quy định của pháp luật.

Truyền thông chính sách là quá trình liên tục trao đổi thông tin về chính sách của Nhà nước để thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng trong một thời gian nhất định, trên những lĩnh vực cụ thể, nhằm tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa các chủ thể trong xã hội, góp phần thay đổi nhận thức, tiến tới điều chỉnh hành vi và thái độ phù hợp với nhu cầu phát triển của cá nhân, của nhóm, cộng đồng và toàn xã hội.

Ngoài ra, chính quyền cũng nhờ TTCS để thăm dò, lấy ý kiến của dư luận trước khi ban hành các văn bản. Nhờ TTCS, Nhà nước điều chỉnh các chính sách quản lý, tạo sự đồng thuận trong nhân dân. Đối với người dân, TTCS giúp cập nhật thông tin, giải trí, học tập, giúp người dân phản hồi, nói lên tiếng nói của mình, bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng và tạo ra nhu cầu tiêu dùng sản phẩm, dịch vụ, giúp các doanh nghiệp tạo việc làm cho nhiều lao động, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Bên cạnh đó, TTCS góp phần định hướng dư luận. Một chủ trương, chính sách chỉ hiệu quả khi được xã hội chấp thuận và khả thi trên thực tiễn để tạo ra các kết quả như mong đợi. Khi truyền thông chính sách cung cấp thông tin giúp chủ thể chính sách tự rà soát các phương pháp, công cụ, cách tiếp cận và cách hành xử của mình đối với các vấn đề xã hội, nhờ đó hỗ trợ quá trình cải cách thủ tục hành chính, đổi mới bộ máy, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức.

Ngoài ra, TTCS góp phần phát huy quyền, vai trò, trí tuệ của xã hội trong nhận diện các vấn đề chính sách và cân nhắc các giải pháp chính sách. Lắng nghe ý kiến là một nhiệm vụ bắt buộc trong xây dựng chính sách, pháp luật. Thu thập thông tin từ đối tượng chính sách để các chủ thể chính sách hiểu biết tốt hơn các nhu cầu, nguyện vọng, các xu hướng phản ứng của đối tượng chính sách. Đây cũng là phương thức có tính hệ thống để bảo đảm quyền của công dân, tiếp tục phát huy dân chủ, cung cấp cơ hội cho quyền biết, quyền bàn và quyền giám sát của nhân dân, hướng tới thay đổi thái độ, hành vi của công dân, cộng đồng, xã hội trong tuân thủ và xây dựng pháp luật, đóng góp vào bảo vệ chủ quyền và phát triển quốc gia, địa phương.

Truyền thông chính sách được xem là kênh hữu hiệu để đạt được các mục tiêu lớn liên quan đến phát triển kinh tế và ổn định xã hội. Truyền thông chính sách đóng vai trò rất quan trọng trong các hoạt động chính trị và thúc đẩy cho xã hội trở nên công bằng, dân chủ hơn.

Tuy nhiên, hiện nay công tác TTCS vẫn chưa được quan tâm đúng mức, người đứng đầu các cơ quan, địa phương chưa nhận thức đúng về vai trò, tầm quan trọng của TTCS, chưa xem TTCS là nhiệm vụ, chức năng của đơn vị mình. Do đó, công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đầu tư nguồn lực chưa xứng tầm với công tác TTCS.

Thực hiện đồng bộ các giải pháp

Để phát huy vai trò của TTCS, Sở TT&TT đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Kế hoạch TTCS đến năm 2030, bao gồm các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu. Đó là tổ chức thực hiện tốt việc công khai thông tin theo quy định của Luật Tiếp cận thông tin, Luật Báo chí, Quy chế phát ngôn và cung cấp thông tin cho báo chí của các cơ quan hành chính nhà nước; Quyết định số 407/QĐ-TTg ngày 30/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tổ chức TTCS có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022 - 2027.

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan báo chí. ẢNH: NGỌC ĐỨC

Chủ tịch UBND tỉnh Đặng Văn Minh trả lời phỏng vấn của phóng viên các cơ quan báo chí. ẢNH: NGỌC ĐỨC

Cùng với đó, đổi mới phương thức truyền thông và hình thức cung cấp thông tin cho báo chí đảm bảo tính công khai, minh bạch và đáp ứng tốt nhu cầu thông tin của các cơ quan báo chí, nhà báo. Bố trí cán bộ phụ trách công tác TTCS ở sở, ban ngành, địa phương. Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhân lực làm công tác TTCS. Chủ động kết nối, phát triển mạng lưới truyền thông; bố trí kinh phí để tăng cường công tác TTCS; đặt hàng, giao nhiệm vụ cho các cơ quan truyền thông, báo chí làm nhiệm vụ TTCS phù hợp với yêu cầu và quy định của pháp luật. Đẩy mạnh TTCS trên các nền tảng số. Sử dụng công nghệ, phần mềm rà quét thông tin trên báo chí để kịp thời phát hiện, đánh giá các xu hướng thông tin tích cực và tiêu cực, có lợi và bất lợi cho công tác chỉ đạo, điều hành. Phối hợp với Bộ TT&TT, Công an tỉnh đấu tranh bóc gỡ, ngăn chặn tin giả, tin xấu độc chống phá Đảng, Nhà nước, chia rẽ chính quyền với nhân dân, xuyên tạc chủ trương, chính sách, gây mất đoàn kết trong xã hội; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm. Quản lý chặt chẽ thông tin trên báo chí, mạng xã hội, đảm bảo những thông tin chính thống, tích cực về đời sống xã hội trên báo chí phải là dòng chảy chính.

Trong bối cảnh bùng nổ thông tin như hiện nay, công tác TTCS cần được chú trọng, nâng cao tính chuyên nghiệp trong toàn hệ thống cơ quan hành chính nhà nước, góp phần tạo sự đồng thuận, nâng cao hiệu quả, hiệu lực trong việc thực thi chính sách. Truyền thông chính sách ở nước ta trong quá trình đổi mới và hội nhập đã góp phần nâng cao chất lượng thông tin đối ngoại, quảng bá, giới thiệu đất nước, văn hóa con người Việt Nam với bạn bè quốc tế, góp phần nâng cao uy tín và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế./.

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chinh-tri/202306/truyen-thong-chinh-sach-phai-di-truoc-mot-buoc-6d27c10/