Truyền thông chính sách tài chính góp phần nâng cao ý thức tuân thủ nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
Trong những năm qua, truyền thông chính sách được coi là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tài chính và hoạt động của ngành Tài chính đến với dư luận xã hội. Nhờ có sự chủ động công khai, minh bạch thông tin, các cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính được cộng đồng doanh nghiệp (DN), người dân tiếp cận, tham gia ý kiến nhiều chiều. Điều này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ với nghĩa vụ với ngân sách nhà nước
Kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tài chính đến vỡi xã hội
Là bộ đa ngành, nhiều lĩnh vực liên quan mật thiết tới người dân, DN, vì thế hàng năm, Bộ Tài chính thường xuyên soạn thảo, ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành số lượng văn bản quy phạm pháp luật lớn. Trong đó, nhiều chính sách mới, có tính phức tạp, nhạy cảm, phạm vi áp dụng trải rộng, đối tượng chịu sự tác động lớn.
Vì vậy, những năm qua, truyền thông chính sách luôn được Bộ Tài chính coi là kênh truyền dẫn hiệu quả chính sách tài chính và hoạt động của ngành đến với dư luận xã hội. Thông qua hoạt động truyền thông chính sách, Bộ Tài chính nắm bắt được ý kiến của công chúng, dư luận xã hội, đặc biệt là các đối tượng chịu tác động để nghiên cứu, điều chỉnh chính sách phù hợp, hài hòa lợi ích của Nhà nước với người dân.
Do đó, ngay sau khi Chính phủ ban hành Chỉ thị số 07/CT-TTg về tăng cường công tác truyền thông chính sách, Lãnh đạo Bộ Tài chính và các đơn vị đã tổ chức quán triệt, phổ biến nội dung, hướng dẫn thực hiện. Hàng năm, Bộ Tài chính và các tổng cục đều ban hành quyết định về kế hoạch thông tin, tuyên truyền, trong đó lồng ghép các nội dung truyền thông chính sách.
Xác định rõ vai trò của công tác truyền thông, thời gian qua, nhiều nội dung chính sách lớn thuộc các lĩnh vực quản lý thuế, chống thất thu thuế; chứng khoán, điều hành xăng dầu, điều hành thu ngân sách…. đã được Bộ Tài chính đẩy mạnh tuyên truyền. Đặc biệt, trong giai đoạn ảnh hưởng của dịch COVID-19, sau khi trình cấp có thẩm quyền ban hành, hoặc ban hành theo thẩm quyền nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ người dân và DN, để các chính sách này nhanh chóng đi vào cuộc sống và đảm bảo tính công khai, minh bạch, Bộ Tài chính đã chỉ đạo các đơn vị trong Ngành đẩy mạnh tuyên truyền. Hàng loạt các nội dung như: chính sách miễn, giảm tiền thuế, tiền thuê đất; triển khai hóa đơn điện tử; giải pháp tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN thông quan hàng hóa; giải pháp đẩy nhanh tiến độ đầu tư công; trái phiếu DN… đã cung cấp, tuyên truyền kịp thời, giúp DN và người dân, hiểu và đồng thuận với chính sách.
Thực tế cho thấy, nhờ có sự chủ động công khai, minh bạch thông tin, các cơ chế, chính sách của Bộ Tài chính được cộng đồng DN, người dân tiếp cận, tham gia ý kiến nhiều chiều. Điều này đã góp phần nâng cao ý thức chấp hành và tuân thủ với nghĩa vụ với ngân sách nhà nước, đồng thời, giúp các đối tượng nhanh chóng tiếp cận và thụ hưởng các chính sách hỗ trợ của Đảng, Nhà nước, từ đó nâng cao hiệu quả của chính sách.
Cách thể hiện đa dạng, sinh động, thu hút đông đảo công chúng theo dõi
Các thông tin về tài chính đa phần mang tính chuyên môn cao, nên nội dung tương đối khô khan. Do đó, để thu hút sự quan tâm, cũng như đảm bảo dễ dàng tiếp nhận thông tin thông tin, Bộ Tài chính đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí xây dựng các chương trình, chuyên mục phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Đến nay, nhiều chương trình như Thuế và đời sống; Thuế Nhà nước; Hải quan với DN… với cách thể hiện đa dạng, sinh động đã được đông đảo công chúng theo dõi, tương tác. Bên cạnh việc đẩy mạnh việc cung cấp thông tin báo chí, thông cáo báo chí; trả lời phỏng vấn; tổ chức họp báo chuyên đề, Bộ Tài chính và các đơn vị còn sử dụng fanpage, facebook, zalo để cung cấp thông tin, nhờ đó đã phát huy tác dụng nhất định.
Một trong những điểm nhấn đặc biệt quan trọng, mang lại hiệu quả nhất đó là quá trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật luôn được Bộ Tài chính tổ chức lấy ý kiến rộng rãi. Chính điều này đã phát huy sức mạnh tổng hợp, tăng cường công khai, minh bạch, góp phần nâng cao hiệu quả thực thi chính sách sau khi được xây dựng, ban hành.
Đặc biệt, hàng năm, Bộ Tài chính còn tổ chức các hội nghị đối thoại với DN về chính sách, thủ tục hành chính thuế, hải quan. Thông qua đó, DN và người dân không chỉ được cập nhật các chính sách, thủ tục thuế, hải quan mới, mà còn phản ánh những khó khăn, vướng mắc, kiến nghị các giải pháp thực hiện. Cũng thông qua các cuộc đối thoại, các cơ quan của Bộ Tài chính đã nắm bắt được thực trạng công tác quản lý, tình hình triển khai các cơ chế, chính sách trong thực tiễn để có hướng tháo gỡ hoặc kịp thời báo cáo với cấp trên.
Mặc dù vậy, do các chính sách tài chính đa phần phức tạp, khó, liên quan đến nhiều đối tượng, trong khi năng lực tiếp cận thông tin của công chúng không đồng đều khiến công tác truyền thông chính sách gặp không ít khó khăn. Chưa kể, một số đơn vị, do khối lượng công việc nhiều, nhân sự mỏng, nên hầu hết cán bộ làm truyền thông đều kiêm nhiệm…
Bộ Tài chính cho biết, để đạt được hiệu quả truyền thông chính sách cần tổng hòa nhiều yếu tố, từng bước, linh hoạt, với sự tham gia tích cực của các cơ quan báo chí, đặc biệt là của các đối tượng chịu tác động chính sách. Do vậy, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục chủ động rà soát, hoàn thiện chính sách về công tác truyền thông chính sách, đảm bảo đồng bộ với các quy định của pháp luật hiện hành; chủ động cung cấp thông tin; đảm bảo nguồn nhân lực...
Bộ Tài chính cũng đề nghị Bộ Tư pháp rà soát, nghiên cứu tham mưu trình Chính phủ bổ sung quy định về trách nhiệm truyền thông chính sách của cơ quan, đơn vị chủ trì xây dựng chính sách tại Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2015 (sửa đổi); đề nghị Bộ Thông tin và Truyền thông triển khai các chương trình bồi dưỡng, tập huấn nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng cho đội ngũ truyền thông của các bộ, ngành…