Truyền thông di cư an toàn, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương
Tối 25/11, tại phố đi bộ Bạch Đằng, thành phố Hải Dương, Phòng Cảnh sát hình sự (Công an tỉnh Hải Dương) đã phối hợp với Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh Hải Dương và Học viện Cảnh sát Nhân dân (Bộ Công an) tổ chức sự kiện truyền thông: Di cư an toàn, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương.
Đây là một trong những hoạt động hưởng ứng tháng hành động vì bình đẳng giới và phòng ngừa, ứng phó với bạo lực trên cơ sở giới năm 2023 được Trung ương Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam phát động từ ngày 15/11 - 15/12 tại Việt Nam.
Sự kiện truyền thông cũng nằm trong khuôn khổ dự án “Tăng cường năng lực của Việt Nam nhằm tái hòa nhập bền vững cho phụ nữ di cư và hồi hương và gia đình họ” do Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam là chủ quản, cơ quan hợp tác Quốc tế Hàn Quốc (KOICA) tài trợ thông qua hỗ trợ kỹ thuật của Tổ chức Di cư quốc tế (IOM) triển khai tại Hải Dương.
Thống kê của Học viện Cảnh sát Nhân dân, Bộ Công an cho thấy: Trên thế giới hiện có 16 triệu người là nạn nhân của lao động cưỡng bức với hình thức bóc lột là phổ biến nhất. Người đi cư là người dễ bị tổn thương nhất, 62% nạn nhân ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Tại buổi truyền thông, các cán bộ của Học viện Cảnh sát Nhân dân và Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh đã thông tin tới người dân tỉnh Hải Dương về tình hình di cư bất hợp pháp tại Việt Nam và tội phạm liên quan đến di cư bất hợp pháp. Buổi truyền thông cũng nhấn mạnh đến các phương thức, thủ đoạn của tội phạm liên quan đến di cư bất hợp pháp, hậu quả của di cư bất hợp pháp hiện nay. Các cán bộ của Học viện Cảnh sát Nhân dân cũng tuyên truyền cho người dân về các dấu hiệu dễ nhận biết của lao động cưỡng bức như: Lạm dụng tình trạng khó khăn của người lao động, lừa gạt, hạn chế đi lại, cô lập, bạo lực thân thể, đe dọa, thu giữ giấy tờ tùy thân, thu giữ lương, gây lệ thuộc vì nợ, điều kiện sống và làm việc kém chất lượng và làm thêm giờ quá quy định.
Từ thực tế về tội phạm di cư bất hợp pháp, các cán bộ truyền thông đã hướng dẫn người dân kỹ năng cần thiết để di cư an toàn như: Cần nhớ số điện thoại của đại sứ quán hoặc của ai đó mình tin tưởng, làm rõ việc công ty tuyển dụng đã có giấy phép hoạt động hợp lệ và có uy tín hay không? Người di cư cần có đủ các giấy tờ cần thiết trước khi đi làm việc ở nước ngoài, chỉ ký hợp đồng khi đã đọc kỹ và hiểu rõ. Người di cư cũng cần photo các giấy tờ nhân thân của mình cùng hợp đồng lao động và để lại một bộ bản sao ở nhà cho gia đình hoặc bạn bè thân thiết và đóng gói quần áo phù hợp với khí hậu, học hỏi về văn hóa của nước mình đến.
Ngoài ra, khi di cư ra nước ngoài, người dân cần biết những địa chỉ tin cậy như: Trang facebook Nghĩ trước bước sau, Cục Lao động ngoài nước, Tổng đài bảo hộ công dân Việt Nam (+84)981.84.84.84... Nếu không có đầy đủ giấy tờ và nắm được thông tin cần thiết thì người di cư có nguy cơ thành di cư bất hợp pháp và là nạn nhân của nạn mua bán người hiện nay.
Thông điệp mà buổi truyền thông là mong muốn gửi gắm đó là chính quyền các địa phương cần làm tốt công tác nắm tình hình ở địa phương. Người dân cần nâng cao nhận thức nhận diện những đối tượng mua bán người để có biện pháp bảo vệ, phòng ngừa. Các gia đình cần theo dõi những biểu hiện hành vi bất thường của người thân, hiểu biết nhất định về mối quan hệ xung quanh con cái và người thân trong gia đình. Mỗi người cần nâng cao cảnh giác, không tin vào những lời hứa của những người không quen biết, người trung gian giới thiệu.
Sự kiện truyền thông di cư an toàn, hỗ trợ phụ nữ di cư hồi hương đã giúp cho cán bộ hội viên phụ nữ và nhân dân có những nhìn nhận sâu hơn về di cư an toàn cũng như ngăn ngừa những nguy cơ xấu có thể xảy ra...