Truyền thông Đức: Khủng hoảng Nga-Ukraine – Vì đâu nên nỗi?
Sau khi Nga tuyên bố công nhận nền độc lập của hai nước cộng hòa tự xưng và đưa quân vào miền đông Ukraine 'giúp gìn giữ hòa bình', đã xuất hiện những đồn đoán khác nhau về tình hình tiếp theo.
Có ý kiến bi quan cho rằng tới đây Nga sẽ tiến hành một cuộc tấn công toàn diện, nhưng cũng có ý kiến nhận định Nga đã đạt được mục đích ngăn chặn Ukraine gia nhập NATO và tạo được vùng đệm, chiến tranh sẽ không xảy ra trừ phi Ukraine chủ động phản công để tái chiếm khu vực do hai nước cộng hòa tự xưng kiểm soát hiện được Quân đội Nga giúp bảo vệ.
Trang tin Deutsche Welle (Tiếng nói nước Đức) ngày 22/2 đã đăng bài phân tích vì sao cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine đã từng bước đi đến tình trạng tồi tệ như ngày nay.
Bài báo viết, Ukraine là quốc gia có diện tích lớn nhất ở lục địa Châu Âu, từng được thành lập một thời gian ngắn sau Chiến tranh thế giới thứ Nhất. Từ năm 1922 cho đến khi Liên Xô giải thể vào đầu những năm 1990, Ukraine luôn là một nước cộng hòa thuộc Liên bang Xô viết. Ngày 24 tháng 8 năm 1991, Ukraine tuyên bố độc lập.
Từ 2014 đến nay, Nga đã sát nhập Crimea và kiểm soát trên thực tế khu vực Donbass (Ảnh: theconversation).
Trong một loạt các hiệp ước quốc tế, Chính phủ Nga đều công nhận đường biên giới hiện tại của Ukraine, trong đó có Bản ghi nhớ Budapest năm 1994. Ukraine, quốc gia đã giành được chủ quyền độc lập, vẫn phụ thuộc nhiều vào Nga về mặt kinh tế, nhưng về chính trị, Kiev lại nỗ lực xích lại gần hơn với Liên minh Châu Âu (EU) và NATO. Sau cuộc “Cách mạng màu Cam” năm 2004, phong trào thân châu Âu đạt đến một cao trào mới, khi ứng cử viên thân phương Tây Viktor Yushchenko được bầu làm tổng thống Ukraine, ông cầm quyền cho đến khi kết thúc nhiệm kỳ vào năm 2010.
Sau khi chính trị gia thân Nga Viktor Yanukovych kế nhiệm Viktor Yushchenko lên làm tổng thống Ukraine, tháng 11 năm 2013, ông đã hủy bỏ hiệp định đối tác đã ký với Liên minh châu Âu. Điều này dẫn đến các cuộc biểu tình đã nhanh chóng từ Quảng trường Độc lập của Kiev lan ra khắp đất nước, dẫn đến việc chính phủ của Yanokovych bị lật đổ vài tuần sau đó. Vào mùa xuân năm 2014, quân đội Nga đã chiếm đóng và sáp nhập Bán đảo Crimea vào Nga.
Việc bán đảo Crimea bị sáp nhập không gây ra thương vong, nhưng các hoạt động quân sự do lực lượng ly khai ở miền đông Ukraine phát động, từ năm 2014 đến nay, đã tác động tiêu cực đến cuộc sống của người dân địa phương. Lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn đã tuyên bố thành lập Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) và Cộng hòa Nhân dân Luhansk (LPR). Theo số liệu của Liên Hợp Quốc, hơn 13.000 người đã thiệt mạng và hơn 1,4 triệu người phải rời bỏ nhà cửa trong các cuộc đụng độ quân sự ở các khu vực nói trên.
Lực lượng NATO hiện đã tiến đến sát Nga (Ảnh: Express).
Vào tháng 2 năm 2015, dưới sự trung gian của Đức và Pháp, Nga và Ukraine đã đạt được đồng thuận về một kế hoạch hòa bình, nhưng Thỏa thuận Minsk hiện nay đã bị gác lại. Kể từ khi xung đột quân sự bùng nổ, các bên đã hơn 20 lần đạt được thỏa thuận ngừng bắn về tình hình miền đông Ukraine, nhưng tình hình chưa bao giờ thực sự lắng xuống.
Sự mở rộng NATO gây tranh cãi
Kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, NATO luôn theo đuổi cái gọi là "chính sách mở rộng cửa". Tính từ năm 1999 đến nay, NATO đã không ngừng mở rộng về phía đông: năm 1999, NATO kết nạp thêm 3 nước Ba Lan, CH Czech và Hungary; từ 2004 đến 2009, NATO thu nạp thêm 9 nước bao gồm Bulgaria, Estonia, Latvia, Lithuania, Romania, Slovakia, Slovenia, Albania, Croatia; từ 2017 đến 2020, NATO kết nạp thêm 2 nước Montenegro và Bắc Macedonia.
Tại hội nghị thượng đỉnh Bucharest năm 2008, NATO tuyên bố lập trường có thể chấp nhận Ukraine gia nhập NATO, nhưng không đề xuất thời điểm cụ thể để Ukraine gia nhập NATO. Mặc dù chủ trương do Mỹ đề xuất này bị phần lớn các quốc gia thành viên phản đối, nhưng Tuyên bố Bucharest vẫn đưa vào nội dung mời Gruzia và Ukraine gia nhập NATO. Trong cuộc khủng hoảng hiện nay, một trong những yêu cầu chính của Nga là cấm Ukraine gia nhập NATO. Moscow cho rằng một khi Ukraine gia nhập NATO, sẽ gây nên mối đe dọa đối với Nga.
Lịch trình phát triển NATO tiến dần về phía đông (Ảnh: Deutsche Welle).
Xung đột leo thang
Vài tháng trước, Nga đã bắt đầu tập kết các vũ khí hạng nặng, bao gồm xe tăng, pháo binh và trực thăng quân sự, ở biên giới Nga - Ukraine. Hiện tại, quân đội Nga đã triển khai tổng cộng khoảng 100.000 binh sĩ tại các khu vực biên giới của Nga và Belarus với Ukraine, có thể tiến hành đồng thời một cuộc tấn công trên biển, trên bộ và trên không nhằm vào lãnh thổ Ukraine bất cứ lúc nào. Tuy nhiên, theo các quan chức Nga, mục đích của việc tập kết các binh sĩ nói trên là để tiến hành các cuộc diễn tập quân sự.
Nga hiện là quốc gia có thực lực quân sự hùng mạnh nhất thế giới. Dù xét về quân số, vũ khí hay trang bị, Nga đều bỏ xa Ukraine.
Sự điều chuyển lực lượng của NATO gần đây nhằm đối phó Nga (Ảnh: Deutsche Welle).
Đáp lại việc Nga tập kết quân đội, NATO cũng đã tăng cường bố trí quân sự ở sườn phía đông của mình. Mỹ đã đưa thêm 3 ngàn quân từ lục địa Mỹ tới châu Âu; quân đội Đức cũng tham gia vào chiến dịch này và đưa thêm 350 sĩ quan và binh sĩ, cũng như khoảng 100 xe quân sự tới Lithuania. Cho đến nay, quân số Đức đóng tại Litva đã mở rộng lên gần 1.000 người. Khác với Đức, các nước thành viên NATO như Mỹ, Ba Lan và Anh đã cung cấp vũ khí và trang thiết bị cho Ukraine.