Truyền thông góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới
Theo ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, thời gian qua, các cơ quan chức năng, nhất là cơ quan thông tấn, báo chí đã đẩy mạnh truyền thông về xây dựng nông thôn mới, góp phần quan trọng vào kết quả xây dựng nông thôn mới của nước ta.
Phụ nữ thực hiện vệ sinh môi trường, góp phần xây dựng nông thôn mới. Ảnh: ST
Ngày 13/4, tại Yên Bái, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới (NTM) Trung ương tổ chức Hội nghị về truyền thông phục vụ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021-2025.
Theo ông Sơn, ngay từ khi bắt đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Ban Chỉ đạo Trung ương đã xác định, truyền thông là một giải pháp quan trọng, vừa song hành, vừa đi trước để chỉ đạo, hướng dẫn và phản ánh thực hiện. Vì vậy, các hình thức tuyên truyền được triển khai đa dạng với sự tham gia của mọi cấp, ngành, đoàn thể, nhằm chuyển tải một cách sâu sắc, thiết thực nhất những chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng NTM tới mọi tầng lớp nhân dân.
Ngoài tuyên truyền qua các hội nghị, hội thảo, công tác truyền thông về xây dựng NTM còn được tổ chức dưới các hình thức khác nhau như: Tổ chức các hội chợ, triển lãm, các lớp tập huấn, bồi dưỡng, phát động các phong trào thi đua, các cuộc thi văn nghệ, sáng tác thơ ca, ca khúc, truyện, kịch… về NTM.
Với quan điểm xây dựng NTM là quá trình thường xuyên, liên tục, lâu dài, giai đoạn 2021 - 2025, công tác truyền thông đang được tổ chức thực hiện có hệ thống, đồng bộ, đa dạng về hình thức, đổi mới về nội dung và luôn đi trước một bước với cách tiếp cận mới, tư duy mới trong phát triển kinh tế nông thôn, xây dựng NTM theo nguyên tắc "Cơ cấu lại nền nông nghiệp là động lực, nông thôn mới là nền tảng, nông dân là chủ thể", hướng đến xây dựng "Nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Đến hết năm 2022, cả nước đã có 18 đơn vị cấp tỉnh có 100% số xã đạt chuẩn NTM, trong đó có 5 tỉnh là Đồng Nai, Nam Định, Hà Nam, Hưng Yên và Hải Dương đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM. Cả nước có 255 đơn vị cấp huyện thuộc 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được Thủ tướng Chính phủ công nhận đạt chuẩn hoặc hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và đã có 73,08% số xã đạt chuẩn NTM.
Cũng theo ông Ngô Trường Sơn, sau hơn 12 năm triển khai thực hiện Chương trình xây dựng NTM, diện mạo nông nghiệp, nông thôn trên cả nước đã có nhiều khởi sắc, đời sống vật chất và tinh thần của nông dân, nông thôn từng bước nâng lên; các giá trị văn hóa truyền thống không ngừng được củng cố và phát huy; môi trường nông thôn ngày càng sáng - xanh - sạch - đẹp... Công tác truyền thông về xây dựng NTM đã tạo được sự lan tỏa mạnh mẽ, thu hút sự tham gia của các cấp, các ngành, đoàn thể và các địa phương, góp phần chuyển đổi nhận thức cho cán bộ cơ sở, người dân về xây dựng NTM, nhất là từ thụ động, phụ thuộc vào nhà nước, sang chủ động, tích cực hơn.
"Bên cạnh những mặt tích cực đạt được, công tác truyền thông về xây dựng NTM vẫn còn tồn tại, hạn chế. Nhiều địa phương còn lúng túng và tự phát trong xây dựng kế hoạch truyền thông hàng năm; tại một số nơi, công tác truyền thông chưa được quan tâm đúng mức, còn mang tính hình thức, đối phó, chưa có tính sáng tạo", ông Phương Đình Anh, Phó Chánh Văn phòng Điều phối NTM Trung ương, cho biết.
Theo ông Đặng Khắc Lợi, Phó Cục trưởng Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông), thời gian quan, công tác truyền thông về xây dựng NTM đã được các cơ quan báo chí tích cực triển khai, có ngày, các cơ quan báo chí đăng tải trên 500 tin, bài về xây dựng NTM. Thời gian tới, Cục Báo chí sẽ tăng cường chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí truyền thông về xây dựng NTM.
Cũng theo ông Lợi, để hoạt động truyền thông về NTM đạt nhiều kết quả hơn nữa, Văn phòng Điều phối NTM Trung ương và Văn phòng Điều phối NTM các tỉnh, thành cần tăng cường đặt hàng các cơ qua báo chí tuyên truyền về Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM theo quy định.
Để thực hiện được các mục tiêu với công tác truyền thông về xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025, ông Ngô Trường Sơn cho rằng, Văn phòng Điều phối NTM các tỉnh, thành phố cần bám sát các nhiệm vụ, giải pháp trong chương trình truyền thông đã được phê duyệt, chủ động phối hợp với ngành Thông tin và Truyền thông và các cơ quan thông tấn báo chí, hằng năm tham mưu cho UBND cùng cấp ban hành kế hoạch truyền thông và chỉ đạo thực hiện theo hướng rõ chủ đề, rõ việc, rõ đối tượng tuyên truyền; đa dạng hóa nội dung và phương thức tuyên truyền; phân công trách nhiệm cụ thể cho các cơ quan, đơn vị, các ngành; chú trọng công tác kiểm tra, giám sát công tác truyền thông ở các cấp, đồng thời, xác định việc kịp thời tôn vinh, khen thưởng các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong tham gia xây dựng NTM.
Trong những năm qua, Hội LHPN Việt Nam đã triển khai nhiều hoạt động tuyền truyền về xây dựng NTM như: Tuyên truyền, vận động, hỗ trợ phụ nữ thi đua "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch". Việc triển khai Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch" của các cấp Hội LHPN đã đóng góp đáng kể vào việc thực hiện 13/19 tiêu chí của Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng NTM giai đoạn 2016 - 2020. Đáng chú ý, các tiêu chí "3 sạch" gắn với hàng chục nghìn công trình/phần việc bảo vệ môi trường do các chi hội/tổ phụ nữ đảm nhiệm được triển khai rộng khắp, làm thay đổi bộ mặt nông thôn và khẳng định vai trò của tổ chức Hội.
Đến nay, Hội LHPN các tỉnh/thành phố đều đạt và vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII về thực hiện Cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch": Đăng ký và thực hiện gần 17 nghìn công trình/phần việc với cấp ủy chính quyền địa phương và gần 13 triệu hộ gia đình đạt tiêu chí "5 không, 3 sạch"…