Truyền thông góp phần thay đổi nhận thức về tác hại của thuốc lá

Ai cũng biết hút thuốc lá có hại cho sức khỏe, thế nhưng tỉ lệ người hút thuốc lá trong xã hội ngày càng có xu hướng tăng. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này, nhưng chủ yếu là do sự hiểu biết một cách đầy đủ về tác hại của thuốc lá vẫn còn hạn chế. Do vậy, công tác truyền thông đóng vai trò rất quan trọng và cần được đẩy mạnh, từ đó góp phần nâng cao nhận thức của người dân về phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL).

 Tổ chức chương trình văn nghệ truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá tại Trường Tiểu học và THCS Hải Trường - Ảnh: T.L

Tổ chức chương trình văn nghệ truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá tại Trường Tiểu học và THCS Hải Trường - Ảnh: T.L

Trường Tiểu học và THCS Hải Trường, xã Hải Trường, huyện Hải Lăng là một trong số các địa điểm mà ngành y tế chọn để thực hiện truyền thông về PCTHTL trong năm 2020. Hiệu quả của hoạt động truyền thông này đã góp phần quan trọng trong việc thay đổi nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, từ đó có hành động cụ thể đối với tình trạng hút thuốc lá.

Trao đổi với chúng tôi, Bí thư Chi đoàn Trường Tiểu học và THCS Hải Trường Trương Minh Thái cho biết: “Để nâng cao nhận thức của học sinh về tác hại của thuốc lá, nhà trường đã chủ động lồng ghép các nội dung về PCTHTL vào chương trình giảng dạy cũng như các buổi học ngoại khóa hay các hoạt động ngoài giờ lên lớp. Nhìn chung đa số học sinh, đặc biệt là học sinh khối 8 và 9 có hiểu biết về tác hại của thuốc lá. Tuy nhiên, thực tế là thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng hút thuốc lá ở một số học sinh. Để tiếp tục giúp học sinh hiểu biết hơn về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe của bản thân và cộng đồng, ngành y đã phối hợp với trường tổ chức truyền thông về PCTHTL. Thông qua buổi truyền thông, các em được trực tiếp giao lưu, chia sẻ với các chuyên gia, những người hiểu biết về tác hại thuốc lá, từ đó, giúp mỗi học sinh có sự nhìn nhận đúng hơn, hiểu rõ hơn về PCTHTL. Sau khi tham gia các buổi truyền thông tại trường, một số em đã quyết tâm từ bỏ thuốc lá hoặc từ bỏ ý định hút thuốc lá. Chúng tôi mong muốn ngành y tế sẽ tiếp tục tổ chức nhiều hơn các buổi truyền thông về PCTHTL tại các trường học thông qua hình ảnh trực quan sinh động, có nhiều hơn nữa sự tương tác để học sinh tiếp tục nâng cao nhận thức PCTHTL”.

Nhằm nâng cao nhận thức cho người dân về tác hại của thuốc lá, các cấp, ngành, tổ chức xã hội liên quan đã đẩy mạnh công tác truyền thông về PCTHTL. Đó là các hoạt động mít tinh, tuyên truyền về các quy định của Luật PCTHTL với những nội dung chủ yếu như: Cấm hút thuốc tại nơi làm việc, trường học, cơ sở y tế, khách sạn, bến tàu, bến xe, nhà ga, trên các phương tiện giao thông công cộng.

Đồng thời, cũng tuyên truyền các quy định về quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, địa phương, người quản lý các địa điểm cấm hút thuốc lá; quyền và nghĩa vụ của công dân trong PCTHTL; nghĩa vụ của người hút thuốc lá. Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị trong tỉnh, đặc biệt là tại các công sở, trường học, cơ sở y tế đã đưa quy định về cấm hút thuốc ở nơi làm việc.

Nhiều địa phương đã triển khai các giải pháp nhằm hạn chế hoặc không hút thuốc trong các đám cưới, đám tang, lễ hội ở địa bàn dân cư. Năm 2020, trước tình hình diễn biến phức tạp của COVID-19, tỉnh đã tổ chức hưởng ứng Tuần lễ quốc gia không khói thuốc từ ngày 25 - 31/5 bằng các hình thức như: Truyền thông bằng xe lưu động; treo băng rôn vượt đường tại các trục đường chính của 9 huyện, thị xã, thành phố; phát 25.000 tờ rơi tài liệu truyền thông có nội dung PCTHTL cho sinh viên và học sinh tại 31 trường THPT trên địa bàn tỉnh và 2 trường Cao đẳng; tổ chức 2 hội thảo cho cán bộ nòng cốt thực hiện hoạt động PCTHTL và chia sẻ kinh nghiệm trong hoạt động PCTHTL cho cán bộ y tế, đại diện các trường THPT.

Tổ chức 9 lớp tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ tham gia hoạt động về PCTHTL; 13 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng truyền thông về PCTHTL cho nhân viên y tế thôn bản; 5 lớp tập huấn hướng dẫn cai nghiện tại cộng đồng cho cán bộ y tế cơ sở; 4 lớp tập huấn cho giáo viên các trường về các nội dung PCTHTL để đưa vào giảng dạy ngoại khóa. Tổ chức truyền thông trực tiếp tại các bệnh viện cho 171 bệnh nhân và người nhà bệnh nhân; tập huấn cho 100 giáo viên THPT về Luật PCTHTL; truyền thông trực tiếp kèm biểu diễn văn nghệ Luật PCTHTL, tác hại thuốc lá với sự tham gia của khoảng 1.000 người dân…

Các biện pháp truyền thông đã được triển khai thực hiện, công tác PCTHTL được hiện thực hóa thành luật nhưng thực tế cho thấy, để Luật PCTHTL đi vào cuộc sống thì cần thời gian dài làm công tác truyền thông. Do vậy, công tác truyền thông, tuyên truyền về PCTHTL cần được đẩy mạnh hơn nữa. Trong thời gian tới, các cấp, ngành, đoàn thể và địa phương cần tiếp tục phối hợp với ngành y tế để đẩy mạnh tuyên truyền về Luật PCTHTL.

Các cơ quan truyền thông cần đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền để nâng cao nhận thức của người dân về tác hại của thuốc lá. Đồng thời, các cấp, ngành, địa phương cần tiếp tục xây dựng chương trình, kế hoạch về thông tin, truyền thông về PCTHTL và tổ chức triển khai thực hiện nhằm nâng cao nhận thức, tăng cường sự ủng hộ của các nhà hoạch định chính sách và cộng đồng về PCTHTL. Thực hiện tốt công tác kiểm tra, giám sát nghiêm túc việc thực thi pháp luật về PCTHTL, xử lý, chấn chỉnh kịp thời đối với những hành vi vi phạm pháp luật về PCTHTL.

T.L

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=73&modid=420&itemid=163138&title=truyen-thong-gop-phan-thay-doi-nhan-thuc-ve-tac-hai-cua-thuoc-la