Theo thông tin trên tờ Thedrive của Mỹ, Nga đã lần đầu tiên công bố vụ phóng hệ thống phòng không S-500. Vụ phóng được thực hiện ở trường bắn Kapustin Yar gần Astrakhan, miền nam nước Nga và bắn hạ một mục tiêu đạn đạo tốc độ cao.
Quân đội Nga hiện đang tiến hành nhiều cuộc thử nghiệm khác nhau, trước khi đưa tên lửa phòng không S-500 vào hoạt động. Sau khi hoàn thành thử nghiệm, S-500 sẽ bắt đầu được đưa vào sử dụng, ban đầu S-500 sẽ là một phần của hệ thống phòng không, bảo vệ Thủ đô Moscow.
S-500 dự kiến sẽ thay thế hệ thống chống tên lửa A-135 trong tương lai, hiện được triển khai xung quanh Moscow và bổ sung cho hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa S-400, đang phục vụ cho Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga.
Theo Bộ Quốc phòng Nga, hệ thống tên lửa phòng không S-500 là duy nhất trên thế giới, được thiết kế để đánh chặn các vũ khí tấn công vũ trụ, đang hoạt động và trong tương lai của đối phương.
S-500 được thiết kế ngay từ đầu, để đối phó với nhiều loại mục tiêu trên không, bao gồm tên lửa đạn đạo, máy bay và tên lửa hành trình. Giống như nhiều hệ thống phòng không của Nga, S-500 có thể phóng một loạt tên lửa khác nhau để đánh chặn các vật thể bay, ở các phạm vi và độ cao khác nhau, của các mối đe dọa trên không.
Hiện vẫn chưa rõ vụ thử mới nhất của hệ thống S-500, sử dụng tên lửa loại 77N6 hay tên lửa 40N6 của hệ thống S-400. Các chuyên gia quốc phòng Nga cũng đưa ra các kết luận khác nhau, về loại tên lửa nào đã được sử dụng trong vụ thử S-500; mặc dù hầu hết mọi người đều nghĩ rằng, vụ thử vừa qua là tên lửa 77N6. Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga đã cố tình che khuất các ảnh chụp, khiến việc xác định tên lửa khó khăn hơn.
Quá trình phát triển S-500 bắt đầu vào năm 2009. Tuy nhiên kế hoạch liên tục bị trì hoãn; do vậy thời gian đưa vào biên chế của nó liên tục bị chậm.
Mặc dù cuộc thử nghiệm mới nhất cho thấy, dự án S-500 đang đạt được tiến độ, nhưng vẫn còn phải xem, liệu nó có được đưa vào sử dụng trước năm 2025 như dự kiến hiện nay hay không.
Tuy nhiên bất chấp những trở ngại (chủ yếu là do thiếu kinh phí), S-500 đã đạt được một số đột phá quan trọng, bao gồm tiến hành vụ phóng thử tên lửa đất đối không xa nhất trong lịch sử, bắn trúng mục tiêu cách xa gần 480 km. Theo báo cáo của các phương tiện truyền thông nhà nước Nga, tầm bắn tối đa của S-500 cuối cùng sẽ là khoảng 600 km.
Khi đã sẵn sàng phục vụ, S-500 sẽ tăng cường hơn nữa khả năng chống tiếp cận và phong tỏa khu vực (A2/ AD) của quân đội Nga. Hệ thống này có thể được triển khai bảo vệ các khu vực chiến lược quan trọng của Nga gần biên giới phía đông của NATO, chẳng hạn như vùng lãnh thổ Kaliningrad, bán đảo Crimea, các trung tâm kinh tế, chính trị của Nga.
Nga cũng có thể triển khai S-500 ở nước ngoài, chẳng hạn như Syria, điều này sẽ làm phức tạp thêm mối quan hệ vốn đã mỏng manh giữa Nga với Mỹ và các đồng minh.
S-500 sẽ cung cấp thêm cho Quân đội Nga một vũ khí đánh chặn tên lửa đạn đạo. Mặc dù S-400 đã cung cấp cho quân đội Nga một hệ thống chống tên lửa, có thể bắn hạ các mục tiêu trên bầu khí quyển và danh sách hàng xuất khẩu vẫn đang được mở rộng; nhưng S-500 sẽ có hiệu suất chống tên lửa mạnh hơn.
Thổ Nhĩ Kỳ đã bắt đầu quan tâm đến hệ thống S-500. Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan nói rằng, ông hy vọng sẽ hợp tác với Nga để sản xuất loại vũ khí này.
S-500 trái ngược hẳn với hệ thống chống tên lửa A-135. A-135 được phóng từ một hầm chứa cố định và chỉ được triển khai xung quanh thủ đô của Nga. Còn S-500 có khả năng cơ động trên đường, bằng phương tiện phóng việt dã 10×10, với khả năng cơ động tuyệt vời và khả năng sống sót mạnh mẽ.
S-500 cũng có thể ra mắt phiên bản hải quân, và đi theo mô hình phát triển tương tự như các phiên bản tên lửa phòng không trước đó như S-300 và S-400. Cả hai loại tên lửa này, đều đã được trang bị trên tàu chiến của Hải quân Nga.
Phiên bản hải quân của S-500, có thể được trang bị trên tàu khu trục 10.000 tấn mới Leader mà Nga, hiện có kế hoạch phát triển; tuy nhiên số phận của loại tàu chiến mới đầy tham vọng này, vẫn chưa rõ ràng. Có nguồn tin cho rằng, kế hoạch này đã bị đình chỉ.
Đối với Nga, chỉ với S-500 là không đủ, vì hiện nay đối thủ Mỹ đang nhanh chóng tiến hành hiện đại hóa và nâng cấp các lực lượng hạt nhân chiến lược và phát triển các hệ thống vũ khí tiến công chiến lược và chiến thuật mới; bao gồm tên lửa hành trình, tên lửa đạn đạo và bệ phóng tên lửa mới.
Trong mọi trường hợp, S-500 có thể đóng một vai trò quan trọng trong khả năng đánh chặn tên lửa tầm trung của Mỹ. Nhưng để đạt được khả năng phòng không mạnh mẽ, là một vấn đề rất phức tạp và còn lâu mới có thể làm được với hệ thống phòng không. Nhưng S-500 có thể là một phần quan trọng, để đạt được khả năng này.
S-500 sẽ trở thành vũ khí phòng không rất hấp dẫn, không chỉ đối với Nga, mà còn đối với các khách hàng ở nước ngoài, giống như các hệ thống S-300 và S-400 trước đây. Ngoài việc đánh chặn tên lửa đạn đạo, S-500 còn có thể đánh chặn các mục tiêu có giá trị cao, như máy bay tiếp dầu và máy bay cảnh báo sớm của đối phương ở khoảng cách xa.
Nhìn chung, mặc dù S-500 đã gặp phải những sự chậm trễ, nhưng nếu đạt được tất cả hiệu suất của nó, loại vũ khí tiên tiến này sẽ cải thiện đáng kể khả năng phòng không trên bộ, trên biển của Nga. Nguồn ảnh: Pinterest.
Tổ hợp phòng không S-400 của Nga dù được tung hô lên tận mây xanh nhưng thực chiến ở Syria lại khá thất vọng. Nguồn: HPT7.
Tiến Minh