Truyền thống thờ Táo Quân tại Đông Á: Nét đẹp không chỉ có ở Việt Nam
Mỗi năm vào ngày 23 tháng Chạp, mọi gia đình Việt Nam lại rục rịch bàn thờ cúng Táo Quân. Nhưng bạn có biết, nét văn hóa này không chỉ có ở Việt Nam mà cũng được chia sẻ rộng rãi trong các nước đồng văn?
Hình tượng Ông Táo hay Táo Quân đã không xa lạ gì với người dân Việt Nam. Vào ngày 23 tháng Chạp hàng năm, mỗi gia đình đều làm lễ cúng với niềm tin đưa Ông Táo lên chầu trời. Trong văn hóa Việt Nam, Táo Quân đại diện cho 3 vị thần Đất, thần Nhà và thần Bếp núc - đều là những biểu tượng gắn bó từ xa xưa với nếp sống nông nghiệp.
Nhưng không chỉ Việt Nam có tục thờ Táo Quân. Trong vùng văn hóa quyển Đông Á, các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản đều có truyền thuyết về thần bếp tương tự.
Trung Quốc
Tại Trung Quốc, tục thờ Táo Quân có nhiều nét tương đồng với trong văn hóa Việt Nam. Người Trung Quốc gọi là Táo Vương, xem ông là vị thần bếp núc. Nhưng không chỉ quản chuyện bếp núc, Táo Vương còn là "thần hộ mệnh" cho gia chủ, đất đai, nội trợ.
Trong truyền thống phổ biến nhất bắt nguồn từ vùng Sơn Đông, Táo Vương tên thật là Trương Lang. Trương Lang có người vợ tào khang tên Đinh Hương. Được một thời gian, Trương Lang ngoại tình với một người phụ nữ trẻ và đuổi vợ cũ ra khỏi nhà. May mắn cho Đinh Hương, cô tìm được một gia đình tốt cưu mang và có cuộc sống viên mãn.
Một ngày nọ, nhà Trương Lang gặp đám cháy lớn, người vợ sau cũng bị thiêu chết (có nơi nói là do bị trời phạt). Bản thân Trương Lang cũng bị mù sau vụ cháy, phải đi ăn xin. Một ngày, Trương Lang tìm được đến nhà vợ cũ để ăn xin nhưng vì mù nên không nhận ra cô.
Thương cảm cho chồng cũ, Đinh Hương đối đãi rất hậu. Trương Lang kể lại hoàn cảnh của mình và nói rằng mình vô cùng hối hận, đau khổ vì đã tệ bạc với vợ cũ. Lúc này, Đinh Hương mới bảo Trương Lang mở mắt ra. Kỳ diệu thay, lúc này mắt Trương Lang đã khôi phục lại thị lực.
Nhận ra người vợ cũ, Trương Lang quá hổ thẹn mà lao mình vào bếp lò. Đinh Hương cố cứu nhưng không được, chỉ lôi được một chân ra. Nhưng vì cùng họ với Ngọc Hoàng, Trương Lang được tha thứ mà không phải chịu tội, còn được phong làm Táo Vương để quản chuyện bếp núc các gia đình dưới hạ giới.
Tục cúng Táo Vương đã có từ thời Tiền Tần rất lâu đời ở Trung Quốc. Tuy nhiên, Táo Quân trong văn hóa Trung Hoa không dùng cá chép về trời mà dùng ngựa. Ngày khởi hành là 23 hoặc 24 tháng Chạp.
Nhật Bản
Trong văn hóa Nhật Bản, cũng có vị thần Daikokuten (Đại Hắc Thiên) là thần cai quản chuyện nhà nông, bếp núc.
Ông là một phúc thần được cho là xuất phát từ ảnh hưởng của Ấn Độ giáo. Daikokuten bảo trợ cho người làm nông, bóng đêm, ngũ cốc, thịnh vượng, thương mại, đầu bếp và trồng trọt.
Thần Daikokuten được thờ tại Nhật có lẽ sớm hơn cả thời Heian. Thời kỳ đầu, thần thường được khắc họa với vẻ mặt hung dữ của một chiến binh và có mặc áo giáp. Từ thế kỷ 14, hình dung về vị thần này thay đổi với dáng vẻ hiền hậu, đầy đặn, đội chiếc mũ nhà nông. Thần đứng trên những kiện gạo (tawara 俵), vác trên vai một bao lớn đựng châu báu và cầm một chiếc vồ ma thuật nhỏ.
Có nhiều hình dạng khác, bao gồm cả hình dạng thần nữ, nhưng ở Nhật Bản, vị thần luôn được thể hiện là đứng trên vài kiện gạo, tay cầm chiếc vồ ma thuật và bao đựng châu báu. Hình ảnh, tranh vẽ và các tác phẩm nghệ thuật khác của Daikokuten có thể được tìm thấy ở khắp mọi nơi ở Nhật Bản hiện đại, bao gồm áp phích, móc chìa khóa, phụ kiện điện thoại di động, đồ chơi cho trẻ em, thậm chí hình xăm.
Daikokuten đôi khi được thờ cùng Ebisu (Huệ Bì Tu, cũng thuộc Thất Phúc Thần của Nhật). Ông là người bảo trợ cho ngư nghiệp, ngư dân, sự may mắn và nhà buôn.
Hàn Quốc
Tại bán đảo Triều Tiên cũng có truyền thuyết về Jowangshin (Táo Vương Thần), là vị thần quản bếp núc. Tuy nhiên, khác với ở Việt Nam và Trung Quốc, Táo Vương của người dân Hàn Quốc lại mang giới tính nữ.
Jowangshin là biểu tượng của bếp lò, nội trợ, người giữ lửa trong gia đình. Lịch sử thờ cúng vị thần này cũng rất xa xưa, bắt đầu từ thời đại Tiền Tam Quốc.
Jowangshin có hiện thân là một bát nước được đặt trên bàn thờ bằng đất sét phía trên lò sưởi. Người nội trợ mỗi sáng thức dậy sớm và đổ nước ngọt từ một cái giếng gần đó vào bát, sau đó quỳ xuống trước bát nước cầu phúc. Nghi lễ Jowangshin đặc biệt phát triển ở miền nam bán đảo Triều Tiên. Ngoài ra, mỗi lễ hội Jowangshin đều được cúng với Tteok (bánh gạo) và trái cây.
Có 5 điều luật trong thờ cúng Jowangshin: Đó là không được có từ ngữ xúc phạm gần bếp lò; không được ngồi lên bếp lò; không được đặt chân lên bếp lò; phải giữ bếp sạch sẽ; và cuối cùng, có thể thờ cả các vị thần khác trong bếp.
Vị thần này xuất hiện trong Munjeon bon-puri, một truyền thuyết về đảo Jeju.
Jowangshin đặc biệt coi trọng 5 điều luật trong bếp và sẽ trừng phạt ai phạm phải. Trong một truyền thuyết của người dân đảo Jeju, vì ném chiếc giày bùn đất vào bếp mà Hwanguyangssi với "bộ giáp vinh quang" đã bị thần Jowangshin trong nhà phản bội. Nữ thần bếp đã cử một quân thần của trời - Okhwang Chasa vào nhà để trừng phạt Hwanguyangssi.
Nguồn: Tổng hợp