Truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' luôn được bồi đắp

Cũng giống như các thầy, cô giáo trên cả nước, Ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11) luôn mang lại những cảm xúc đặc biệt, tươi mới cho các ĐBQH ngành Giáo dục. Những trăn trở về đời sống giáo viên, về truyền thống 'Tôn sư trọng đạo' được các đại biểu nhắc đến nhiều hơn cả.

Ảnh minh họa/ INT

Ảnh minh họa/ INT

Đại biểu Quốc hội Tòng Thị Phóng - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội:

Chăm lo cho đội ngũ nhà giáo là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân

Tháng 11, nhiều hoạt động trong cả nước hướng đến Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, thể hiện sự chăm lo của toàn dân đối với sự nghiệp giáo dục, đào tạo của nước nhà. Đây cũng là một trong những trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân, mọi gia đình, mọi bậc phụ huynh và các em học sinh, sinh viên đối với các nhà giáo nói riêng và sự nghiệp “trồng người” nói chung.

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trả lời phỏng vấn của Báo Giáo dục & Thời đại. Ảnh: Quang Khánh

Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng trả lời phỏng vấn của Báo Giáo dục & Thời đại. Ảnh: Quang Khánh

Vì thế, ngày 20/11 là một trong những ngày lễ quan trọng của đất nước; thể hiện sự tôn vinh của tất cả mọi người đối với đội ngũ nhà giáo bằng một tình cảm đặc biệt. Đây cũng là nét đẹp của truyền thống “Tôn sư trọng đạo” của dân tộc.

Nhân đây, tôi cũng muốn bày tỏ tình cảm quý trọng của mình đối với tất cả các thầy giáo, cô giáo trên cả nước. Xin được gửi lời thăm hỏi ân cần, lời chúc mừng tốt đẹp nhất đến các thầy, cô giáo trên cả nước. Tôi đánh giá cao sự đóng góp quý báu của các thầy cô giáo trên mọi miền Tổ quốc đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của nước nhà. Chúc các thầy, cô giáo mạnh khỏe, hạnh phúc, có nhiều niềm vui trong cuộc sống và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ cao quý mà Đảng, Nhà nước và nhân dân tin tưởng, tin cậy giao phó.

ĐBQH Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình):

Vừa dạy học, vừa làm dân vận

Qua hoạt động giám sát của Quốc hội, tôi thấy, đội ngũ giáo viên, nhất là giáo viên ở vùng sâu, vùng xa, điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn có nhiều nỗ lực và hi sinh rất nhiều cho sự nghiệp trồng người. Dạy học ở vùng khó, giáo viên phải có nghị lực rất lớn mới có thể bám trường, bám lớp, mang tri thức đến với bản làng. Không chỉ dạy học, giáo viên còn giúp đỡ rất nhiều học sinh trong cuộc sống hàng ngày. Chẳng hạn như ở trường bán trú hoặc nội trú, hầu hết học sinh đều xa nhà, nên ngoài việc giảng dạy, giáo viên còn đảm đương vai trò như người cha, người mẹ của các em.

Bên cạnh việc dạy học chính quy, nhiều giáo viên cũng rất quan tâm đến dạy học cho người lớn như: Xóa mù chữ, phổ cập giáo dục… Chẳng hạn như xã Hang Kia, Pà Cò (Mai Châu, Hòa Bình), đồng bào dân tộc Mông rất chịu khó đi học, nhiều người địu cả con đi học, vượt nhiều cây số đi học xóa mù chữ. Đây là điều rất đáng ghi nhận.

Nhưng có được điều đó phải kể đến công lao của giáo viên. Các thầy, cô nhiệt tình, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu học tập của người dân. Thứ nữa, người giáo viên còn làm rất tốt công tác tuyên truyền, vận động người dân đến lớp học để xóa mù chữ, nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, chúng tôi rất trân trọng đội ngũ thầy, cô giáo “cắm bản”.

“Tôn sư trọng đạo” là truyền thống tốt đẹp và quý báu của dân tộc ta. Trải qua các giai đoạn lịch sử, dù các hình thức thể hiện có thể khác nhau nhưng truyền thống đó không hề mất đi mà ngày càng được kế thừa, phát huy và trở thành điểm sáng trong GD-ĐT. Trong xã hội ngày nay, hầu hết các gia đình đều dạy dỗ con em mình phải biết kính trọng thầy, cô giáo. Đặc biệt, dịp 20/11, các cấp ủy Đảng, chính quyền, đoàn thể ở các địa phương đều quan tâm tổ chức nhiều hoạt động tri ân, nâng cao vị thế của nhà giáo trong xã hội. Đó là điều rất đáng ghi nhận và cần được phát huy hơn nữa.

ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai (đoàn Trà Vinh):

Tự hào là nhà giáo

Ngày 20/11 là ngày Tết đặc biệt của đội ngũ thầy, cô giáo. Đó là một ngày mà tất cả những người làm trong ngành Giáo dục đều cảm thấy gắn bó và đoàn kết với nhau hơn. Đây cũng là ngày để các thế hệ học trò bày tỏ lòng biết ơn đến thầy cô giáo của mình. Bản thân tôi cũng thấy rất tự hào vì mình cũng là một nhà giáo. Càng tự hào hơn khi đội ngũ nhà giáo đã có những đóng góp vào công cuộc đổi mới của đất nước.

Còn nhớ, thời kỳ năm 1945, nước ta có khoảng 95% dân số mù chữ. Ngày nay 95% người dân được đi học. Chúng ta đã phổ cập giáo dục tiểu học; Số lượng người tốt nghiệp đại học và sau đại học chiếm tỉ lệ cao. Thành tích đó có sự đóng góp to lớn của đội ngũ nhà giáo. Điều đó là rất đáng tự hào.

Bản thân tôi, vào dịp 20/11, nếu không đến thăm trực tiếp thì cũng gửi những dòng tin nhắn, gọi điện, hoặc gửi điện hoa để chúc mừng thầy, cô của mình. Thời chúng tôi là học sinh, điều kiện còn khó khăn, thiếu thốn đủ bề nhưng đi học rất vui. Thầy giáo luôn thương yêu học sinh, ngược lại học sinh và phụ huynh luôn kính trọng thầy, cô giáo của mình.

Nhiều giáo viên ở phương xa về địa phương chúng tôi để dạy học đã được các gia đình cưu mang, đón về ở cùng với gia đình. Có thể nói, thầy trò luôn gắn bó đùm bọc lẫn nhau. Đó là những ngày tháng tuổi thơ đẹp nhất của tôi. Giờ đây, trên cương vị của một nhà giáo, không gì mong muốn hơn, món quà ý nghĩa nhất của tôi đó là nhìn thấy các thế hệ học sinh của mình trưởng thành, có công ăn việc làm và là người tử tế trong xã hội.

“Truyền thống “Tôn sư trọng đạo” là một trong những nét đẹp của dân tộc ta. Truyền thống đó cần được phát huy giá trị hơn nữa. Hiện nay, đâu đó cũng có thầy, cô giáo bị tác động bởi mặt trái của cơ chế thị trường. Tuy nhiên đại đa số các thầy cô đều là tấm gương, đạo đức trong sáng để học sinh noi theo”
ĐBQH Tăng Thị Ngọc Mai

Nguồn GD&TĐ: http://giaoducthoidai.vn/giao-duc/truyen-thong-ton-su-trong-dao-luon-duoc-boi-dap-4048325-b.html