Truyền thông truyền thống đang mất đi thị phần và doanh thu bởi các nền tảng xuyên biên giới
Đó là ý kiến của Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm tại hội thảo 'Asean chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số' diễn ra sáng nay tại Đà Nẵng.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu
Hội thảo “Asean chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số” đã diễn ra sáng nay, 21/9, tại Đà Nẵng, với sự tham dự của các cơ quan truyền thông 8 nước Asean, Hàn Quốc và các đối tác Asean. Hội thảo là một trong chuỗi các hoạt động trong khuôn khổ hội nghị Bộ trưởng Thông tin ASEAN lần thứ 16 (16th AMRI) do Việt Nam đăng cai, tổ chức tại Đà Nẵng.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm cho biết: Báo chí và phát thanh, truyền hình là lĩnh vực đang phải chịu tác động nặng nề trước sự bùng nổ của công nghệ số, bởi các hoạt động truyền thông truyền thống đang dần bị mất đi thị phần và doanh thu vào tay các nền tảng xuyên biên giới. Do đó, chuyển đổi số trở thành một xu hướng tất yếu.
Thứ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Thanh Lâm phát biểu tại hội nghị
Trong bối cảnh đó, việc các nước ASEAN cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm và hiểu biết về chiến lược, cách làm hay, trong việc thúc đẩy và định hướng các cơ quan báo chí truyền thông trong nước chuyển đổi số một cách bền vững, là rất cần thiết.
Cũng theo Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm, chuyển đổi số của truyền thông là xu hướng tất yếu, nhằm nâng cao năng lực truyền thông của báo chí trong việc thu hút thị phần người xem từ các nền tảng mạng xã hội, bảo vệ các giá trị truyền thống, cùng với hiện đại hóa báo chí và truyền thông.
Chuyển đổi số trong truyền thông thực chất là việc ứng dụng công nghệ ngày càng hiện đại vào hoạt động báo chí, làm phong phú thêm hệ sinh thái truyền thông số với những tính năng mới, ưu việt, giúp nâng cao chất lượng và hiệu quả truyền thông tới người dùng thông tin.
“Với mục đích đó, theo sáng kiến của Việt Nam, lần đầu tiên các nước thành viên ASEAN cùng nhau chia sẻ, thảo luận về chủ đề chuyển đổi số trong truyền thông. Hội thảo nhằm tạo ra một nền tảng trao đổi mở, để chia sẻ tình hình, tiến trình hoạch định chính sách và các phương pháp tốt nhất để chuyển đổi kỹ thuật số trong truyền thông. Đây sẽ là nền tảng cho việc tiếp tục thảo luận, đề xuất các sáng kiến, ưu tiên hợp tác trong thời gian tới”- Thứ trưởng Nguyễn Thanh Lâm nhấn mạnh.
Những bài học kinh nghiệm của ASEAN
Tại hội thảo, đại diện cơ quan truyền thông Brunei đã chia sẻ những bài học kinh nghiệm của Brunei trong chiến lược chuyển đổi số tại quốc gia này: Brunei bắt đầu chiến lược chuyển đổi số bằng quy hoạch tổng thể trong quản lý thông tin, hoạch định chính sách và hoàn thành 3 trụ cột chính gồm: quyền số, kinh tế số và xã hội số.
Hội thảo “Asean chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số”
Sự chuẩn bị của xã hội và hệ sinh thái hoàn thiện, sẵn sàng cho truyền thông là nội dung mà Brunei đã làm được. Bên cạnh đó, Brunei tập trung vào các vấn đề về sở hữu trí tuệ, bảo hộ quyền sử dụng các sản phẩm, đồng thời, thúc đẩy hợp tác công tư giữa chính quyền với chính quyền, giữa chính quyền với các cơ quan hữu quan khác nhau. Việc hợp tác, quan hệ công chúng để thúc đẩy chuyển đổi số tại các cơ quan báo chí, truyền thông của Brunei”- đại diện cơ quan truyền thông Brunei chia sẻ.
Còn đại diện Bộ Thông tin Campuchia cho rằng, chuyển đổi số không chỉ là ứng dụng công nghệ mà còn là thay đổi nhận thức, thay đổi tư duy… làm sao để cuộc sống được tốt hơn, tiện nghi hơn.
Chia sẻ bài học tại quốc gia mình, đại diện Bộ Thông tin Campuchia cho biết, ở Campuchia, cơ quan quản lý được chia ra nhiều ngành, nhiều cấp và giám sát các hoạt động từ xa.
Đại diện cơ quan truyền thông Brunei chia sẻ bài học kinh nghiệm tại hội thảo
“Định hướng phát triển các nền tảng số và cung cấp để phát triển các kênh truyền thông từ truyền thống sang số hóa trên toàn quốc đã được Campuchia quan tâm, đầu tư. Trong thời gian tới, Campuchia sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi số trên định hướng hợp tác công tư, trong đó có các kênh truyền hình và nền tảng số của toàn quốc gia, phát triển mạng 5G cho nền tảng số… được Chính phủ đầu tư, cung cấp”- đại diện Bộ Thông tin Campuchia chia sẻ.
Đại diện Bộ Thông tin Indonesia cho biết cách làm khác của Indonesia, đó là tập trung xây dựng chính sách và hành lang pháp lý để thúc đẩy chuyển đổi số ngành báo chí truyền thông.
“Chúng tôi có hệ thống luật pháp về truyền thông số, luật về báo chí và báo chí số… và các căn cứ điều chỉnh các nội dung về quản lý tài khoản số của cơ quan báo chí… từ đó đưa ra các chính sách hỗ trợ và phát triển hệ thống báo chí có chất lượng cao, cũng như bảo vệ, đảm bảo các vấn đề về bản quyền, sở hữu trí tuệ, nhằm tạo nên sự phát triển mạnh mẽ cho cơ quan báo chí truyền thông” -
Để phát triển hệ thống báo chí truyền thông, Indonesia đã xây dựng và hoàn thiện các bộ luật, tiêu chuẩn phát triển các cơ quan truyền thông số, từ đó tạo dựng sự phát triển cân bằng cho các nền tảng truyền thông, báo chí tại quốc gia này.
Đại diện Bộ Thông tin Malaysia chia sẻ bài học kinh nghiệm tại hội thảo
Cũng giống như Indonesia, đại diện Bộ Thông tin Malaysia cho rằng, định hướng chuyển đổi số đã được quốc gia này đưa đến với toàn bộ công chúng, trong đó tất cả các nền tảng truyền thông được phát triển dựa trên các cơ chế chính sách phát triển bền vững, hài hòa giữa các lĩnh vực chung, đảm bảo cộng đồng được hưởng lợi, gắn chuyển đổi số với kinh tế số.
“Chiến lược chuyển đổi số và kế hoạch số hóa được chúng tôi đưa ra với mục tiêu rõ ràng, nhằm đạt được những kết quả đặt ra, đảm bảo các kênh phát thanh truyền hình được đưa lên trên các nền tảng số. Những sáng kiến mà chúng tôi đã áp dụng có thể chia sẻ ở đây là các chương trình cung cấp kiến thức về chuyển đổi số, kinh tế số, nền tảng số… nhằm thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững”- đại diện Bộ Thông tin Malaysia chia sẻ.
Hội thảo “Asean chuyển đổi số báo chí kiến tạo tri thức số” diễn ra gồm 2 phiên chính và 1 phiên thảo luận mở về các biện pháp để các nước ASEAN chung tay thúc đẩy ngành công nghiệp nghe - nhìn trong thời đại số.
Trong phiên thứ nhất, các đại biểu tập trung vào nội dung chính sách quản lý và thúc đẩy chuyển đổi số báo chí và truyền thông với các bài trình bày chia sẻ từ cơ quan quản lý của các nước ASEAN; chính sách, giải pháp của Nhà nước trong việc hỗ trợ, thúc đẩy chuyển đổi số báo chí, truyền thông của mỗi nước; Phát triển và thúc đẩy nền tảng số cho báo chí, truyền thông; quan điểm và chia sẻ câu chuyện về bảo vệ bản quyền báo chí trên nền tảng số…
Phiên thứ hai giới thiệu cách làm hay, mô hình thành công của chuyển đổi số báo chí, truyền thông - kinh nghiệm từ các cơ quan báo chí Việt Nam và các nước ASEAN về cách làm hay, kinh nghiệm chuyển đổi số từ các cơ quan báo chí truyền thông khu vực ASEAN; trang bị kỹ năng số nâng cao trình độ cho biên tập viên, phóng viên báo chí, truyền thông; ứng dụng công nghệ hiện đại, nền tảng số hiệu quả để hỗ trợ sản xuất và quản trị nội dung; chia sẻ về thu thập dữ liệu và doanh thu từ dữ liệu; chiến lược phát triển và bảo vệ nội dung trong chuyển đổi số…