Truyền thông, tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình
Nói không với BLGĐ, xây dựng gia đình hạnh phúc là nhiệm vụ xuyên suốt của các CLB GĐPTBV. Ảnh: THIÊN LÝ
Những năm gần đây, các câu lạc bộ (CLB) Gia đình và nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (PCBLGĐ) đã thực hiện có hiệu quả việc phòng ngừa không để xảy ra BLGĐ. Từ đó giúp nhiều gia đình giữ gìn nếp nhà đầm ấm, hạnh phúc, sống hòa thuận, góp phần xây dựng tình làng nghĩa xóm ngày càng gắn kết, an ninh trật tự được bảo đảm.
Có dịp tham gia sinh hoạt cùng CLB Gia đình phát triển bền vững (GĐPTBV) khu phố Phú Thọ 1 và Phú Thọ 3 (phường Hòa Hiệp Trung, TX Đông Hòa), chúng tôi cảm nhận rõ niềm vui của các thành viên. Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ nhiệm CLB cho biết, thời gian gần đây, nhờ công tác tuyên truyền, tư vấn PCBLGĐ được đẩy mạnh, nên khu phố Phú Thọ 1 và Phú Thọ 3 không xảy ra vụ BLGĐ nào.
Mỗi người là một cán bộ truyền thông
Theo chị Nguyễn Thị Mai, CLB GĐPTBV khu phố Phú Thọ 1 và Phú Thọ 3 được thành lập vào năm 2003, có 45 thành viên. Ngoài chị em phụ nữ, CLB còn có sự tham gia của các nam giới. Hầu hết các buổi sinh hoạt của CLB đều tập trung vào việc xây dựng các mối quan hệ tôn trọng và bình đẳng với phụ nữ như: thay đổi chuẩn mực giới, giao tiếp khi nóng giận, cam kết thay đổi bản thân, phòng ngừa bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái...
Chị Mai chia sẻ: “Trong các buổi sinh hoạt, tôi và các thành viên trong ban chủ nhiệm thường nắm bắt nhu cầu của thành viên CLB mong muốn điều gì, cần được nghe, được trao đổi... để chủ động cung cấp thông tin cần thiết hoặc giúp họ cải thiện những vấn đề mà bản thân hoặc gia đình họ quan tâm. Qua đó, tư vấn giúp các thành viên có nhận thức đúng, điều chỉnh thái độ, hành vi theo chiều hướng tích cực”.
Từ khi tham gia CLB GĐPTBV, chị Nguyễn Thị Hải ở khu phố Phú Thọ 3 đã biết thêm nhiều điều bổ ích về PCBLGĐ hay làm cách nào để xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. “Mâu thuẫn vợ chồng là điều khó tránh khỏi. Vì vậy, tôi thường xuyên nhắc nhở con trai, con gái phải biết kỹ năng giải quyết mâu thuẫn, không để xảy ra xung đột dẫn tới BLGĐ như: khi to tiếng hãy đặt mình vào vị trí của người kia để bớt những lời khó nghe; không khăng khăng cho rằng mình đúng hoàn toàn, người kia sai hoàn toàn, lỗi là do người kia, mình không có lỗi; không tiếp tục tranh cãi khi thấy có biểu hiện sắp xảy ra xung đột...”, chị Hải chia sẻ.
Anh Alê Y Mic, Chủ nhiệm CLB GĐPTBV buôn Đức Mùi (xã Ea Trol, huyện Sông Hinh), nói: “Buôn Đức Mùi có 228 hộ gia đình đều là người dân tộc Ê Đê. Do trình độ dân trí còn thấp, cuộc sống còn nhiều khó khăn nên BLGĐ vẫn thường xảy ra. Từ cuối năm 2018, CLB GĐPTBV thôn được thành lập và đi vào hoạt động. Từ đó đến nay, với phương châm “mưa dầm thấm lâu”, kết hợp tuyên truyền, vận động người trong gia đình, dòng họ, người có uy tín trong cộng đồng dân cư, CLB đã góp phần tạo chuyển biến rõ rệt cả về nhận thức và hành động của người dân nơi đây về bình đẳng giới, xây dựng gia đình hòa thuận, ấm no, hạnh phúc”.
Xây dựng mái ấm không bạo lực
Sở VH-TT-DL vừa tổ chức hội nghị chuyên đề về kỹ năng tổ chức truyền thông, tư vấn về PCBLGĐ trong sinh hoạt CLB GĐPTBV và nhóm PCBLGĐ cho hơn 200 chủ nhiệm CLB GĐPTBV và nhóm PCBLGĐ của 9 huyện, thị xã, thành phố. Hội nghị nhằm giúp các chủ nhiệm CLB hiểu biết thêm các quy định pháp luật về hôn nhân, gia đình, PCBLGĐ; phương pháp truyền thông, tư vấn người dân thực hiện các giải pháp PCBLGĐ. Qua đó góp phần nâng cao vai trò của các CLB GĐPTBV và nhóm PCBLGĐ trong PCBLGĐ.
Ông Nguyễn Đức Thành, nguyên Phó Trưởng Phòng Xây dựng nếp sống văn hóa và Gia đình (Sở VH-TT-DL), cho rằng: Hiệu quả của một buổi sinh hoạt CLB phụ thuộc nhiều vào cán bộ truyền thông, tư vấn. Cán bộ truyền thông, tư vấn có thể là chủ nhiệm, thành viên trong ban chủ nhiệm CLB hoặc cán bộ đoàn thể, báo cáo viên, công chức văn hóa - xã hội ở địa phương. Việc nâng cao kỹ năng truyền thông, tư vấn giúp cho truyền thông, tư vấn viên có đủ khả năng tiếp cận với thành viên CLB, giúp các thành viên của từng gia đình từ biết đến hiểu rồi ngăn ngừa không để xảy ra hành vi BLGĐ.
Bà Nguyễn Thị Hồng Thái, Phó Giám đốc Sở VH-TT-DL, cho biết hàng năm, Sở VH-TT-DL thường xuyên tổ chức các lớp tập huấn triển khai văn bản pháp luật liên quan đến phong trào và công tác gia đình cho các thôn, buôn, khu phố; tuyên truyền trực tiếp tại cộng đồng các thôn, khu phố về công tác xây dựng nếp sống văn hóa và gia đình tại các huyện, thị xã, thành phố; hội nghị chuyên đề về xây dựng và giữ gìn hạnh phúc gia đình gắn với việc xây dựng gia đình văn hóa...
Sở cũng đã tham mưu UBND tỉnh triển khai ban hành các kế hoạch, hướng dẫn tổ chức các hoạt động nhân Ngày Quốc tế hạnh phúc (20/3); Ngày Gia đình Việt Nam (28/6); Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ (25/11); phát huy và nhân rộng các mô hình PCBLGĐ...
Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 276 CLB GĐPTBV và 35 nhóm PCBLGĐ. Sự ra đời của các CLB GĐPTBV và nhóm PCBLGĐ không chỉ góp phần nâng cao tính hiệu quả, chất lượng phong trào xây dựng gia đình văn hóa mà còn góp phần quan trọng vào thành công chung của phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở hiện nay.