Truyền thống và hiện đại - Sân khấu hóa và bảo tồn bản sắc văn hóa trong du lịch
TS. TRẦN CẨM THI (Phó Trưởng Khoa Du lịch, Trường Đại học Văn Lang) và TS. VÕ SÁNG XUÂN LAN (Nguyên Giám đốc Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Đại học Hoa Sen, Giảng viên Trường Đại học Công nghệ Sài Gòn)
TÓM TẮT:
Sự thay đổi trong nhu cầu du lịch đang ngày một trở nên rõ ràng. Khách du lịch ngày nay không chỉ đơn thuần là đi du lịch và ngắm cảnh, mà họ mong muốn tìm hiểu thêm về văn hóa truyền thống của địa phương thông qua các sự kiện được giới thiệu và được nhìn thấy. Nắm bắt xu hướng này, các địa phương đã phát huy những lợi thế so sánh về tài nguyên di sản văn hóa phi vật thể để tạo ra các trải nghiệm khác biệt.
Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm sao để khai thác những di sản này một cách bền vững, làm sao để hài hòa giữa phát triển và bảo tồn, giữa mới và cũ, giữa truyền thống và hiện đại. Thông qua kết quả khảo sát từ những chia sẻ của các chuyên gia trong lĩnh vực khai thác giá trị di sản văn hóa phi vật thể cho hoạt động du lịch sẽ đưa ra lời giải đáp cho bài toán trên.
Từ khóa: Di sản văn hóa phi vật thể, phát triển du lịch bền vững, bảo tồn, bản sắc văn hóa, truyền thống và hiện đại.
1. Di
sản văn hóa
phi vật thể (DSVHPVT) là gì?
Trong những thập niên cuối thế kỷ XX, thuật ngữ “di sản” được đặc trưng bởi sự bùng nổ về khía cạnh giao tiếp lẫn khía cạnh chuyển giao ngữ nghĩa. Đã có rất nhiều tổ chức và tác giả cố gắng đưa ra định nghĩa di sản như: Hiến chương Athene của tổ chức ICOMOS[1] (1931), Công ước Châu Âu về văn hóa (1954), Hiến chương Venice của ICOMOS (1965),… Cho đến năm (1972), UNESCO cho ra đời Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới. Công ước năm 1972 của UNESCO định nghĩa rõ các loại di sản văn hóa (vật thể) và thiên nhiên, cũng như những tiêu chí để được công nhận di sản thế giới. Tiếp theo đó, có rất nhiều tổ chức cũng đã phát triển định nghĩa về di sản, tuy nhiên trong giai đoạn này, các tổ chức chỉ đề cập đến khái niệm của di sản văn hóa vật thể. “Từng bước từng bước, người ta bắt đầu nói về di sản - cái mà không chỉ có đặc tính hữu hình mà còn là vô hình” (VECCO, 2010). Với những nỗ lực không ngừng của UNESCO, năm 2003 là năm được đánh dấu với sự xuất hiện của Công ước quốc tế về bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
DSVHPVT được định nghĩa trong Công ước quốc tế (2003) như sau: Di sản văn hóa phi vật thể được hiểu là các tập quán, các hình thức thể hiện, biểu đạt, tri thức, kỹ năng - cũng như những công cụ, đồ vật, đồ tạo tác và các không gian văn hóa có liên quan - mà các cộng đồng, các nhóm người và trong một số trường hợp là các cá nhân, công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Di sản này được lưu giữ và chuyển giao từ thế hệ này sang thế hệ khác và không ngừng được tái tạo để thích nghi với môi trường bởi cộng đồng.
Luật Di sản văn hóa Việt Nam (ban hành năm 2001) có giải thích định nghĩa về DSVHPVT. Sau một thời gian áp dụng và cùng với sự ra đời của Công ước bảo tồn DSVHPVT của UNESCO năm 2003, thì Luật Di sản văn hóa Việt Nam đã có những sửa đổi vào năm 2009. Sau đó, Quốc hội nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ban hành Văn bản hợp nhất Luật Di sản văn hóa vào năm (2013), trong đó nêu rõ: “Di sản văn hóa phi vật thể là sản phẩm tinh thần gắn với cộng đồng hoặc cá nhân, vật thể và không gian văn hóa liên quan, có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học, thể hiện bản sắc của cộng đồng, không ngừng được tái tạo và được lưu truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác bằng truyền miệng, truyền nghề, trình diễn và các hình thức khác”.
Phân loại theo Công ước bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003) “Di sản văn hóa phi vật thể”, được thể hiện ở những hình thức sau:
Các truyền thống và biểu đạt truyền khẩu, bao gồm ngôn ngữ là phương tiện của di sản văn hóa phi vật thể;
Nghệ thuật trình diễn;
Tập quán xã hội, tín ngưỡng và lễ hội;
Tri thức và tập quán liên quan đến tự nhiên và vũ trụ;
Nghề thủ công truyền thống.
Các yếu tố DSVHVPT được UNESCO công nhận tính đến thời điểm hiện nay là 470, phân bổ trong 117 quốc gia, được xếp vào 3 loại danh mục khác nhau đó là: (1) Danh sách các di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (399 yếu tố); (2) Danh sách các DSVHPVT cần được bảo vệ khẩn cấp (52 yếu tố); (3) Các chương trình, dự án và hoạt động nhằm bảo vệ DSVHPVT (19 yếu tố).
Theo điều 4 của Thông tư 04 năm 2010 của Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch quy định các đối tượng DSVHPVT (Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, 2010) gồm 7 loại và cũng khá tương đồng với phân loại của UNESCO, đó là:
Tiếng nói, chữ viết của các dân tộc Việt Nam;
Ngữ văn dân gian, bao gồm sử thi, ca dao, dân ca, tục ngữ, hò, vè, câu đố, truyện cổ tích, truyện trạng, truyện cười, truyện ngụ ngôn, hát ru và các biểu đạt khác được chuyển tải bằng lời nói hoặc ghi chép bằng chữ viết;
Nghệ thuật trình diễn dân gian, bao gồm âm nhạc, múa, hát, sân khấu và các hình thức trình diễn dân gian khác;
Tập quán xã hội, bao gồm luật tục, hương ước, chuẩn mực đạo đức, nghi lễ và các phong tục khác;
Lễ hội truyền thống;
Nghề thủ công truyền thống;
Tri thức dân gian, bao gồm tri thức về thiên nhiên, đời sống con người, lao động sản xuất, y, dược học cổ truyền, ẩm thực, trang phục và các tri thức dân gian khác.
Như vậy, hiện nay ở Việt Nam tồn tại hai dạng xếp hạng di sản văn hóa phi vật thể theo cấp quốc gia và cấp quốc tế. Số lượng DSVHPVT của Việt Nam được UNESCO công nhận tính đến nay là 12 DSVHPVT, bao gồm: Nhã nhạc Cung đình Huế, Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên, Dân ca Quan họ, Lễ hội Gióng, Ca Trù, Hát Xoan, Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Tín ngưỡng thờ Mẫu Việt Nam, Dân ca Ví giặm Nghệ Tĩnh, Nghi lễ kéo co, Đờn ca Tài tử Nam Bộ, Bài chòi Trung Bộ[2]. Theo thống kê của Cục Di sản Văn hóa thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch, tính đến tháng 2/2018, có 248 di sản văn hóa phi vật thể trên cả nước đã được đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia[3].
2. Di
sản văn hóa phi vật thể - Nguồn tài nguyên hấp dẫn khách du lịch
Du lịch văn hóa (DLVH) được xem như là một trong những hiện tượng quan trọng và đa dạng nhất của du lịch thời hiện đại, bởi vì DLVH phải luôn đổi mới liên tục và tạo ra các sản phẩm để đáp ứng như cầu về trải nghiệm mới của khách du lịch (UNWTO, 2012). Theo nghiên cứu của MCKERCHER và DU CROS (2002) đã chỉ ra có 4 loại chủ đề rộng để xác định và giải thích du lịch văn hóa: du lịch có nguồn gốc, động cơ, trải nghiệm và hoạt động.
Hình 1: Các cách tiếp cận định nghĩa du lịch văn hóa
(MCKERCHER và DU CROS, 2002)
Một đầu của trục tung biểu hiện tính chất và ý nghĩa của trải nghiệm du lịch văn hóa. Định nghĩa hoạt động ở đầu đối diện của trục tung xác định khách du lịch văn hóa và đo lường phạm vi của hoạt động du lịch văn hóa. Trục hoành liên quan đến cung và cầu: du lịch văn hóa có nguồn gốc từ việc sử dụng tài nguyên văn hóa (xác định phần cung du lịch), trong khi định nghĩa thuộc động cơ biểu thị nhu cầu của khách du lịch văn hóa và động cơ đi du lịch của họ.
Khi du lịch ngày càng hướng theo nền kinh tế trải nghiệm, trải nghiệm khách du lịch đang trở thành tâm điểm của hoạt động kinh doanh du lịch sáng tạo. Chính vì vậy, định nghĩa mang tính trải nghiệm của du lịch văn hóa xuất hiện hữu ích nhất khi nghiên cứu mối quan hệ giữa du lịch và DSVHPVT. Theo định nghĩa, khách du lịch đặc biệt tìm kiếm những trải nghiệm văn hóa và mong muốn này chính là trung tâm của việc lựa chọn sản phẩm du lịch.
Như vậy, DSVHPVT chính là nguồn tài nguyên vô giá cho việc xây dựng những sản phẩm du lịch trải nghiệm nhằm đáp ứng nhu cầu trải nghiệm văn hóa của khách du lịch. Với một số lượng lớn các di sản văn hóa phi vật thể được xếp hạng cấp quốc gia và cấp quốc tế, đây là lợi thế so sánh và cạnh tranh rất lớn của du lịch Việt Nam. Du lịch văn hóa sẽ là chất xúc tác mạnh mẽ cho việc tái tạo và bảo tồn DSVHPVT, mặc dù nó cũng có thể gây ra nguy hiểm cho những giá trị văn hóa mà cộng đồng địa phương muốn bảo vệ (UNWTO, 2012). Các bên liên quan trong quá trình phát triển cần ngồi lại với nhau để xác định giới hạn của những sự thay đổi có thể chấp nhận được, để vừa có thể bảo tồn các giá trị văn hóa, vừa có thể đáp ứng mong muốn trải nghiệm của khách du lịch. Bên cạnh đó, Công ước Bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2003) ghi nhận rằng “Tầm quan trọng của DSVHPVT như là động lực chính của đa dạng văn hóa và là một đảm bảo cho sự phát triển bền vững”. Tiếp đó, tài liệu của UNESCO (2015) về Di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững chứng minh rõ việc bảo vệ DSVHPVT đóng góp vào sự phát triển bền vững trên nhiều phương diện như: phát triển xã hội toàn diện, phát triển bền vững về môi trường, phát triển kinh tế toàn diện và đóng góp vào hòa bình và an ninh.
Như vậy, việc vận dụng DSVHPVT trong phát triển du lịch cần đảm bảo được 3 yếu tố: truyền tải đúng giá trị của di sản đến khách du lịch; đảm bảo công tác bảo tồn DS và đảm bảo đáp ứng các tiêu chí của phát triển bền vững du lịch về mặt kinh tế, văn hóa, xã hội. Điều này đặt lên vai những người làm du lịch một vai trò quan trọng làm sao để vừa tạo được những trải nghiệm đúng với mong muốn của khách du lịch trong bối cảnh hiện đại, vừa bảo tồn đúng bản chất những giá trị văn hóa truyền thống của cộng đồng mà vẫn mang lại lợi ích về mọi mặt cho các bên liên quan.
3. Phương
pháp nghiên cứu
Do hạn chế về thời gian và tính chất của du lịch văn hóa - là thị trường ngách, đặc biệt với đối tượng nghiên cứu là di sản văn hóa phi vật thể, nên phương pháp nghiên cứu được lựa chọn là phương pháp định tính. Tác giả chọn khảo sát qua phỏng vấn sâu theo các bước sau:
Thiết kế các câu hỏi phỏng vấn dựa trên cơ sở lý luận về di sản, di sản văn hóa phi vật thể, phát triển du lịch (mise en tourisme) dựa trên các di sản, phát triển du lịch bền vững.
Chọn đối tượng khảo sát (ở khu vực Thành phố Hồ Chí Minh vì chỉ phỏng vấn chuyên sâu): du khách có quan tâm hoặc đã tham gia du lịch văn hóa; chuyên gia nghiên cứu về du lịch và sản phẩm du lịch đặc thù; hướng dẫn viên du lịch có kinh nghiệm với thị trường khách inbound và outbound.
Trao đổi với các đối tượng khảo sát được chọn; ghi chép và chọn lọc lại các câu trả lời đạt yêu cầu, rõ ràng và phù hợp với nội dung nghiên cứu.
Khi phân tích những thông tin ghi chép được trong quá trình phỏng vấn, sau khi sắp xếp và chọn lọc, kết quả cho thấy có khá nhiều điểm tương đồng với cơ sở lý luận và những nghiên cứu trước đây của nhóm tác giả cũng như nhiều tác giả khác đã nêu.
4. Phân
tích kết quả khảo sát
Do đặc thù của du lịch văn hóa và nhất là di sản văn hóa nên du khách nếu có quan tâm đến văn hóa hay tham gia hoạt động du lịch văn hóa cũng không thể hiểu được thế nào là di sản văn hóa, và nhất là di sản văn hóa phi vật thể (ba du khách). Cũng gần như các du khách – những trọng tài quốc tế, dù đã từng đi công tác tại nhiều quốc gia và địa phương, kết hợp với du lịch văn hóa (một dạng của du lịch MICE trong trường hợp này), cũng khó có thể đưa ra khái niệm chính xác về DSVHPVT. Điều này cho thấy, không phải cá nhân du khách nào cũng có thể hiểu rõ về di sản văn hóa để quan tâm đúng mực và có những hành động cụ thể cho việc bảo tồn, so sánh giữa cái cũ và cái mới. Do đó, khi phỏng vấn, tác giả phải giải thích rõ hơn về di sản văn hóa và DSVHPVT, đặt lại các câu hỏi và trả lời lại những câu hỏi của người được phỏng vấn. Từ đó cho thấy cần chú trọng hơn đến điều này khi đưa ra giải pháp cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa.
Dù không hiểu rõ hoặc chưa bao giờ quan tâm đến loại hình DSVHPVT, nhưng tất cả người được phỏng vấn đều trả lời rằng họ quan tâm và muốn tìm hiểu về các hoạt động văn hóa tại địa phương - nơi điểm đến của họ. Về cách xếp loại các di sản, chỉ những người đi nhiều và đọc tài liệu liên quan mới có thể biết được phần nào những DSVHPVT được công nhận như Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên; ca trù; quan họ; đờn ca tài tử Nam Bộ. Nói chung, du khách không thể phân biệt được loại hình nào là di sản cấp quốc gia hay quốc tế (được UNESCO công nhận).
Trong khi đi du lịch, các công ty, các địa phương tổ chức khá nhiều hoạt động cho du khách: tham quan, trải nghiệm, thưởng thức… Tùy theo loại hình hoạt động mà du khách có được nhiều hay ít thời gian, mật độ thường xuyên hay không. Tuy nhiên, cũng do đặc thù của du lịch Việt Nam chưa chú trọng nhiều vào loại hình du lịch theo chuyên đề nên du lịch văn hóa cũng được xem như du lịch tham quan thông thường. Vì vậy, theo lời của tất cả những người được phỏng vấn, du khách chỉ được giới thiệu một số loại hình di sản văn hóa với tính cách “trình diễn”, “cưỡi ngựa xem hoa”, “sơ sài”, “không được giải thích cặn kẽ nên không hiểu gì”. Đặc biệt đối với một số loại văn hóa dân gian như: đờn ca tài tử Nam bộ; ca hò Huế; ca bài chòi ở Hội An; ca trù, quan họ Bắc Ninh; lễ hội Katê của người Chăm ở Ninh Thuận; lễ hội Nghinh Ông ở các vùng duyên hải như Bình Thuận, Cần Giờ.
Những loại hình này đã mang lại sự thích thú cho du khách, giới thiệu được một phần về văn hóa địa phương. Các nghệ nhân, nhạc công biểu diễn ở các loại hình này đều trang phục như những người dân ở khu vực đó. Tuy nhiên, các đối tượng khảo sát đều có những nhận xét tương tự nhau như sau:
Có sự khác biệt giữa áo bà ba của Mỹ Tho và Bến Tre (có thêm khăn rằn vì là quê hương Đồng Khởi). Điều này có lẽ chỉ có ai hiểu rõ về miền Tây mới có thể phân biệt được, chứ du khách nước ngoài có thể không biết (nữ trọng tài quốc tế). Dù vậy, vẫn có những chi tiết của chiếc áo bà ba không giống với ngày xưa của miền Tây Nam bộ.
Trang phục của ca sĩ trên thuyền dọc sông Hương khá hiện đại, áo dài với mấn theo kiểu trang phục trình diễn thời trang chứ không phải là trang phục ngày thường của người dân Huế, hay của các ca nhân ngày xưa (hai du khách nữ và nam).
Trong đờn ca tài tử và các loại hình ca nhạc dân gian khác ở cả ba miền có xen lẫn nhạc cụ hiện đại (như guitar điện), làm giảm đi tính dân tộc và không truyền tải được hết bản sắc văn hóa, khác với những gì du khách tưởng tượng về âm nhạc dân gian (du khách, trọng tài quốc tế, giảng viên-nhà nghiên cứu, hướng dẫn viên). Một nghiên cứu trước đây của tác giả cũng có nêu vấn đề về chuyển tải bản sắc văn hóa, sự vận dụng yếu tố hiện đại trong âm nhạc truyền thống và ảnh hưởng của chúng trong bảo tồn văn hóa và di sản văn hóa (VO SANG, 2017).
Chỉ có nữ trọng tài quốc tế nhắc đến loại hình DSVHPVT như: lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Katê và lễ hội Óc Om Bóc của người Khmer ở miền Tây. Lý do là các lễ hội này đều có đi kèm các sự kiện thể thao vào ngày hôm trước nên với nghề nghiệp của mình, người này có điều kiện để tham gia. Riêng các hoạt động lễ hội này ít có yếu tố biểu diễn vì chỉ diễn ra theo thời điểm nhất định, có quy mô lớn nên không thể tổ chức để biểu diễn giới thiệu cho du khách. Do đó, các lễ hội vẫn còn mang bản sắc văn hóa của địa phương, ít bị ảnh hưởng của các yếu tố hiện đại. Tuy nhiên, nếu phần lễ bị phần hội lấn át thì cũng sẽ có nguy cơ không còn như truyền thống.
Phần lớn những người được khảo sát quan tâm và nhớ nhiều đến âm nhạc hơn là các loại hình khác trong các DSVHPVT. Có lẽ nhờ âm thanh, trang phục và cách trình diễn như một màn văn nghệ nên dễ thu hút sự chú ý của du khách hơn. Hơn nữa trong khi nghe nhạc, du khách còn được thưởng thức đặc sản địa phương như trái cây (tour sông nước miền Tây qua các cồn), được tham gia thả đèn lồng ước nguyện (đi thuyền trên sông Hương). Riêng với loại hình Ca Bài Chòi, những người được phỏng vấn cho rằng rất khó hiểu, khó nghe vì âm điệu, giọng địa phương, chưa kể đến phương ngữ. Do đó, họ không quan tâm lắm và chỉ biết loại hình này thể hiện được bản sắc qua ngôn ngữ mà thôi. Việc trình diễn hàng đêm tại Phố cổ Hội An cũng là một cách hiện đại hóa, mang Bài chòi đến gần với du khách hơn nhưng chưa truyền tải được hết ý nghĩa về giới thiệu văn hóa địa phương cho du khách. Những giải pháp để cải tiến sẽ được nêu ra trong phần Kết luận để giúp cho ngành Du lịch của địa phương đạt được mục tiêu phát triển bền vững và bảo tồn văn hóa trong khi truyền tải đến du khách.
Việc tham quan các làng nghề cũng là một trong những hoạt động văn hóa của du lịch nói chung, không riêng gì của du lịch văn hóa. Có lẽ vì vậy nên khi tham quan, các công đoạn sản xuất chỉ được giới thiệu qua loa, cũng giống màn trình diễn văn nghệ (cơ sở sản xuất kẹo dừa, làm bánh tráng ở Bến Tre, dệt chiếu hay vải Chăm…). Chuyên gia nghiên cứu cho rằng, việc diễn lại không toát lên được cái hồn của nghề truyền thống, trông giống với một cơ sở sản xuất hàng tiêu dùng bình thường hơn. Và trong thực tế, khi đi thực địa, tác giả cũng nhận thấy, du khách chỉ được đưa đến những nơi biểu diễn nghề để tham quan, chứ không được thâm nhập vào đời sống thực tế của người dân địa phương. Do đó, họ vẫn không thể hiểu hết được văn hóa của đời sống thường nhật, cũng như việc truyền thụ từ thế hệ trước cho thế hệ sau như một sự tiếp nối từ truyền thống đến hiện đại.
Với cách giới thiệu cho du khách và thể hiện các loại hình DSVHPVT như vậy, nên du khách, chuyên gia… được phỏng vấn (về việc truyền tải bản sắc văn hóa thông qua những nét xưa cũ của di sản xen lẫn với những cái mới, cái hiện đại, hoặc được dàn dựng hoàn toàn dành riêng cho du khách) đã nêu nhận xét rằng mục tiêu của du lịch văn hóa là chưa đạt, cần phải bổ sung và cải tiến hơn nữa. Đặc biệt có 4 trên tổng số 6 đối tượng khảo sát cho rằng những DSVHPVT được giới thiệu hoặc tham quan chưa làm toát lên cái hồn của văn hóa địa phương - có lẽ vì những chiếc áo bà ba cách điệu, các nhạc cụ hiện đại bằng điện, và cả nội dung bài hát cũng chưa sát với làn điệu và khung cảnh xung quanh.
5. Giải
pháp
Từ những nhận xét và cảm nghĩ của mình, các đối tượng được khảo sát đã nêu ra các giải pháp cho việc bảo tồn bản sắc văn hóa của các DSVHPVT và giúp cho du khách, thông qua du lịch, có thể hiểu hơn về những DSVHPVT này.
Xác định rõ vai trò của du lịch là giới thiệu cho du khách những nét văn hóa thuộc về quá khứ và hiện tại trong điều kiện cuộc sống hiện đại, nhưng không được làm mất đi bản sắc của chúng.
Du lịch văn hóa là loại hình du lịch đòi hỏi du khách cũng như tất cả những ai tham gia vào quá trình này phải thật sự quan tâm, tìm hiểu và vận dụng các DSVHPVT một cách đúng đắn. Không nên đặt nặng vấn đề giới thiệu trình diễn, mà phải để du khách thật sự trải nghiệm, tham gia vào một quy trình sản xuất thủ công mỹ nghệ truyền thống hay những sinh hoạt văn hóa từ thực tiễn cuộc sống, hạn chế đến mức tối đa các yếu tố hiện đại.
Nếu bắt buộc phải chèn các yếu tố hiện đại thì nên có giải thích rõ ràng cho du khách hiểu, minh họa bằng hình ảnh để mọi người có thể hình dung được nét xưa cũ là như thế nào.
Đối với những DSVHPVT mang nhiều tính đặc thù của địa phương (phương ngữ, giọng nói, âm điệu) cần có sự giải thích cặn kẽ trước khi giới thiệu với du khách, thí dụ: Ca Bài chòi, ca Huế, Nhã nhạc Cung đình Huế, ca trù...
Dù trong quá trình du lịch cần có những hoạt động khác nhau để thu hút du khách, nhưng không nên vận dụng cách biểu diễn, sân khấu hóa các DSVHPVT. Người dân địa phương sinh hoạt như thế nào, du khách sẽ được xem và trải nghiệm như thế đó, không cần thiết phải có cảnh diễn riêng cho du khách. Điều này đòi hỏi sự tham gia thật sự và tích cực của cộng đồng địa phương để cái cũ không bị xóa đi hay thay thế bởi cái mới.
Cần có chương trình giới thiệu, quảng bá liên tục về các DSVHPVT sau khi được công nhận ở cấp quốc gia và đặc biệt là quốc tế. Thông tin không đầy đủ và thường xuyên sẽ làm cho các DSVHPVT này dễ bị chìm vào quên lãng và mai một đi vì phi vật thể là những gì khó nắm bắt, khó nhìn thấy được.
Chính quyền, những người làm công tác văn hóa cần phổ biến rộng rãi cho người dân hiểu về vai trò của văn hóa trong du lịch, giúp họ hiểu rõ hơn về các DSVHPVT của địa phương và quốc gia mình. Khi hiểu rõ rồi, người dân mới có thể chuyển tải những thông tin này đến du khách, biết tìm cách bảo tồn và truyền đạt lại các giá trị văn hóa của địa phương cho các thế hệ sau.
Nhà nước nên có chính sách hỗ trợ để khuyến khích tổ chức các khóa học hoặc đưa vào giảng dạy ở các cấp học về DSVHPVT, để khuyến khích các nghệ nhân truyền dạy lại cho lớp trẻ những di sản truyền khẩu, những nhạc cụ đang nguy cơ bị mai một…
6. Kết luận
Thông qua nghiên cứu này, nhóm tác giả nhận thấy, DSVHPVT là những di sản có tính chất mong manh, dễ bị quên lãng, bị ảnh hưởng bởi các yếu tố hiện đại và làm lệch đi hiểu biết của du khách về bản sắc văn hóa địa phương. Vì thế cần có những quan tâm đặc biệt đến loại hình này khi đưa vào khai thác trong du lịch. Có những giải pháp ở cấp vĩ mô, đồng thời cũng có những giải pháp thuộc trách nhiệm của những ai làm trong ngành Du lịch, của các công ty lữ hành, các nhà tổ chức tour, các hướng dẫn viên đi cùng với đoàn.
Về tổng thể, toàn cộng đồng có nhiệm vụ cùng góp sức vào việc tạo nên sự cân bằng trong phát triển du lịch theo hướng bền vững, trên cơ sở bảo tồn bản sắc của các DSVHPVT. Ngoài ra, trong khi nghiên cứu về các DSVHPVT, nhóm tác giả còn phát hiện một loại hình chưa được sự chú ý của ngành Du lịch Việt Nam, mặc dù đã có trong chương trình tour của miền Tây, như: Chợ nổi Cái Bè, Chợ nổi Cái Răng. Ở nước ngoài, không gian chợ truyền thống Jemaa-el-Fnaa ở Marrakech, Morocco đã được UNESCO công nhận là DSVHPVT của nhân loại. Đó là chợ và không gian chợ, kèm theo cảnh sinh hoạt nhộn nhịp của cộng đồng địa phương mang đậm bản sắc văn hóa, thể hiện được cách sống của người dân và đáng được giới thiệu cho du khách. Đề tài về chợ như một DSVH nói chung và DSVHPVT nói riêng sẽ là một đề tài thú vị cho các nghiên cứu tiếp theo.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
[1] ICOMOS: International Council en Monuments and Sites
[2] https://ich.unesco.org/en/lists?text=&inscription=&country=00234&type=, tham khảo ngày 19/11/2018
[3] http://baochinhphu.vn/Van-hoa/Ca-nuoc-co-248-Di-san-van-hoa-phi-vat-the-quoc-gia/329712.vgp, tham khảo ngày 19/11/2018.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
AMIROU R., (2000),
Imaginaire du tourisme culturel,
Presses Universitaires de France, Paris.
BORTOLOTTO C., (2011), "Le trouble du patrimoine culturel immatériel", in
Terrain,
Paris, trang 21-43.
Bộ Văn hóa- Thể thao và Du lịch, (2010), Quy định việc kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể và lập hồ sơ khoa học di sản văn hóa phi vật thể để đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
https://thuvienphapluat.vn/van-ban/Van-hoa-Xa-hoi/Thong-tu-04-2010-TT-BVHTTDL-kiem-ke-di-san-van-hoa-phi-vat-the-110064.aspx.
BÙI, T. H. Y., & PHẠM, H. L., (2009),
Tài nguyên du lịch
, Nhà xuất bản Giáo dục,.
ICOMOS, (1931), La charte d’athènes pour la restauration des monuments historiques
http://www.icomos.org/fr/chartes-et-normes/179-articles-en-francais/ressources/charters-and-standards/425-la-charte-dathenes-pour-la-restauration-des-monuments-historiques-1931.
ICOMOS, (1965),
Charte internationale sur la conservation et la restauration des monuments et des sites
(Charte de Venise 1964). http://www.international.icomos.org/charters/venice_f.pdf.
MCKERCHER, B., and DU CROS, H., (2002), C
ultural tourism: The partnership between tourism and cultural heritage management,
New York: Haworth hospitality press.
Quốc hội nước CHXHCN Việt Nam, (2013),
Văn bản hợp nhất luật di sản văn hóa Việt Nam
.
RITCHIE, J., & CROUCH, G., (2003),
The competitive destination: A sustainable tourism perspective
. Cabi.
UNESCO, (1972),
Công ước bảo vệ di sản văn hóa và thiên nhiên thế giới.
UNESCO, (2003),
Công ước bảo tồn di sản văn hóa phi vật thể.
UNESCO, (2015), Di sản văn hóa phi vật thể và phát triển bền vững.
https://ich.unesco.org/doc/src/34299
-VI.pdf.
UNWTO, (2012),
Tourism and intangible cultural heritage,
Madrid, Spain: World Tourism Organization.
VECCO, M., (2010), "A definition of cultural heritage: From the tangible to the intangible", in Journal of Cultural Heritage, 11 (3), trang 321-324.
VO SANG, X.L., (2017), “Les défis de la mise en tourisme et le développement durable. Cas pratiques des patrimoines culturels au Vietnam” in
Itinéraires du droit et terres des hommes, Mélanges en l’honneur de Jean-Marie Breton
, Ed. Marc & Martin.
TRADITION AND MODERNITY – CULTURL HERITAGE STAGING
AND CONSERVATION OF CULTURAL IDENTITY IN TOURISM
Ph.D TRAN CAM THI
Vice Dean, Faculty of Tourism, Van Lang University
Ph.D VO SANG XUAN LAN
Former Dean of Faculty of Tourism of Van Lang University (2005-2016),
Former Director of the Institute of Research for Tourism Development
of Hoa Sen University (2017-2018),
Lecturer of Saigon Technology University - STU from 2018
ABSTRACT:
Tourism demand has been changed and people are more and more interested in learning about local culture and identity at destinations. To respond to these needs, local governments have promoted intangible cultural resources to create experiences in tourism products. However, the issue in tourism development is how to exploit these factors without destroying them and how to harmonize development and conservation, to balance tradition with modernity while transferring the knowledge on cultural heritages to tourists. This paper presents views of experts and solutions to the exploitation of intangible cultural heritage values.
Keywords: Intangible cultural heritage, sustainable tourism development, conservation, cultural identity, tradition and modernity.