Truyền thông về quyền con người phải chặt chẽ, có tính đấu tranh, phản bác thông tin xấu độc của các thế lực thù địch

Công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về quyền con người đang bị đặt trước nhiều thách thức khi thế giới, khu vực có nhiều biến động; đời sống của người dân trong nước dù đã có cải thiện nhưng vẫn còn nhiều khó khăn.

Trong khi đó, lợi dụng tình hình khó khăn, các đối tượng cơ hội chính trị, các thế lực thù địch trong và ngoài nước xuyên tạc tình hình dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo trong nước, phủ nhận các thành tựu và nỗ lực của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Muốn làm tốt công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về quyền con người trong bối cảnh thuận lợi và khó khăn đan xen như vậy thì cần chú trọng vào những khâu nào là câu hỏi chung đặt ra cho 280 đại biểu là cán bộ các sở, ban, ngành thành viên Ban Chỉ đạo công tác nhân quyền, cán bộ phụ trách công tác thông tin đối ngoại của 26 tỉnh, thành phố, tại Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, ngày 7-12, tại tỉnh Hòa Bình, do Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) phối hợp với Ban chỉ đạo về nhân quyền của Chính phủ, UBND tỉnh Hòa Bình tổ chức.

 Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.

Hội nghị tập huấn công tác thông tin đối ngoại về quyền con người.

Trên đây là phát biểu khai mạc hội nghị tập huấn của ông Phạm Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại về tầm quan trọng của công tác thông tin, truyền thông đối ngoại về quyền con người.

Tại hội nghị tập huấn, các báo cáo viên đã đi sâu phân tích tình hình trong nước và quốc tế; chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác thông tin đối ngoại về quyền con người; cập nhật tình hình thế giới, khu vực; thống nhất nhận thức về tầm quan trọng của công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, công tác truyền thông chính sách; cập nhật tình hình và yêu cầu đặt ra đối với công tác thông tin, tuyên truyền về quyền con người trong thời gian tới.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an phát biểu.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an phát biểu.

Nhấn mạnh về thực tế truyền thông về quyền con người hiện nay, Thiếu tướng Nguyễn Văn Kỷ, Phó chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Nhân quyền của Chính phủ, Bộ Công an nhấn mạnh: Vai trò của công tác truyền thông về quyền con người đã góp phần tích cực phản bác được thông tin xấu độc; truyền thông khá toàn diện những thành tựu chúng ta đã đạt được trong bảo đảm về quyền con người. Tuy nhiên, các thế lực thù địch vẫn luôn tìm cách bôi đen tình hình thực tế tại Việt Nam như: Thiếu quyền tự do báo chí, tự do tín ngưỡng tôn giáo, vi phạm dân chủ nhân quyền... vì thế cần có thêm các biện pháp linh hoạt, chủ động trong công tác truyền thông về quyền con người.

Về vấn đề này, PGS, TS Lê Hải Bình, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo công tác thông tin đối ngoại Trung ương đã đi sâu phân tích và nhấn mạnh một số yêu cầu đối với các đại biểu dự tập huấn, như: Đổi mới tư duy, chủ động đẩy mạnh, mở rộng phạm vi, đa dạng hóa hình thức, nội dung thông tin, tuyên truyền nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, nhất là thông tin, tuyên truyền đối ngoại về thành tựu bảo đảm quyền con người của Việt Nam; chủ động, kịp thời đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, thù địch về tình hình nhân quyền ở nước ta.

PGS, TS Lê Hải Bình phát biểu tại hội nghị tập huấn.

PGS, TS Lê Hải Bình phát biểu tại hội nghị tập huấn.

PGS, TS Lê Hải Bình, cũng làm rõ nhiều nội dung trong Kết luận số 57-KL/TW ngày 15-6-2023 của Bộ Chính trị về tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thông tin đối ngoại trong tình hình mới. Đây là văn bản hết sức quan trọng, mang tính định hướng cho công tác thông tin đối ngoại nói chung, thông tin đối ngoại về quyền con người nói riêng trong thời gian tới.

Trong đó, cần làm cho thế giới hiểu chúng ta; hiểu về quan điểm đường lối, chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước. Trong khi đó, cũng cần làm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân hiểu rõ sự đúng đắn về các quan điểm đường lối và các biện pháp cụ thể mà chúng ta đang tiến hành. "Thông tin tốt cũng nhiều, thông tin xấu cũng nhiều, vì vậy cần chủ động trong công tác thông tin; đồng bộ thông tin từ trên xuống dưới, tạo ra mặt trận thông tin thống nhất; phải kịp thời, đi trước một bước; sáng tạo với nhiều hình thức thông tin mới, tận dụng không gian mạng, mạng xã hội. Tổng hợp các biện pháp trên, làm sao phải đạt được hiệu quả thiết thực", đồng chí Lê Hải Bình nhấn mạnh.

Các đại biểu và báo cáo viên dự hội nghị tập huấn.

Các đại biểu và báo cáo viên dự hội nghị tập huấn.

Khái quát thành tựu đạt được trong 10 năm qua, PGS, TS Lê Hải Bình cho rằng công tác chỉ đạo, định hướng thông tin về quyền con người đã bài bản, chuyên nghiệp hơn; sự phối hợp các cơ quan đơn vị đã khá nhuần nhuyễn; phương thức càng ngày càng đa dạng hơn; tranh thủ được nhiều nguồn lực; chủ động thông tin, cung cấp thông tin kịp thời, có tính đi trước, dự báo.

Phân tích kỹ về một số hạn chế trong công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, truyền thông chính sách tôn giáo, dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn ở miền núi; các dự án thành phần trong chương trình mục tiêu quốc gia...

Ông Đinh Tiến Dũng, Phó cục trưởng Cục Thông tin đối ngoại, Bộ Thông tin và Truyền thông nêu các giải pháp, trong đó nhấn mạnh: Cần có cơ chế cung cấp thông tin nhanh nhất cho các cơ quan báo chí. Các địa phương vẫn còn hạn chế khi chậm thông tin, né tránh báo chí, gây ra khủng hoảng truyền thông, khi các thế lực thù địch có thông tin, báo chí lại không được cung cấp thông tin. Tăng cường tập huấn thông tin, đưa phóng viên đi cơ sở để nắm bắt thông tin, từ đó báo chí sẽ phản ánh chính xác tình hình ở cơ sở. Ngoài ra, cần "đặt hàng" các cơ quan báo chí, truyền thông, tạo điều kiện cho các cơ quan báo chí tác nghiệp và cho ra các sản phẩm báo chí chất lượng cao về quyền con người. Tăng cường hợp tác truyền thông thông qua các hoạt động truyền thông quốc tế. Tổ chức giải thưởng truyền thông về quyền con người.

Bàn về những điểm còn hạn chế, PGS, TS Lê Hải Bình cho rằng: Thông tin chúng ta còn bị động, chậm, từ đó bị các thế lực lợi dụng tung tin thất thiệt; sản phẩm thông tin chưa thực sự phù hợp; chịu tác động khách quan từ tình hình thế giới, khu vực; các thế lực thù địch cũng không ngừng chống phá tiến trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc mà chúng ta đang tiến hành bằng nhiều hình thức ngày càng tinh vi, đặc biệt qua mạng internet và mạng xã hội. Nhiều báo cáo trong lĩnh vực tôn giáo, nhân quyền của các tổ chức quốc tế không thiện chí với Việt Nam chưa khách quan... Vì thế, thời gian tới, cần nâng cao hơn nữa năng lực dự báo; tăng cường phối hợp trao đổi thông tin. Nêu cao tinh thần chủ động trong việc cung cấp thông tin về các mặt tích cực. Phát huy đầy đủ vai trò của các cơ quan chuyên trách về công tác nhân quyền. Đa dạng hóa công tác thông tin tuyên truyền. Tận dụng không gian mạng. Tổ chức các hội nghị tập huấn với những nội dung thiết thực, trao đổi kinh nghiệm để làm tốt hơn. Tâm thế của người làm công tác thông tin đối ngoại phải tự tin, có nhận thức đầy đủ, mạnh dạn đấu tranh với các quan điểm sai trái của các thế lực thù địch.

Các ý kiến tham luận tại hội nghị đã thẳng thắn trao đổi, thảo luận tập trung vào các nội dung chính: Chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, những khó khăn, vướng mắc, bất cập trong triển khai công tác thông tin đối ngoại về quyền con người, các kiến nghị, đề xuất nói chung về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về công tác nhân quyền, công tác thông tin, truyền thông và thông tin đối ngoại về vấn đề quyền con người.

Các ý kiến tại hội nghị cũng đi sâu làm rõ các biện pháp thông tin tuyên truyền nhằm làm cho người dân và các cơ quan truyền thông, báo chí hiểu rõ hơn, lan tỏa rộng rãi các dự án trong Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; tuyên truyền về những thành tựu bảo đảm quyền con người; những kết quả tích cực trong thực thi các dự án phát triển đồng bào dân tộc thiểu số và phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội khu vực miền núi; kết quả công tác bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo; bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại các tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn.

Hội nghị hôm nay là hội nghị tập huấn thứ 3 trong năm nay triển khai Đề án 1079/QĐ-TTg truyền thông về quyền con người ở Việt Nam giai đoạn 2023-2028 trong đó tiếp tục khẳng định quan điểm trong công tác thông tin, truyền thông về quyền con người là “lấy xây để chống, trong đó xây là chính” tới các lực lượng làm công tác nhân quyền và thông tin đối ngoại các tỉnh, thành.

Trước đó, Bộ TT&TT đã tổ chức Hội nghị tại Quảng Nam cho 19 tỉnh miền Trung và tại Kon Tum cho 19 tỉnh Tây Nguyên, Nam bộ. Như vậy, Hội nghị này sẽ hoàn thành việc hướng dẫn việc triển khai Đề án 1079 đến toàn bộ 63 tỉnh, thành phố toàn quốc theo đúng kế hoạch đề ra.

Trong khuôn khổ các hoạt động liên quan, từ ngày 4-12 đến 8-12, Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ đã tổ chức chuyến đi thực tế cho hàng chục cơ quan báo chí để tìm hiểu thực tế tại nhiều xã miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Hòa Bình để tìm hiểu các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030; tình hình an ninh trật tự tại các vùng đồng bào dân tộc thiểu số; tìm hiểu vai trò phụ nữ người dân tộc thiểu số trong phát triển kinh tế, giữ gìn văn hóa theo các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021- 2030.

Tin ảnh: HOA HUYỀN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/tin-tuc/truyen-thong-ve-quyen-con-nguoi-phai-chat-che-co-tinh-dau-tranh-phan-bac-thong-tin-xau-doc-cua-cac-the-luc-thu-dich-754516