Truyện tranh đang bùng nổ
Các nhà xuất bản truyện tranh tại Bắc Mỹ đang săn lùng manga. Mặt khác, họ gặp áp lực khi thiếu giấy in, đứt gãy chuỗi cung ứng, không đáp ứng kịp nhu cầu tăng cao của bạn đọc.
Một bài viết trên tạp chí Publishers Weekly đánh giá câu chuyện thành công, một bất ngờ lớn của xuất bản khu vực Bắc Mỹ trong hai năm qua chính là sự bùng nổ của manga. Những từ như “tăng trưởng bùng nổ”, “chưa từng có” thường được dùng để mô tả thị trường manga Bắc Mỹ.
Thị trường phát triển mạnh
Masaaki Shimizu, Tổng giám đốc, phụ trách xuất bản của Square Enix Manga & Books, cho biết thị trường manga đã phát triển trong hai năm qua, hiện ở mức cao nhất, gấp 2,5 lần so với mức đỉnh doanh thu vào năm 2007.
“Chúng tôi cho rằng mức tăng trưởng này sẽ được duy trì, nhưng tôi tin nó có tiềm năng phát triển hơn nữa”, Shimizu nói.
Yae Sahashi - Giám đốc bộ phận bán hàng và tiếp thị tại Kodansha (nhà xuất bản manga lớn nhất tại Nhật) - thông tin doanh số bán hàng bùng nổ vào năm 2021, thậm chí vượt xa những gì chúng ta đã thấy vào năm 2020. Đầu năm 2022, doanh số đã vượt trội hơn năm 2021. Bà Sahashi cho biết sự tăng trưởng này được thúc đẩy bởi loạt truyện như Wotakoi, Blue Period, Vinland Saga…
Theo NPD Bookscan, các tập đầu tiên của loạt manga bán chạy lâu năm như Attack on Titan, My Hero Academia và Demon Slayer đã bán được hơn 160.000 bản mỗi tập vào năm 2021, tăng trên 25% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không bao gồm doanh thu bán các ấn bản kỹ thuật số, lượng độc giả trực tuyến và đăng ký hoặc doanh số bán sách không được báo cáo cho Bookscan (ví dụ mua hàng ở thư viện và các cửa hàng truyện tranh). Do đó, tổng doanh số cho các đầu sách này (và nhiều manga khác được xuất bản ở Bắc Mỹ) có khả năng cao hơn rất nhiều.
Hầu hết nhà xuất bản đều báo cáo doanh số bán hàng cao hơn bình thường. Theo Erik Ko, đại diện Udon Entertainment (một xưởng sáng tác và xuất bản truyện tranh tại Canada), chỉ trong năm qua, Udon Entertainment đã bán được thêm 200% bản sao của tập 1 Persona 3, bằng tổng ấn bản họ đã bán ra trong 7 năm qua.
“Có vẻ mọi người đã không biết đến sự tồn tại của manga này cho đến bây giờ”, Erik Ko nói trên Publishers Weekly.
Trong hai năm đại dịch, 2020 và 2021, sự phổ biến của anime phát trực tuyến, sự gia tăng của các tác phẩm ăn khách dành cho thiếu niên, người lớn là yếu tố thúc đẩy sự phát triển của manga.
Ngoài ra, nhiều hình thức giải trí khác như hòa nhạc, phim ảnh, các sự kiện thể thao bị hạn chế hoặc đóng cửa trong phần lớn đại dịch, khiến mọi người có thể khám phá và đọc nhiều manga hơn.
Lý giải sự bùng nổ, đại diện một số nhà xuất bản cho biết ngày càng có nhiều độc giả nhỏ tuổi khám phá manga thông qua việc xem anime trên các kênh phát trực tuyến như Netflix hoặc Crunchyroll.
Shimizu nói đằng sau sự phát triển chưa từng thấy của manga là một phản ứng dây chuyền, được kích hoạt trong giai đoạn đầu của đại dịch, sau đó phát triển lên.
Ban đầu, lượng người đăng ký các dịch vụ phát trực tuyến video lớn tăng, dẫn đến việc anime ngày càng được chú ý nhiều hơn. Điều đó khiến người tiêu dùng quan tâm với loạt manga gốc. Tất cả điều này dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của thị trường manga.
Sahashi cho rằng những độc giả mới làm quen, gia nhập cộng đồng manga đã đổ xô vào những bộ truyện nổi tiếng hiện nay, giúp tập 1 Attack on Titan, dù đã xuất hiện 10 năm, trở thành manga bán chạy nhất năm 2021.
Lianne Sentar, Giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Seven Seas Entertainment, nhận thấy xu hướng chuyển thể manga: “Cháu gái và cháu trai của tôi đều ở độ tuổi thanh thiếu niên […] Chúng đang ngấu nghiến những bộ anime mà tôi đã xem 20 năm trước, nhưng bây giờ nó đang phát trực tuyến”.
Áp lực của các nhà xuất bản
Khi đại dịch bắt đầu, thật khó để đoán được nó sẽ ảnh hưởng như thế nào đến việc xuất bản manga ở Bắc Mỹ. Vào cuối năm 2019, doanh số bán manga đã có xu hướng tăng lên. Trong quá khứ, từng có những lần manga bùng nổ rồi tắt lịm, nên nhiều nhà xuất bản thận trọng về sự gia tăng đột biến này.
Bước sang năm 2022, doanh số manga vẫn tăng. Điều này cho thấy sự bùng nổ của manga là có thật, tồn tại ngay cả khi thị trường phải đối mặt với tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng.
Khi nhu cầu về manga tiếp tục tăng, các nhà phát hành trước đây không cân nhắc đến việc bán nhiều truyện tranh thì nay đang xếp hàng để tham gia thị trường.
Đại diện Viz, một trong những nhà xuất bản manga lớn ở Bắc Mỹ, nói thị trường manga đang phát triển mạnh mẽ. Tất cả kênh bán hàng ở Mỹ, Canada như chuỗi bán lẻ, nhà sách độc lập, bán sách trực tuyến, thư viện, đại lý… đều tăng trưởng. Bên cạnh đó, thị trường có thêm những người mới, chưa từng bán manga trước đây.
Trái ngược nhu cầu tăng vọt, các vấn đề của chuỗi cung ứng - bao gồm công suất máy in hạn chế, tình trạng thiếu giấy, các vấn đề sản xuất và phân phối khác - đang cản trở việc xuất bản manga, gây đau đầu cho các nhà xuất bản.
Doanh số bán hàng tăng bất ngờ dẫn đến việc các nhà xuất bản nhận thấy hàng tồn kho thường kéo dài vài tháng hoặc vài năm được bán hết nhanh hơn. Đơn vị sản xuất không có thời gian in kịp. Kết quả, nhiều tựa truyện được liệt kê là không có sẵn. Với các nhà bán lẻ, đôi khi họ phải đợi hàng tháng để bổ sung lại những bộ truyện mà độc giả đang tìm kiếm.
Đứt gãy chuỗi cung ứng khiến việc tái bản sách lâu hơn nhiều so với trước đây. Kurt Hassler - Giám đốc điều hành tại Yen Press, một liên doanh manga giữa Hachette và tập đoàn Kadokawa - cho hay: “Các vấn đề về chuỗi cung ứng - đáng chú ý nhất là cung cấp giấy và năng lực máy in - vẫn là thách thức lớn nhất của chúng tôi trong năm nay”.
Sự phát triển của manga một mặt giúp thị trường đi lên, mặt khác gây áp lực ngày càng lớn lên khả năng đáp ứng của các nhà xuất bản.
Lianne Sentar, Giám đốc bán hàng và tiếp thị tại Seven Seas Entertainment, khẳng định ngành sách đang không có đủ giấy. Việc vận chuyển quốc tế khó dự đoán và đắt hơn, in ấn và phân phối sách đã ở trong khủng hoảng từ năm 2020, có thể tiếp diễn như vậy đến năm 2023.
“Ngay cả khi tình trạng thiếu hụt đã được khắc phục vào ngày mai, mọi thứ vẫn chưa được giải quyết vì nhu cầu lớn chưa từng có”, Sentar nói.
Đại diện Seven Seas Entertainment ví đây là cơn bão của sự tăng vọt về nhu cầu trong khi nguồn cung hạn chế.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/truyen-tranh-dang-bung-no-post1313586.html