Truyện tranh Việt tìm cách đến gần bạn đọc trẻ

10 năm qua, trước nhiều thay đổi trong sức mua, thói quen tiêu dùng, thị hiếu độc giả, truyện tranh Việt đang dần tìm được chỗ đứng dù vẫn đối mặt cạnh tranh, thách thức.

CEO của hai đơn vị xuất bản Comicola và Du Bút chia sẻ nhận định rằng thị trường truyện tranh Việt có nhiều chuyển biến tích cực trong 10 năm qua. Dù truyện Việt còn "lép về" trước truyện tranh ngoại, song các nhà xuất bản, tác giả Việt vẫn đang không ngừng làm mới mình để đáp ứng thị hiếu nâng cao và thay đổi thói quen tiêu dùng của độc giả.

Thị trường đa dạng, độc giả chịu chi

Theo quan sát của CEO Comicola Nguyễn Khánh Dương, 10 năm qua trên thị trường số lượng truyện tranh Việt Nam gia tăng đáng kể, thể loại cũng đa dạng hơn. Một số tác giả yêu thích sáng tác truyện tranh cũng đã sẵn sàng đầu tư nghiêm túc cho công việc sáng tác và theo đuổi đam mê.

Nhìn rộng ra, CEO Du Bút Trần Duy Nguyễn nhận định rằng số lượng các nhà xuất bản và công ty phát hành sách tập trung vào thể loại sách có minh họa nói chung và truyện tranh nói riêng đã tăng lên. Bên cạnh nhiều đơn vị mới ra đời, các đơn vị lâu năm cũng mở rộng danh mục sản phẩm.

Lấy ví dụ các tác phẩm Số đỏ của Vũ Trọng Phụng với tranh họa sĩ Thành Phong (Đông A và NXB Văn học), Lĩnh Nam Chích Quái với minh họa của Tạ Huy Long (NXB Kim Đồng), ông Nguyễn nhận định rằng trong xuất bản sách văn học, các đơn vị cũng ngày càng đầu tư về mặt hình ảnh cho quyển sách, không chỉ dừng lại ở bìa mà còn cả phần nội dung.

"Không khó để thấy các tác phẩm nước ngoài được tái bản ở phiên bản có minh họa lộng lẫy, hoặc các tác phẩm văn học kinh điển Việt Nam được 'làm mới' bằng những tranh minh họa của các họa sĩ đương đại", ông nói.

Số lượng họa sĩ và tác giả trẻ tài năng tốt nghiệp mỗi năm và tham gia vào thị trường ngày càng nhiều. Nhiều họa sĩ trẻ tạo được tiếng vang trên mạng xã hội và trong cộng đồng minh họa bằng đồ án tốt nghiệp chỉn chu, có chiều sâu. Nhiều họa sĩ, tác giả trẻ không chỉ xuất bản trong nước mà còn tiếp cận được thị trường quốc tế, nhờ vào sự hỗ trợ của các nền tảng trực tuyến và mạng xã hội.

 Độc giả tại sự kiện ra mắt tác phẩm Vạn nhân ký - Noãn. Ảnh: Du Bút.

Độc giả tại sự kiện ra mắt tác phẩm Vạn nhân ký - Noãn. Ảnh: Du Bút.

CEO Comicola chia sẻ rằng đơn vị may mắn được độc giả truyện tranh ở Việt Nam đón nhận. Độc giả Việt luôn chờ đợi các tác phẩm xuất sắc của tác giả Việt và "một khi đã yêu thích, sẽ ủng hộ vô điều kiện cho tác giả Việt".

Đồng tình với nhận định này, CEO Du Bút Trần Duy Nguyễn đánh giá rằng sức mua truyện tranh của độc giả đã tăng lên đáng kể, nhờ vào phát triển kinh tế và mức sống nâng cao. Đặc biệt trong mảng truyện tranh thiếu niên, độc giả không ngần ngại chi trả cho những sản phẩm có hình thức tốt, nội dung hay và các sản phẩm đi kèm mang thương hiệu của tác phẩm (merchandise).

Đây cũng là xu hướng chung của thế giới, khai thác các tiềm năng của tài sản trí tuệ (IP- intellectual property). Một một thiết kế nhân vật hiện nay không chỉ là hình ảnh bằng mực trên giấy thuần túy mà có thể phát triển thành mô hình trưng bày, các áp phích, postcard, hình ảnh sưu tầm, thậm chí kết hợp với các thương hiệu trái ngành như các thương hiệu thời trang, trang sức, dịch vụ ăn uống,...

Cạnh tranh cao, nhiều tín hiệu phát triển khả quan

Ông Dương nhận định cộng đồng yêu mến truyện của tác giả Việt vẫn ở quy mô tương đối hạn chế. Cụ thể, ông cho rằng cán cân giữa truyện nước ngoài và truyện Việt Nam trên thị trường không thay đổi nhiều.

Truyện tranh trong nước phát triển, tuy nhiên truyện nước ngoài cũng không hề giậm chân tại chỗ: "Do họ đã đi trước chúng ta nhiều năm, nên sẽ rất khó khăn để có thể phát triển song hành cùng họ", ông nói.

Tuy nhiên, ông Nguyễn cho rằng truyện tranh Việt Nam đã có bước tiến rất đáng kể. Dù vẫn chiếm thị phần khiêm tốn so với các tác phẩm manga, nhưng ngày càng nhiều tác phẩm truyện tranh Việt chất lượng ra đời và được đón nhận.

Ông Nguyễn so sánh rằng từ khoảng 3-4 tác phẩm mỗi năm vào tầm năm 2015, hiện nay số truyện tranh Việt Nam có chất lượng đã nằm trong khoảng hơn 10 đầu truyện một năm, song song xuất bản ở cả hình thức sách giấy truyền thống và trên nền tảng đọc online.

Các tác phẩm có sự đầu tư về nội dung, kịch bản lôi cuốn, vận dụng các thủ pháp kể chuyện và quan trọng không kém là tác giả hoàn thành trọn vẹn tác phẩm. Ông Nguyễn nhận định: "Điều này góp phần hóa giải lời nguyền 'truyện tranh Việt Nam đầu voi đuôi chuột' hoặc 'hay bị drop (bị tác giả bỏ dở không sáng tác nữa)'".

Truyện tranh Việt cũng đã bắt đầu ghi dấu ấn trên thị trường quốc tế, nhiều tác giả được vinh danh ở các giải thưởng quốc tế lớn nhỏ. Một số tác phẩm được mua bản quyền và chuyển ngữ sang ngôn ngữ khác, tiêu biểu có thể kể đến Mùa hè bất tận (ra mắt năm 2021) của tác giả Lâm Hoàng Trúc. "Đây là điều mà cách đây 10 năm không ai dám tưởng tượng đến", CEO Du Bút nói.

Cải tiến để đáp ứng thị hiếu, thói quen mới của độc giả

Độc giả Việt Nam ngày càng quan tâm và đón nhận các thể loại truyện tranh và sách minh họa là đánh giá chung của CEO Comicola và Du Bút. Tác phẩm chất lượng cao và có nội dung sáng tạo được độc giả trẻ yêu thích.

Điều này đôi khi dẫn đến nhận định người đọc "chỉ mua sách vì bìa", nhưng ông Nguyễn cho rằng độc giả hiện tại "đủ nhạy bén và thông minh để nhìn nhận giá trị của tác phẩm không chỉ ở phần "hình", mà còn ở phần nội dung".

Ông nhấn mạnh rằng ngay cả khi "chỉ mua sách vì bìa", thì đây cũng là tín hiệu đáng mừng rằng người đọc đã có tiêu chuẩn về thẩm mỹ nhất định và buộc các nhà phát hành, các công ty sách, các họa sĩ và nhà thiết kế thường xuyên nâng cao tay nghề, nâng cao chất lượng thiết kế.

 Hình ảnh tại gian hàng của Comicola trong Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần thứ V năm 2024. Ảnh: Comicola.

Hình ảnh tại gian hàng của Comicola trong Hội sách thiếu nhi TP.HCM lần thứ V năm 2024. Ảnh: Comicola.

Ông Nguyễn cho biết thêm công nghệ và kênh phân phối trực tuyến phát triển cũng góp phần thay đổi thị trường, giúp tăng độ tiếp cận của các tựa sách đến người đọc. So với cách phân phối truyền thống qua sạp báo, nhà sách hoặc đại lý bán lẻ, bạn đọc hiện tại có nhiều lựa chọn tiện nghi hơn: có thể mua sách online (thường kèm theo nhiều chương trình ưu đãi hấp dẫn) và đọc sách điện tử.

Tuy nhiên, điều này mang đến thách thức cho các kênh bán lẻ truyền thống. Đơn vị xuất bản phải có cách làm truyền thông mới để thích nghi với thay đổi trong thói quen tiêu dùng và tiếp cận thông tin của độc giả. Các hình thức quảng bá qua các kênh mới như mạng xã hội, KOL, KOC... ngày càng được ưa chuộng.

Nhìn chung, thị trường sách phát triển đa dạng hơn đã tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xuất bản và tác giả mới phát triển: "Những đơn vị không thay đổi, hay thụt lùi cũng nhanh chóng nhận ra điểm mạnh điểm yếu của mình để có những chiến lược phát triển phù hợp", ông Nguyễn nói.

CEO Comicola và Du Bút đều bày tỏ niềm tin vào những dấu hiệu thay đổi tích cực của thị trường truyện tranh Việt và kỳ vọng sẽ mang đến sản phẩm sáng tạo, chất lượng cho độc giả trong tương lai.

Tâm Anh

Nguồn Znews: https://znews.vn/truyen-tranh-viet-tim-cach-den-gan-ban-doc-tre-post1490589.html