TS. Cấn Văn Lực: 'Năm 2024 kích tăng trưởng nhưng không quá lo lạm phát'

TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, nhận định năm 2024, Việt Nam có thể tranh thủ kích thích tăng trưởng mà không quá lo vì lạm phát có thể được kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra...

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia - Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Ông Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia - Ảnh: Chu Xuân Khoa.

Điểm lại bối cảnh kinh tế toàn cầu năm 2023 tại Diễn đàn Kịch bản Kinh tế Việt Nam thường niên (Vietnam Economic Scenarios) lần thứ 16 với chủ đề “Thúc đẩy cơ chế chính sách, thực thi mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam - VnEconomy - Vietnam Economic Times và Bộ Ngoại giao phối hợp tổ chức tại Hà Nội ngày 11/1, TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia, cho biết kinh tế thế giới tiếp tục bất định, đầy rủi ro, tăng trưởng vẫn trên đà giảm.

Dẫn chứng dự báo mới công bố của Ngân hàng Thế giới (WB), ông Lực cho biết GDP năm 2023 chỉ đạt 2,6% (thấp hơn mức 3% năm 2022) và tiếp tục chậm lại vào năm 2024 với mức tăng 2,4% trong năm 2024 khi Mỹ và Trung Quốc tăng trưởng chậm. Cùng với đó, lạm phát (CPI) giảm từ mức đỉnh 8,6% năm 2022 xuống còn 5% cuối năm 2023 và 3,9% cuối năm 2024.

Dự báo về những rủi ro, thách thức chính năm 2023-2024, vị chuyên gia này cho rằng xung đột địa chính trị tiếp tục phức tạp và gia tăng cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn.

Cùng với đó, sự đổ vỡ của một số ngân hàng tại Mỹ, Thụy Sỹ; nợ công và nợ tư tăng; rủi ro thị trường tài chính, tiền tệ toàn cầu, rủi ro nợ xấu và vỡ nợ gia tăng. Rủi ro an ninh năng lượng, an ninh lương thực vẫn hiện hữu;

"Giá cả, lạm phát, lãi suất toàn cầu giảm nhưng còn ở mức cao, rủi ro tài chính - tiền tệ tăng khiến tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu chậm hơn. Điều này tác động tiêu cực đến xuất khẩu, đầu tư, tiêu dùng, du lịch quốc tế và thị trường tài chính của Việt Nam", TS. Cấn Văn Lực lưu ý.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới còn nhiều bất ổn, khó khăn nhiều hơn thuận lợi, đại diện Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính Tiền tệ Quốc gia cho biết Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tốt hơn, lạc quan hơn, lạm phát được kiểm soát.

"TS. Cấn Văn Lực: "Việt Nam có thể tranh thủ kích tăng trưởng nhưng không quá lo vì lạm phát, với lạm phát có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra khi kiềm chế áp lực gia tăng từ hai nhóm hàng hóa, dịch vụ chính là lương thực, thực phẩm và nhà ở, vật liệu xây dựng". Ảnh: Việt Dũng.

"TS. Cấn Văn Lực: "Việt Nam có thể tranh thủ kích tăng trưởng nhưng không quá lo vì lạm phát, với lạm phát có thể kiểm soát tốt theo mục tiêu đề ra khi kiềm chế áp lực gia tăng từ hai nhóm hàng hóa, dịch vụ chính là lương thực, thực phẩm và nhà ở, vật liệu xây dựng". Ảnh: Việt Dũng.

Để tạo đà tăng trưởng cho năm 2024, ông Cấn Văn Lực nhấn mạnh cần củng cố, làm mới các động lực tăng trưởng hiện hữu, chú trọng cơ cấu lại nền kinh tế sau giai đoạn dài trùng xuống vì đại dịch, chậm trễ xử lý doanh nghiệp, dự án yếu kém.

Quan trọng hơn, phát huy, khai thác các động lực tăng trưởng mới mà điểm nhấn là đẩy nhanh tiến trình hoàn thiện thể chế, nhất là hướng dẫn thực hiện các luật đất đai, nhà ở, kinh doanh bất động sản, tổ chức tín dụng, các luật sửa đổi khác, cơ chế hỗ trợ trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn
cầu…

"Cần sớm có khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, kinh doanh mới nhanh hơn, cơ chế thí điểm sandbox được chuẩn bị lâu quá. Bây giờ muốn phát triển khoa học công nghệ, muốn thử cái mới, muốn phát triển mô hình mới phải có cơ chế thử nghiệm để làm", ông Lực lưu ý.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã lắng nghe những khuyến nghị, “hiến kế” của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế - Ảnh: Việt Dũng.

Các đại biểu tham dự Diễn đàn đã lắng nghe những khuyến nghị, “hiến kế” của các chuyên gia kinh tế, các tổ chức quốc tế - Ảnh: Việt Dũng.

Bên cạnh đó, sớm xây dựng Đề án nâng cao năng suất lao động quốc gia; tăng cường đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, tạo môi trường thông thoáng hơn nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải thành lập Ủy ban Năng suất quốc gia, để có chỉ đạo có cơ chế chính sách thực hiện rõ ràng.

Thúc đẩy tăng trưởng xanh; ban hành đầy đủ, kịp thời văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Bảo vệ môi trường 2020; có kế hoạch cụ thể ứng phó biến đổi khí hậu; thực hiện Chiến lược tăng trưởng xanh, Đề án phát triển kinh tế tuần hoàn, cam kết “Zero – carbon” đến năm 2050...

Việt Nam định hướng chiến lược rất tốt nhưng vấn đề những đề án, chương trình, giải pháp cụ thể từng ngành nghề, lĩnh vực rất thiếu. Đặc biệt tiêu chuẩn, tiêu chí liên quan đến dự án xanh, liên quan đến lĩnh vực xanh cũng phải thúc đẩy hơn.

"Tăng tính tự chủ tự cường và sức chống chịu của nền kinh tế trong bối cảnh mong manh từ bên ngoài, cả doanh nghiệp và các địa phương", ông Lực nêu rõ.

Ngoài ra, chú trọng xây dựng, quản lý và khai thác cơ sở thông tin, dữ liệu quốc gia trong mỗi lĩnh vực, ngành nghề, địa phương, tổ chức, doanh nghiệp cùng với cơ chế liên thông, chia sẻ và quản lý rủi ro dữ liệu...

Ánh Tuyết

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/ts-can-van-luc-nam-2024-kich-tang-truong-nhung-khong-qua-lo-lam-phat.htm