TS. Chử Văn Lâm: Chuyển đổi kép chính là điều mà ngành công nghiệp đang kỳ vọng đạt được
Công nghiệp giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế. Để hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững, công nghiệp xanh là xu thế tất yếu....

TS. Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí kinh tế Việt Nam: "Nhìn lại trong cả quá trình lịch sử phát triển của Việt Nam, yếu tố cốt lõi chính là công nghiệp hóa". Ảnh: Việt Dũng.
Tại Diễn đàn Công nghiệp xanh với chủ đề “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” do Tạp chí Kinh tế Việt Nam – VnEconomy – Vietnam Economic Times tổ chức diễn ra ngày 9/7/2025, TS. Chử Văn Lâm, Chủ tịch Hội đồng biên tập Tạp chí kinh tế Việt Nam, cho rằng công nghiệp giữ vai trò then chốt trong nền kinh tế. Để hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững, công nghiệp xanh là xu thế tất yếu.
Theo TS. Chử Văn Lâm, chúng ta đang bước vào kỷ nguyên tăng trưởng mới, kỷ nguyên vươn mình của Việt Nam. Kỷ nguyên vươn mình ấy được đánh dấu theo nhiều cách đánh giá khác nhau, song nhiều ý kiến cho rằng đầu tiên là việc chúng ta sắp xếp lại giang sơn. Đó chính là từ ngày 1/7/2025 vừa qua khi chúng ta sắp xếp lại các tỉnh, bỏ cấp huyện.
Đến ngày hôm nay (9/7/2025), đồng nghĩa chúng ta đã bước vào kỷ nguyên vươn mình được 9 ngày. Đây là một tinh thần mới trong việc quyết tâm đưa Việt Nam tăng trưởng nhanh 2 con số trong thời gian tới và liên tục.
Theo kinh nghiệm của quốc tế, một số quốc gia vươn lên phải cần từ 15 đến 20 năm, thậm chí Trung Quốc 30 năm để tăng trưởng hai con số. Như vậy, yêu cầu về tăng trưởng hai con số là hết sức cấp bách. Chúng ta tìm mọi cách để có thể đạt được mục tiêu này.
Nhìn lại trong cả quá trình lịch sử phát triển của Việt Nam, yếu tố cốt lõi chính là công nghiệp hóa. Nhìn xa hơn, các quốc gia muốn phát triển lên đều không thoát được vấn đề “công nghiệp hóa”. Trong nhiều văn kiện của Đảng đã nói nhiều đến thuật ngữ "công nghiệp hóa, hiện đại hóa".

Trong lịch sử phát triển công nghiệp, đều có sự đánh đổi giữa tăng trưởng, hy sinh một số mục tiêu khác, đặc biệt là vấn đề về môi trường. Đơn cử như Nhật Bản, họ đã phát triển đến mức như vậy, nhưng cho đến bây giờ họ không ăn cá nội địa, bởi vì bị ô nhiễm nghiêm trọng. Người Nhật chỉ ăn cá biển, thậm chí ăn cá ở biển sâu.
“Vậy câu chuyện của chúng ta đặt ra là phát triển nhanh, cao mà lại hài hòa được với lại môi trường, đồng nghĩa với khái niệm chuyển đổi "xanh", chuyển đổi số. Chuyển đổi kép chính là điều mà ngành công nghiệp đang kỳ vọng đạt được”, TS Chử Văn Lâm nhấn mạnh.
Ngành công nghiệp giữ vai trò then chốt trong tiến trình phát triển của nền kinh tế. Tính đến năm 2024, công nghiệp chiếm hơn 31% trong GDP. Dự kiến, tỷ trọng này sẽ không nhiều hơn nữa bởi các ngành dịch vụ phát triển, nhưng công nghiệp vẫn là then chốt, quyết định câu chuyện "xanh" hay "không" của nền kinh tế.
Vì vậy, phát triển nhanh và hài hòa chính là một xu thế tất yếu. Bởi theo TS. Chử Văn Lâm, nếu chúng ta không có chứng chỉ về sản phẩm xanh, thì không thể hội nhập được với thế giới, không thể mang sản phẩm bán cho thị trường thế giới được. Đây vừa là yêu cầu lại vừa là nhu cầu nội thân của nền kinh tế Việt Nam khi tham gia vào thị trường quốc tế.
Diễn đàn Công nghiệp xanh với chủ đề “Hài hòa mục tiêu tăng trưởng cao và phát triển bền vững” ngày hôm nay nhằm thúc đẩy ý thức và hành động “xanh” trong cộng đồng doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam. Đồng thời, đưa ra những sáng kiến, giải pháp sáng tạo, đột phá để xây dựng nền công nghiệp tăng trưởng cao hơn và bền vững hơn.