TS Hà Thị Thanh Hương: 'Làm nghiên cứu cũng giống như làm mẹ'
TS Hà Thị Thanh Hương chia sẻ, làm nghiên cứu phải học cái mới mỗi ngày, làm mẹ cũng như vậy. Chị luôn 'chấn chỉnh', dành thời gian cho gia đình, để tuổi thơ các con được ấm áp, vui tươi.
TS Hà Thị Thanh Hương, Trưởng bộ môn Kỹ thuật mô và Y học tái tạo, khoa Kỹ thuật Y Sinh, trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP HCM, được biết đến là nhà khoa học đang theo đuổi nghiên cứu, giải pháp cho các bài toán liên quan tới não bộ, trong đó có các nghiên cứu về bệnh Alzheimer. Chị lọt top 20 ứng viên đề cử Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2023.
Quyết tâm theo đuổi ngành Thần kinh học
TS Hà Thị Thanh Hương sinh năm 1989 trong gia đình có cha và mẹ làm giáo viên. Mẹ TS Thanh Hương dạy Sinh học, còn ba dạy Hóa học. Ngay từ khi còn nhỏ, TS Hà Thị Thanh Hương đã được tiếp xúc với các kiến thức khoa học tự nhiên, và sớm bộc lộ sở thích với môn học này.
Thi tuyển vào THPT, nữ sinh Thanh Hương trúng tuyển vào lớp chuyên Sinh, Trường Phổ thông Năng khiếu (Đại học Quốc gia TP HCM).
Quyết định theo học về Khoa học thần kinh của Thanh Hương xuất phát từ việc trong gia đình có người bị mắc bệnh trầm cảm. Quá trình đưa người thân đi các bệnh viện thăm khám, chữa bệnh, Thanh Hương thấy điều kiện chăm sóc sức khỏe tâm thần của Việt Nam còn nhiều hạn chế. Thậm chí, ngay cả đối với bệnh viện lớn, cũng vẫn chưa có công cụ để chẩn đoán và chữa trị chính xác.
“Tôi theo học về Khoa học thần kinh để hiểu hơn về cách não bộ hoạt động, từ đó có thể nghiên cứu phương pháp chẩn đoán chữa trị hiệu quả hơn về tâm thần và thần kinh”, Thanh Hương chia sẻ.
Năm 2007, Thanh Hương trúng tuyển ngành Công nghệ Sinh học, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên (Đại học Quốc gia TP HCM). Quá trình học đại học, Thanh Hương bắt đầu tìm hiểu các chương trình đào tạo về Thần kinh học ở nước ngoài, bởi chị nhận thấy thời điểm đó, trong nước chỉ dạy ngành này theo hướng đào tạo bác sĩ, trong khi chị muốn theo đuổi con đường nghiên cứu khoa học.
Năm 2011, sau khi tốt nghiệp thủ khoa đại học, chị về làm tại Trung tâm Nghiên cứu lâm sàng, Đại học Oxford (OUCRU) tại Việt Nam, với mong muốn tích lũy những kinh nghiệm làm việc trong môi trường quốc tế.
Tiếp tục thực hiện ước mơ, trong năm này, chị nộp hồ sơ học bổng VEF (Quỹ Giáo dục Việt Nam) để theo đuổi con đường nghiên cứu về Thần kinh học tại Đại học Stanford, Mỹ. Kết quả vượt ngoài cả mong đợi, chị giành thêm suất học bổng danh giá, trở thành nghiên cứu sinh ngành Thần kinh học của đại học này với trọng tâm nghiên cứu về chứng tự kỷ.
Du học là để… trở về
Năm 2018, sau khi hoàn thành luận án tiến sĩ, chị Hương trở về nước làm việc tại Trường Đại học Quốc tế, ĐH Quốc gia TP HCM. Từ thực tế tìm hiểu và sự tham khảo tới từ các chuyên gia, bác sĩ, chị Hương nhận thấy, có 2 bài toán lớn về bệnh não bộ có thể giải quyết dựa trên kiến thức mình đã học, gồm: Bệnh liên quan đến stress và Alzheimer.
Năm 2019, chị quyết định thành lập nhóm nghiên cứu Brain Health Lab (Phòng thí nghiệm sức khỏe não bộ) cùng với các đồng nghiệp, nhà nghiên cứu trẻ, học viên cao học và sinh viêm giải bài toán cải thiện chức năng bộ não.
Chị và các cộng sự đã lặn lội tới từng bệnh viện, tìm kiếm đến những bác sĩ thực sự quan tâm đến căn bệnh Alzheimer. Trước thực tế, ở Việt Nam chưa có kỹ thuật chẩn đoán bệnh Alzheimer do rất đắt tiền và xâm lấn nhiều, TS Hương cùng cộng sự đã nghiên cứu theo hướng tiếp cận giá rẻ, ít xâm lấn hơn.
Năm 2022, với công trình "Nghiên cứu và phát triển hệ thống ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và dữ liệu lớn (Big Data) hỗ trợ Bác sĩ chẩn đoán bệnh Alzheimer dựa trên ảnh MRI sọ não", chị cùng các cộng sự cũng xuất sắc giành giải ba Hội thi sáng tạo kỹ thuật toàn quốc lần thứ 16. Đây có thể xem như sản phẩm đầu tiên ứng dụng AI vào chẩn đoán và theo dõi bệnh Alzheimer ở Việt Nam với độ chính xác cao đến 96 %.
Cùng năm đó, chị là 1 trong 3 nhà khoa học nữ được vinh danh "Nhà Khoa học nữ xuất sắc năm 2022" (L'Oreál - Unesco for Women in Science) với các đề án nghiên cứu tiềm năng vì sức khỏe và lợi ích cho cộng đồng.
TS Thanh Hương chia sẻ, ngay khi đi du học, chị đã luôn mong muốn thay đổi cách xã hội hiểu về sức khỏe tâm thần. Khi bị bệnh, trong não của người bệnh có sự thay đổi về các phân tử, các chất hóa học khiến cho người bệnh thay đổi cách suy nghĩ, cách cư xử và hành động. Đây là bệnh lý, chứ không phải do người bệnh tự điều chỉnh được, hay do lý do “tâm linh” nào đó.
Cũng chính vì vậy, khi gặp một người trầm cảm, ta không thể nói họ hãy bớt trầm cảm, buồn bã đi; hoặc khi gặp một bệnh nhân rối loạn lo âu thì bảo họ bớt lo âu đi... Cũng giống như khi gặp một bệnh nhân Alzheimer, chúng ta không thể nói với họ hãy cố gắng nhớ, bởi đây là bệnh.
Tự “chấn chỉnh” mình nuôi dưỡng tuổi thơ con ấm áp, vui tươi
TS Hà Thị Thanh Hương cho hay, khi chọn con đường làm nghiên cứu khoa học gặp rất nhiều khó khăn, từ việc viết bài báo khoa học, xin quỹ tài trợ tìm kiếm đối tác từ phía lâm sàng… đặc biệt là đối với nữ nhà khoa học, khó khăn lại càng nhiều, khi đồng thời vẫn phải đảm nhận vai trò “giữ lửa” cho gia đình.
Cũng có lúc chị nản lòng, từng muốn bỏ cuộc. Nhưng may mắn, chị luôn có gia đình hai bên nội ngoại đều luôn ủng hộ, hỗ trợ chị hết lòng. Đặc biệt, người bạn đời của chị cũng là một nhà nghiên cứu, nên anh có những thấu hiểu, chia sẻ với công việc của vợ.
Do mẹ bận rộn, hai con chị phải tự lập rất nhiều, và vì mẹ là nhà khoa học, có những khắt khe và kỳ vọng, nên hai bé cũng có những thiệt thòi. Nhận ra điều đó, chị đã sắp xếp, điều chỉnh lại công việc để có thời gian dành cho gia đình.
Chị cùng con nấu các món ăn, món tráng miệng mới, đưa các bạn tới lớp học đàn, tiếng Anh. “Tôi tự nhủ, phải tìm cho mình những khoảng lặng để nhìn nhận và chấn chỉnh lại, để tuổi thơ của con no đủ, ấm áp và vui tươi. Làm nghiên cứu phải học cái mới mỗi ngày thì làm mẹ cũng như vậy”, chị Hương tâm sự.
Một động lực nữa đối với chị Hương, đó là sự trưởng thành của các thế hệ kế cận và sự tiến triển tốt của các bệnh nhân. Khi nhìn thấy ánh mắt sáng rực của các em sinh viên, biết theo đuổi mơ ước của mình; hay khi biết tin có bệnh nhân dùng sản phẩm nghiên cứu của nhóm tại Bệnh viện Quân y 175 sức khỏe tốt hơn, chị lại thấy mọi vất vả như tan biến.
Theo TS Thanh Hương, nữ giới cũng có thể làm được những công trình khoa học quan trọng, có tầm ảnh hưởng trong xã hội, có tính sáng tạo. Ở Việt Nam hiện nay, cũng có nhiều cơ hội để theo khoa học, thời gian làm việc không quá tải mà vẫn có thời gian dành cho gia đình và thu nhập tương đối ổn định.
Tuy nhiên, nếu có sự ủng hộ, thấu hiểu nhất định từ gia đình, đó sẽ là thuận lợi rất lớn. “Nếu không có may mắn đó thì có lẽ bạn sẽ phải mạnh mẽ hơn để vượt qua rào cản”, nữ tiến sĩ chia sẻ.