TS. Lê Xuân Nghĩa: Thật phi lý khi cho rằng nhập khẩu vàng là chảy máu ngoại tệ
Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, để khu vực tư nhân thực sự bứt phá, ngoài việc 'cởi trói', cần có chính sách định hướng rõ ràng và nhất quán từ phía nhà nước; bên cạnh đó, chuyên gia chỉ ra tư duy quản lý thị trường vàng đến cách thức triển khai luật hóa các nghị quyết kinh tế còn tồn tại nhiều điểm nghẽn.
Tại Hội thảo khoa học 'Kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế ' do Hội Doanh nhân Tư nhân Việt Nam tổ chức sáng 26/5, TS. Lê Xuân Nghĩa – Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã có những phát biểu với nhiều nhận định thẳng thắn xoay quanh việc phát triển khu vực tư nhân, đặc biệt là chính sách quản lý thị trường vàng.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia. (Ảnh: DNVN).
Thật phi lý khi cho rằng nhập khẩu vàng là chảy máu ngoại tệ
Theo ông Nghĩa cho biết có rất nhiều ý kiến khác nhau khi thảo luận các chính sách về thị trường vàng. Ông phản ánh rằng có nhiều ý kiến viện cớ rằng Việt Nam rất đặc thù “dân Việt Nam quá yêu chuộng vàng nên cần quản lý vàng”. Trong khi đó, các doanh nghiệp thì nêu mong muốn được nhập khẩu vàng để sản xuất trang sức xuất khẩu.
"Chả lẽ lại cấm người dân tiết kiệm vàng? Nhập khẩu vàng thì nói là 'chảy máu đô la' nhưng hiện tại đô la làm sao quý và ổn định bằng vàng? Vậy thì 'chảy' ở đâu?", ông Nghĩa nhấn mạnh.
"Về vấn đề 'chảy máu ngoại tệ', mỗi năm Việt Nam chỉ nhập khẩu 3–4 tỷ USD vàng, trong khi nhập khẩu rượu ngoại, xì gà, thuốc lá ngoại lên tới 8 tỷ USD, tại sao không ai nói là 'chảy'? Vàng là một nguồn dự trữ vô cùng quan trọng, vậy tại sao lo ngại khi USD chảy ra để mua vàng, nhưng lại không đặt vấn đề khi USD chảy ra để mua rượu, xì gà, thuốc lá? Đó là điều phi lý", vị chuyên gia nói thêm.
Ông cũng nhấn mạnh việc 14 năm cấm nhập khẩu vàng đã khiến thị trường vận hành ngầm, tạo điều kiện cho buôn lậu và đẩy giá vàng trong nước cao hơn thế giới tới 700 USD/ounce.
Ngoài ra, theo vị chuyên gia này, việc cấm nhập khẩu vàng cũng gây ra nhiều hệ lụy khác, trong đó có buôn lậu vàng. Do cấm nhập khẩu vàng, trong khi doanh nghiệp vẫn cần vàng nguyên liệu để sản xuất, kinh doanh, nên tình trạng vàng nhập lậu là khó tránh khỏi.
Từ thực tế đó, Tiến sĩ Nghĩa đề xuất ba cấp độ chính sách bao gồm thượng sách - cho phép nhập khẩu vàng có kiểm soát, doanh nghiệp đầu mối nhập khẩu và phân phối sỉ cho các doanh nghiệp khác; trung sách - cho phép một số ngân hàng và công ty lớn nhập khẩu vàng, thiết lập sàn giao dịch vàng để định giá theo quy định – giống mô hình Trung Quốc. Và hạ sách - tiếp tục kiểm soát như hiện nay nhưng đây là cách làm không hiệu quả và cần thay đổi.
Doanh nghiệp ra “đường lớn” nhưng cần chính sách dẫn đường
Bên cạnh vấn đề vàng, Tiến sĩ Nghĩa cũng chia sẻ những đánh giá rộng hơn về môi trường phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Theo ông, để tồn tại trong suốt những năm qua, khu vực tư nhân Việt Nam đã “lách qua ngõ hẹp” và Nghị quyết 68 hiện được kỳ vọng như một “con đường lớn” để phát triển.
Tuy nhiên, ông lưu ý “cần phải quan tâm là đường lớn chưa chắc đã nhanh và mạnh hơn”. Dẫn ví dụ từ Thái Lan, Malaysia, Indonesia – những quốc gia có kinh tế tư nhân năng động – nhưng vẫn kém xa Hàn Quốc, Trung Quốc về tốc độ tăng trưởng, ông cho rằng chính sách phát triển công nghiệp và vai trò định hướng của nhà nước là yếu tố sống còn.
"Như vậy để thấy rằng khi doanh nghiệp đã ra đường lớn rồi nhưng nếu Chính phủ không có chính sách tốt thì doanh nghiệp không cất cánh được", ông nhấn mạnh.
Ông dẫn chứng năm 1960, thu nhập bình quân đầu người của Hàn Quốc chỉ là 60 USD, bằng một nửa Philippines. Nhưng hiện tại, Hàn Quốc đã vượt xa và gấp 4–5 lần so với Philippines và Indonesia.
“Khi ra đường lớn, có thể doanh nghiệp thoải mái hơn lúc trước nhưng việc để trở thành 20 tập đoàn toàn cầu không phải mục tiêu đơn giản. Chúng ta phải đặt vấn đề ngoài sự cởi trói cần có định hướng phát triển công nghiệp để doanh nghiệp đi lên”, ông nói.
Chính sách phải đi kèm thể chế và kỷ luật thực thi
Bàn về kỳ vọng của doanh nghiệp, ông Nghĩa cho biết thời gian qua, Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia đã bắt đầu thảo luận nhiều chính sách theo chỉ thị của Tổng Bí thư.
Dù vậy, ông thừa nhận quá trình luật hóa và triển khai trên thực tế vẫn sẽ đối mặt nhiều khó khăn. “Câu chuyện không chỉ là doanh nghiệp sau này sẽ làm gì, mà là Nghị quyết sẽ được luật hóa thế nào, và kỷ luật thực thi sẽ ra sao”, ông nói.
Ông cũng chia sẻ rằng nhiều doanh nghiệp hiện nay “nói nước đôi” vì e ngại cấp trên, hoặc vì môi trường pháp lý chưa đủ rõ ràng.
“Việt Nam là đất nước rất đặc thù, nền kinh tế chỉ bằng 1/40 Trung Quốc, dự trữ ngoại tệ là 100 tỷ USD trong khi Trung Quốc là 2.000 tỷ USD. Nhưng điều đáng buồn là nhiều lãnh đạo không xuất thân từ chuyên môn nên khó thấu hiểu vấn đề”, ông Nghĩa nêu thực trạng.
Theo ông, việc cải cách chính sách chỉ thành công khi có sự đồng hành từ cả chuyên gia, nhà hoạch định và lãnh đạo thực thi.
Tại cuộc họp Thường trực Chính phủ về quản lý thị trường vàng chiều tối 24/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngân hàng Nhà nước tăng cường quản lý nhà nước, nhanh chóng đưa chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới xuống mức chỉ còn khoảng 1-2%, không thể để trên 10% như vừa qua.
Đồng thời, có giải pháp tăng cung như nhiều doanh nghiệp cùng kinh doanh và giảm cầu; quản lý, kiểm soát chặt chẽ, tăng cường thanh tra, kiểm tra và ngăn chặn, xử lý nghiêm hành vi buôn lậu; ngăn chặn các phần tử thao túng, găm hàng, đội giá, làm lũng đoạn thị trường.