TS.NGUYỄN MINH PHONG: QUY ĐỊNH ĐẦY ĐỦ CƠ CHẾ KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO HỘ KHI GÓP VỐN BẰNG QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀO HỢP TÁC XÃ
Theo TS.Nguyễn Minh Phong, chuyên gia kinh tế, dự thảo Luật Hợp tác xã (sửa đổi) cần nhấn mạnh và làm rõ hơn, đầy đủ hơn cơ chế khuyến khích các thành viên tự nguyện và được bảo hộ pháp luật khi góp quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các đơn vị kinh tế hợp tác thành lập mới, hoặc đang hoạt động, theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
TỔNG THUẬT SÁNG 10/11: QUỐC HỘI THẢO LUẬN VỀ LUẬT HỢP TÁC XÃ (SỬA ĐỔI)
Luật Hợp tác xã năm 2012 được Quốc hội thông qua ngày 20/11/2012, có hiệu lực từ ngày 01/7/2013 đã thể chế hóa các chủ trương của Đảng về tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể, tiếp cận gần hơn với bản chất, giá trị nguyên tắc của Hợp tác xã trên thế giới. Theo Báo cáo Tổng kết 10 năm thi hành, Luật Hợp tác xã năm 2012 đã bước đầu tác động tích cực đến tổ chức và hoạt động của các Hợp tác xã. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được, thực tiễn sau gần 10 năm triển khai thực hiện, Luật còn bộc lộ một số tồn tại, hạn chế cần được nghiên cứu, sửa đổi, hoàn thiện để phù hợp hơn với thực tiễn.
Do đó, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã trình Quốc hội cho ý kiến lần đầu về Dự án Luật Hợp tác xã (sửa đổi). Theo đó, Dự thảo Luật sửa đổi gồm 12 Chương, 111 Điều trong đó: bãi bỏ 03 Điều , sửa đổi 65 Điều, bổ sung 49 Điều so với Luật Hợp tác xã năm 2012; bám sát mục tiêu, quan điểm chỉ đạo và cụ thể hóa 05 nhóm chính sách tại đề nghị xây dựng dự án Luật đã được thông qua.
Quan tâm tới nội dung sửa đổi, TS.Nguyễn Minh Phong cho rằng, Dự thảo Luật Luật Hợp tác xã (sửa đổi) đã chủ động xây dựng nhiều nội dung mới góp phần khắc phục một số tồn tại, hạn chế của Luật Hợp tác xã 2012 để phù hợp hơn với thực tiễn. Đặc biệt, Dự thảo đã đi đúng hướng khi tập trung điều chỉnh trong các nội dung quy định về hoạt động gia nhập, hoạt động, rút khỏi thị trường của Hợp tác xã, với những điểm nhấn nổi bật về: Giảm số lượng thành viên tối thiểu khi đăng ký thành lập Hợp tác xã; Bỏ quy định về yêu cầu phương án sản xuất kinh doanh của Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã khi đăng ký thành lập Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã; Giảm thời hạn cấp giấy chứng nhận đăng ký Hợp tác xã, liên hiệp Hợp tác xã;…
Ngoài ra, Dự thảo Luật cũng đã giảm sự cứng nhắc trong quy định về tỷ lệ cung ứng sản phẩm, dịch vụ của Hợp tác xã ra bên ngoài; Giảm yêu cầu thủ tục về giải thể và rút khỏi Hợp tác xã, tạo thuận lợi cho việc rút khỏi thị trường của các Hợp tác xã và xã viên; Không cứng nhắc quy định về bắt buộc thành viên phải sử dụng sản phẩm, dịch vụ của Hợp tác xã;
Đồng thời, tạo độ mở hơn để khuyến khích đa dạng hóa các thành viên của Hợp tác xã, bao gồm cả người muốn đóng góp cho Hợp tác xã bằng tài sản, vốn đầu tư, kinh nghiệm, kiến thức chuyên môn, uy tín, …; Điều chỉnh quy định về cơ cấu tổ chức Hợp tác xã theo hướng gọn, phù hợp với thực tiễn cho nhiều Hợp tác xã quy mô nhỏ, siêu nhỏ ít thành viên; Mở rộng số lượng người đại diện theo pháp luật của HTX, tạo sự bình đẳng với các doanh nghiệp khi được phép có nhiều hơn một người đại diện theo pháp luật;…
Để góp phần tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật, đáp ứng yêu cầu mục tiêu đặt ra, TS.Nguyễn Minh Phong kiến nghị, Dự thảo cần nhấn mạnh và làm rõ hơn, đầy đủ hơn cơ chế khuyến khích các thành viên tổ chức kinh tế hợp tác tự nguyện và được bảo hộ pháp luật khi góp quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào các đơn vị kinh tế hợp tác thành lập mới, hoặc đang hoạt động, theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.
Theo TS.Nguyễn Minh Phong điểm cần lưu ý ở đây là Nhà nước không can thiệp việc góp vốn bằng quyền sử dụng đất vào Hợp tác xã, mà do thành viên tự quyết định; song Nhà nước cần cam kết và định rõ cơ chế bảo vệ quyền của người sử dụng đất khi góp quyền sử dụng đất vào các đơn vị kinh tế hợp tác không gắn với chuyển dịch sở hữu quyền này. Thực tế đã, đang và sẽ cho thấy, nếu không có quy định bảo hộ quyền sử dụng đất từ phía nhà nước đối với các hành vi gian dối, vi phạm các cam kết dân sự trong giao dịch liên quan đến quyền sử dụng đất, thì sẽ không tạo an tâm về cơ sở pháp lý và do đó không khuyến khích được người dân mạnh dạn cho thuê, góp quyền sử dụng đất, tạo xung lực phát triển thị trường quyền sử dụng đất theo tinh thần Nghị quyết 18-NQ/TW.
Vì vậy, cần bổ sung quy định liên quan đến cam kết bảo đảm, bảo hộ quyền sử dụng đất trong quá trình phát triển thị trường quyền sử dụng đất nông nghiệp, ví dụ như : “Nhà nước khuyến khích và bảo hộ quyền sử dụng đất trong việc thuê quyền sử dụng đất, nhận góp quyền sử dụng đất của tổ chức kinh tế hợp tác, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện dự án, công trình sản xuất, kinh doanh” và giao Chính phủ quy định chi tiết nội dung này.
Bên cạnh đó, TS.Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý, đối với quy định tại Điểm b, khoản 2 Điều 113 “Tổ chức kinh tế hợp tác thuê, thuê lại đất, đất mặt nước của hộ gia đình, cá nhân, tổ chức thì được Nhà nước hỗ trợ tiền thuê đất, thuê mặt nước trong nửa thời gian đầu thực hiện dự án, nhưng tối đa không quá 05 năm kể từ khi dự án hoàn thành đi vào hoạt động. Tiền thuê đất, thuê mặt nước được xác định theo giá do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quy định, tính tại thời điểm tổ chức kinh tế hợp tác ký hợp đồng thuê”, cần chú ý làm rõ hơn hai điểm: Nguồn tiền hỗ trợ ở đâu, cơ chế thực hiện như thế nào? và bổ sung quy định phòng ngừa việc lạm dụng để chiếm đoạt tiền hỗ trợ này của các thành viên đơn vị kinh tế hợp tác hoặc nhóm lợi ích trong quá trong triển khai chính sách hỗ trợ.
Liên quan đến quy định về: Góp vốn thành lập và giấy chứng nhận vốn góp; Chuyển nhượng vốn góp của thành viên trong tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; Sổ đăng ký thành viên của tổ chức kinh tế hợp tác có tư cách pháp nhân; Trả lại, thừa kế vốn góp tại Dự thảo đều chưa cập nhật việc góp quyền sử dụng đất và góp vốn bằng quyền sử dụng đất của các thành viên tổ chức kinh tế hợp tác trong trường hợp gắn và không gắn với chuyển dịch sở hữu quyền này. Đồng thời, Dự thảo cũng cần nghiên cứu bổ sung quy định xử lý các tranh chấp về góp và trả lại quyền sử dụng đất do thành viên tổ chức kinh tế hợp tác góp khi tham gia và muốn rút khỏi tổ chức kinh tế hợp tác./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/tintuc/pages/tin-hoat-dong-cua-quoc-hoi.aspx?itemid=73113