TS. Nguyễn Trí Hiếu: Aikido và thiền định giúp tôi bình tĩnh đối phó với nhiều hiểm nguy cuộc đời và giải quyết các xung đột kinh doanh trong ôn hòa
'Đúng là làm việc trong ngành tài chính ngân hàng rất căng thẳng và luôn phải đối diện với sự xung đột giữa các lợi ích. Trong nhiều trường hợp phải tranh luận, đối tác của tôi đã đập bàn đập ghế chửi rủa tôi. Thậm chí trong một lần đi thu hồi nợ cho một ngân hàng tại Mỹ tôi bị đe dọa tính mạng...', TS Nguyễn Trí Hiếu nhớ lại.
Không chỉ được biết đến là một chuyên gia có hàng chục năm kinh nghiệm làm ngành tài chính ngân hàng tại Mỹ, Đức và Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu còn được biết tới là một giáo sư bộ môn Aikido. Gặp ông tại không gian đặc biệt - võ đường Aikido, vị chuyên gia ghi dấu ấn đậm với vóc dáng nhỏ bé nhưng rất nhanh nhẹn, cách nói chuyện nồng nhiệt và rất minh triết. Bằng chính trải nghiệm trong quá trình sống, thực chiến với nghề, ông đã nghiệm ra những bài học sâu sắc, những triết lý thú vị, độc đáo khi kết hợp Aikido và thiền định trong ngành tài chính, ngân hàng.
Trong giới tài chính nhiều người gọi tôi là Tiến sĩ Hiếu. Những người biết tôi trong giới Aikido thì gọi tôi là Thầy Hiếu hay Võ sư Hiếu. Còn ở bên Mỹ thì mọi người thường gọi tôi là Dr. Hieu.
Mọi người luôn nhắc đến ông là một chuyên gia "quốc dân". Ông nghĩ gì về biệt danh này?
Tôi rất hãnh diện nếu được mọi người nhắc đến như một chuyên gia "quốc dân". Điều mà tôi mong mỏi nhất trong cuộc sống là đóng góp cho xã hội. Tôi biết ơn cha mẹ, gia đình và toàn thể xã hội đã ban cho tôi sự sống và dành cho tôi mọi điều kiện thuận lợi từ vật chất đến tinh thần để tôi sống, làm việc và theo đuổi những giấc mơ trong cuộc đời của tôi. Để đáp lại những đặc ơn ấy tôi chỉ muốn đóng góp và cống hiến cho tổ quốc quê hương - nơi mà tôi yêu mến và phục vụ, và gia đình - nơi tôi hết lòng yêu dấu và bảo vệ.
Trong lãnh vực tài chính ngân hàng thì điều mong mỏi của tôi từ nhiều năm nay là đóng góp cho sự phát triển và thịnh vượng của kinh tế Việt Nam.
Ngay từ khi được gia đình cho đi du học vào cuối năm 1966, tôi đã luôn luôn tâm nguyện là một ngày nào đó tôi sẽ trở về phụng sự quê hương. Trong những năm qua tôi đã 3 lần có cơ hội về Việt Nam: lần đầu vào năm 1990 khi tham gia một phái đoàn thương mại về California, Mỹ; lần thứ hai năm 1995 về Việt Nam làm việc với Deutsche Bank; và lần thứ ba năm 2009 khi tôi trở về Việt Nam làm việc cho đến ngày hôm nay.
Đúng là sống tại Mỹ cuộc sống thuận lợi hơn rất nhiều so với cuộc sống ở Việt Nam, nhưng Mỹ không phải là quê hương nơi tôi sinh ra. Tôi về Việt Nam để thực hiện mục tiêu trong cuộc đời là phục vụ quê hương.
Ngành ngân hàng ở đâu, Phương Tây hay Việt Nam, cũng luôn luôn là ngành kinh doanh hấp dẫn. Không thể phủ nhận, ngành ngân hàng có uy tín cao nhất trong các lãnh vực kinh doanh, được coi là huyết mạch của nền kinh tế nên được các quốc gia bảo vệ và kiểm soát chặt chẽ. Bản thân các ngân hàng có chức năng huy động vốn và tạo tiền mà không có một ngành kinh doanh nào khác có được. Nhưng đây cũng là ngành kinh doanh rất rủi ro qua hoạt động cho vay và các dịch vụ liên quan đến tiền bạc.
So sánh với ngành ngân hàng lâu đời tại Phương Tây, ngành ngân hàng tại Việt Nam được xem là còn rất non trẻ. Sau 30 năm đi vào hoạt động, ngành ngân hàng Việt Nam có sự tăng trưởng và phát triển rất tốt, xong vẫn chưa bền vững.
Làm việc trong ngành ngân hàng vì thế cũng gắn với nhiều rủi ro: rủi ro pháp lý vì dễ vi phạm các qui định pháp luật, rủi ro hoạt động vì dễ sơ hở và quyết định sai lầm và rủi ro nghề nghiệp vì dễ bị mất việc khi ngành ngân hàng gặp khó khăn, nhất là trong lúc này ngành ngân hàng đang tiến đến chuyển đổi số, có khả năng thừa lao động trong tương lai.
Làm việc trong ngành ngân hàng thu nhập tương đối cao so với nhiều ngành nghề khác, nhưng không phải cao nhất. Những cán bộ nhân viên làm việc trong khâu cho vay, đầu tư dễ bị cám dỗ bởi những khách hàng muốn mua chuộc họ. Nhiều cán bộ tín dụng đã bị kỷ luật và lãnh án vì đã làm hồ sơ khống và trực tiếp hay gián tiếp tiếp tay cho tội phạm, lừa đảo.
Theo ông, những yếu tố giúp thành công trong kinh doanh tài chính ngân hàng là gì?
Hai tiêu chí quan trọng nhất trong ngành ngân hàng là khả năng chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp. Thiếu một trong hai yếu tố này thì làm việc trong ngành tài chính ngân hàng không thể thành công và phát triển bền vững. Ngoài ra sự nhanh nhạy trong kinh doanh, khả năng thích ứng những điều kiện thị trường và môi trường kinh doanh là những yếu tố quan trọng để đạt thành công trong ngành ngân hàng.
Đâu là tiêu chuẩn cốt lõi ông giữ trong suốt quá trình làm nghề của mình?
Từ ngày làm việc trong ngành ngân hàng tôi theo đuổi những chuẩn mực và giá trị: Tính chuyên nghiệp, Sự liêm chính và minh bạch, Tinh thần trách nhiệm và can đảm đương đầu với thử thách, khó khăn, Sự công bằng và bác ái (sự tôn trọng và lòng thương người) trong mọi hoạt động và công việc. Đó là kim chỉ nam trong mọi hoạt động kinh doanh, đầu tư của tôi.
Aikido không những là môn võ thuật, mà là một môn "võ đạo".
Trên phương diện kỹ thuật, Aikido là bộ môn võ thuật tự vệ, có nghĩa là đây không phải bộ môn võ thuật tấn công, mà là bộ môn bao gồm những đòn thế kiểm soát được những thế tấn công của địch thủ, mà không làm tổn thương đối phương, để tự bảo vệ mình. Các đòn thế chuyển động theo hình vòng tròn của cơ thể lấy trọng tâm của cơ thể làm trục quay.
Về mặt triết lý Aikido là bộ môn tập luyện không những về thể chất, mà đặt trọng tâm vào sự luyện tâm, sử dụng các nguồn năng lực vật lý hữu hình như cơ bắp, khí huyết và năng lượng vô hình như khí công, sự vững mạnh tự tin và sự can đảm để đối phó với mọi tình huống, nhắm vào nguyên tắc cốt lõi là sự bác ái, sự hòa hợp với tha nhân và cả vũ trụ. Vì thế đối với tôi, Aikido là "võ đạo", một con đường sống để tu luyện bản thân và giúp đời hơn là một bộ môn võ thuật.
Aikido giúp tôi duy trì dược sức khỏe rất tốt dù đã cao tuổi. Hơn thế nữa, với Aikido tôi tu luyện thiền định mỗi ngày để tìm được sự cân bằng nội tâm và sự tập trung cao độ.
Tinh túy của môn võ này là gì?
Aikido dịch ra tiếng Việt là Hiệp Khí Đạo, môt môn võ đạo lấy sự hiệp khí, hiệp lực và sự hòa hơp giữa tất cả các lực đối kháng. Hiểu như thế Aikido không phải là môn võ thuật chỉ thể hiện trên sân tập, mà trong đời sống hằng ngày một môn đồ Akido phải thể hiện sự tự tin, điềm tĩnh, cao thượng và bác ái. Cung cách ứng xử của một môn đồ Aikido thể hiện tình thần võ sĩ đạo với sự điềm tĩnh, lịch lãm và giúp mọi người chung quanh khi có thể.
Ông muốn truyền thụ tinh thần gì từ môn võ Aikido đến với mọi người?
Tinh thần của môn võ đạo Aikido là sự dung hòa: không lấy sức mạnh để thắng thế và đàn áp, mà ngược lại dùng sự hòa hợp giữa các đối lực để hóa giải xung đột. Tinh thần này rất phù hợp với truyền thống của người Việt và người Á Đông lấy sự dung hòa, tinh thần thượng võ và bác ái để giải quyết những xung đột cá nhân và xã hội. Một xã hội chỉ có thể phát triển bền vững và ổn định nếu những người trong xã hội đó giải quyết xung đột trong ôn hòa và tôn trọng lẫn nhau.
Tinh thần của môn võ Aikido là một tinh thần lý tưởng "làm chủ võ thuật", là môn võ không có sự đối kháng, người tập luyện tập, rèn luyện với mục đích tự vệ. Vậy tinh thần này có ảnh hưởng hay tác động gì đến phương châm sống và làm việc của ông không?
Tinh thần dung hòa và thượng võ của Aikido đã tác động mạnh mẽ đến cuộc sống và công việc của tôi. Công việc của tôi liên quan đến tài chính và tiền bạc là một lãnh vực luôn có sự xung đột giữa các đối tượng. Với sự áp dụng các nguyên tắc hòa hợp và dung hòa của Aikido tôi tìm cách giải quyết mọi vấn đề, mọi xung đột với một giải pháp có lợi cho tất cả mọi bên, thay vì một giải pháp có lợi cho bên này và bất lợi cho bên kia, hay nói đúng hơn là một giải pháp cực đoan có kẻ thắng người thua. Tinh thần dung hòa này đã tỏ ra rất hiệu quả để giải quyết những xung đột về tài chính.
Trong đời thường, tinh thần Aikido đã đem lại cho tôi lòng bác ái, lòng thương người, nhất là đối với những kẻ yếu thế và thất thể trong xã hội. Trong nhiều trường hợp tôi đã đứng ra bênh đỡ người bị ức hiếp bắt nạt hay tìm cách bảo vệ họ.
Ngành tài chính ngân hàng nổi tiếng về sự căng thẳng, phải chăng việc học võ và thiền sẽ giúp nhân sự đạt được sự tĩnh tâm và cân bằng?
Đúng là làm việc trong ngành tài chính ngân hàng rất căng thẳng và luôn phải đối diện với sự xung đột giữa các lợi ích. Trong nhiều trường hợp phải tranh luận, đối tác của tôi đã đập bàn đập ghế chửi rủa tôi. Thậm chí trong một lần đi thu hồi nợ cho một ngân hàng tại Mỹ tôi bị đe dọa tính mạng. Nhưng trong những tình huống này sự tập luyện Aikido và thiền định đã giúp tôi bình tĩnh đối phó và giải quyết xung đột trong ôn hòa. Trong một vài trường hợp tôi đã may mắn thoát hiểm nhờ sự bình tâm và tập trung này.
Akido có phần nào giúp ông ra quyết định kinh doanh, quản trị nhân sự tốt hơn không?
Trong cuộc đời làm việc, tôi có nhiều kẻ ghét tôi và có nhiều người thương tôi. Nhiều người không thích tôi vì sự thẳng thắn và trực ngôn của tôi. Nhưng nhiều người thương mến tôi vì sự bác ái và nhân đạo của tôi.
Tôi nhớ nhất những lần tôi phải rời một tổ chức để tham gia một tổ chức khác, các cán bộ đã từng làm việc với tôi đều bùi ngùi chia tay và mong tôi có ngày trở lại. Chính sách nhân sự của tôi dựa trên sự công bằng và dân chủ. Tôi rất tôn trọng ý kiến người khác, ngay cả những ý kiến chỉ trích và phản đối tôi. Tôi xem những bất đồng ý kiến, những chỉ trích và phản đối là những cơ hội để tôi kiểm tra lại quyết định kinh doanh và nhân sự của mình, và trong nhiều trường hợp tôi nhận ra tôi đã sai; và đây là cơ hội để tôi nhìn thấy sự khiếm khuyết của bản thân mình và tìm cách chấn chỉnh.
Ông có những lời khuyên gì cho người trẻ khi dấn thân vào mảng tài chính, làm banker?
Ngành tài chính là ngành nhiều thử thách và cám dỗ, nhất là trong xã hội của chúng ta tệ nạn tham nhũng vẫn còn hiện diện. Tuy nhiên, ngành tài chính ngân hàng là lãnh vực kinh doanh hàng đầu trong nền kinh tế. Các bạn trẻ có sở thích làm việc trong lãnh vực này có rất nhiều cơ hội để tìm công việc thích hợp. Nhưng ngành tài chính ngân hàng là ngành nghề có nhiều thử thách và tiềm ẩn nhiều xung đột về lợi ích. Các bạn trẻ nên nghiên cứu tinh hoa võ đạo của Aikido để tự xây dựng cho mình một thang giá trị (Value system) khi đi vào kinh doanh trong ngành tài chính ngân hàng.
Tôi sống xa gia đình. Vợ và các con tôi hiện đang sống tại California, Mỹ. Nhiều bạn trẻ cũng cùng trong hoàn cảnh tương tự, sống xa nhà và phải tự túc và tự lập trong mọi phương diện và đối diện với nhiều áp lực trong cuộc sống. Chính vì thế không ít bạn trẻ đã khó có thể tìm được một cuộc sống thăng bằng, và từ đó tìm đến những cách sống thác loạn như dùng ma túy, kết bạn với những người sống ngoài vòng pháp luật, và trở nên nạn nhân của nghiện ngập và tội phạm. Tôi khuyên các bạn trẻ nên tìm hiểu về Aikido và tham gia tập luyện môn võ đạo này. Tôi bảo đảm với các bạn, chỉ sau một thời gian luyện tập ngắn các bạn sẽ tìm thấy sự thăng bằng nội tâm, sự tự tin, sự tập trung để vượt qua khó khăn và nhất là năng lực thể xác được tăng cường nhanh chóng.
Bài: Trang Đỗ
Ảnh: Duy Anh
Thiết kế: Hùng Nam
Video: Kingpro