TS Nguyễn Tùng Lâm đề xuất giao xét tốt nghiệp THPT cho nhà trường
Trước tình hình dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, chia sẻ với báo Kinh tế & Đô thị, TS Nguyễn Tùng Lâm - Chủ tịch Hội đồng giáo dục trường THPT Đinh Tiên Hoàng đề nghị trả xét tốt nghiệp về cho các trường và đây cũng nên là xu hướng trong tương lai.
Thưa ông, Bộ GD&ĐT đã điều chỉnh khung kế hoạch thời gian năm học 2019 - 2020 lần 2, theo đó, lùi thời gian kết thúc năm học trước ngày 15/7 và thi THPT quốc gia năm 2020 từ ngày 8 - 11/8, như vậy theo ông có hợp lý không?
- Trong tình hình dịch bệnh thế này, Bộ GD&ĐT chủ động lùi lịch kết thúc năm học và lùi thời gian tổ chức Kỳ thi THPT Quốc gia năm 2020 là tốt. Bởi đây là cơ sở để trường học, giáo viên, học sinh biết và có sự chủ động chuẩn bị.
Tuy nhiên, khi thực hiện phương án này, Bộ GD&ĐT cũng phải chỉ đạo ôn tập nội dung, thi cử khác, có trọng tâm để thầy trò tập trung ôn luyện, không như năm ngoái. Bởi đã có biến động rồi, cốt là học sinh học được cái cơ bản nhất, cần thiết nhất, kiến thức có nhiều nguồn. Nên rèn cho học sinh tư duy, phương pháp để vận dụng kiến thức vào cuộc sống là quan trọng.
Nhưng có cái khó hiện nay, đó chỉ là phương án. Nếu trong trường hợp học sinh nghỉ đúng số ngày dự kiến, phương án điều chỉnh của Bộ sẽ diễn ra như vậy. Còn nếu trong trường hợp dịch bùng phát, học sinh lại phải nghỉ học. Như thế, theo tôi cần phải có nhiều kịch bản, với các phương án cho cơ sở giáo dục; không phải học sinh nghỉ 2 tháng thì lùi thời gian kết thúc năm học 2 tháng.
Tôi đặt ra kịch bản xấu hơn, như trả thi xét tốt nghiệp THPT về cho các trường. Nhưng với điều kiện, Bộ GD&ĐT giữ mặt bằng chung; tức là đề thi phải có nghiên cứu và giới hạn.
Có những ý kiến băn khoăn, việc giao xét tốt nghiệp về cho địa phương sẽ không thể khách quan như thi THPT quốc gia. Hơn nữa, nhiều trường Đại học (ĐH) rất tin tưởng lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia làm cơ sở xét tuyển sinh?
- Chúng ta không lo cho các trường ĐH vì họ tự chủ và có cách tuyển sinh được. Họ có thể lấy điểm học tập, xét tốt nghiệp của học sinh hay tổ chức phỏng vấn, thi online.
Chúng ta tập trung lo cho khối THPT có chất lượng, đồng đều, công bằng; chống việc làm tùy tiện, lợi dụng.
Theo tôi, khi giao việc tổ chức xét tốt nghiệp THPT về cho địa phương, hình thức thi có thể linh hoạt khác nhau, không nhất thiết lập những hội đồng lớn. Tôi cũng muốn việc giao xét tốt nghiệp về cho nhà trường là xu hướng lâu dài, không phải tạm trước mắt.
Ở các nước không tổ chức thi THPT quốc gia nhưng lại kiểm tra từng bộ môn rất chặt chẽ, có trung tâm khảo thí, học sinh được quyền thi đi thi lại nhiều lần lấy điểm cao nhất để xét tuyển vào ĐH, không phải ấn định ngày khiến học sinh vất vả.
Phải chăng chúng ta nên có những cách làm khác nhau, Bộ GD&ĐT kiểm soát chất lượng của đề thi và các hình thức thi nghiêm túc, dùng công nghệ giám sát, chấm thi khách quan, công bằng. Nếu làm được như thế sẽ có kết quả rất tốt.
Trong Luật Giáo dục đã nêu rõ về việc tổ chức Kỳ thi THPT quốc gia, giờ lại giao cho các địa phương là trái luật?
- Chúng ta có luật nhưng cũng phải theo thực tế. Trong thời chiến có những năm không thi tốt nghiệp và các trường ĐH được quyền tuyển thẳng học sinh.
Dịch bệnh là trường hợp đặc biệt, bất khả kháng. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã công bố dịch Covid-19 cũng như báo động tình trạng khẩn cấp để huy động nguồn lực. Có thể năm nay xảy ra dịch bệnh nhưng các năm sau thì không. Vì thế, năm nay không tổ chức thi THPT quốc gia mà Bộ GD&ĐT giao cho các trường xét tốt nghiệp THPT. Chúng ta dùng phương án tức thời để tính chuyện lâu dài để triển khai trong những năm sau.
Xin cảm ơn ông!