TS Nguyễn Viết Thịnh: Mục đích chính của việc học không nên vì bằng cấp
TS Nguyễn Viết Thịnh: 'Mục đích chính của việc học không nên vì bằng cấp mà nên vì tích lũy những phẩm chất, năng lực cần thiết mà nghề nghiệp yêu cầu'.
Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã đề ra mục tiêu đến năm 2045, Việt Nam thành nước phát triển, thu nhập cao. Đây cũng là khát vọng của cả dân tộc ta để đất nước bứt phá và mạnh mẽ vươn lên.
Để thực hiện mục tiêu đó, phát triển giáo dục và đào tạo cùng với khoa học công nghệ được xem là quốc sách hàng đầu, cũng là một trong ba khâu đột phá chiến lược trong chiến lược phát triển kinh tế xã hội của đất nước giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Trong cuộc trò chuyện với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh – Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang chia sẻ: “Muốn đưa đất nước phát triển vươn lên, giáo dục phải hướng tới chất lượng, hướng tới tinh thần thực học, thực nghiệp.
Triệt để xóa bỏ tư duy học chỉ để thi
Giáo dục và đào tạo có vai trò cực kỳ quan trọng với sứ mệnh giúp cho từng con người phát triển nhân cách hài hòa, đồng thời giúp đất nước ta phát triển nhanh và bền vững.
Con người từ lúc sinh ra đến khi biết bò, biết đi, biết ăn, biết nói… đã trải qua một quá trình học tập tự nhiên để thích nghi với cuộc sống, bắt đầu từ trong gia đình.
Khi vào tiểu học, trung học rồi sau trung học, người học được thầy cô dạy chữ, dạy kiến thức, dạy làm người, hướng dẫn làm việc... Từ gia đình, trường học và xã hội, phẩm chất và năng lực con người dần được hình thành và phát triển thông qua học tập và trải nghiệm”.
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho rằng, trước đây, trong một thời gian khá dài, không khó để nhận ra rất nhiều học sinh và cả sinh viên chủ yếu học để thi, vô tình đánh mất ý nghĩa thực sự của sự học là nhằm phát triển phẩm chất và năng lực cho chính mình, cụ thể hơn là để hiểu biết, vận dụng vào cuộc sống và để làm việc chuyên nghiệp. Và quan điểm học để thi, học vì điểm số vẫn còn tồn tại đến hôm nay.
Vì vậy trong môi trường học đường, người học cần học những gì cần thiết, căn bản nhất. Quỹ thời gian ở trường có hạn nên cần có sự ưu tiên chọn lọc kiến thức, kỹ năng, thái độ trong học tập và rèn luyện bản thân. Chương trình học của từng bậc học, ngành học, cấp học, lớp học từ đó được hình thành nên từ những người có trách nhiệm…
Kiểm tra, thi cử chỉ là một công cụ để giúp người học, người dạy biết năng lực cụ thể của người học như thế nào qua từng thời điểm, từ đó cần điều chỉnh, nỗ lực ra sao để sự học tốt hơn.
Việc định hướng cho người học sớm hình thành nên ý thức tự giác, chủ động trong việc học, nhận thức rõ học trước hết cho chính mình là hết sức quan trọng và cần thiết, vì nếu chưa đạt được điều này thì người học sẽ có khuynh hướng học đối phó, học để thi như bao nhiêu năm qua.
Nếu học chỉ để thi, để đạt điểm cao, để có thành tích này kia hoặc những mục đích cá nhân khác mà không chú trọng đến phát triển phẩm chất và năng lực thì việc dạy – học không có ý nghĩa gì, chỉ lãng phí công sức, thời gian và tiền bạc của gia đình và xã hội. Sự lãng phí này cũng tương tự như một chiếc xe nổ máy liên tục trong thời gian dài nhưng chỉ đứng yên mà không hề chạy được một quãng đường nào.
Dạy, học và đánh giá cần hướng đến tính hiệu quả, thực chất. Ý thức và khả năng tự học; tính trung thực, tự giác, trách nhiệm; kỹ năng làm việc nhóm; tư duy phản biện, sáng tạo; dạy, học và đánh giá thông qua dự án là những vấn đề cốt lõi cần được ngành giáo dục chú trọng và phát huy.
Học phải đi đôi với hỏi và hành. Thực hành không chỉ trong phòng thí nghiệm, nhà xưởng, trại thực nghiệm mà không gian thực hành cần được mở rộng ra ngoài trường cũng như trong cuộc sống.
Người học cần phải chủ động trải nghiệm thường xuyên trong thực tế cuộc sống và môi trường làm việc tương tự sau này…Thông qua thực hành, người học tự nhận thức rõ hơn về giá trị của kiến thức học được, đồng thời nâng cao những kỹ năng và đức tính cần thiết cho bản thân.
Mặt khác, những câu hỏi nảy sinh từ trải nghiệm thực tiễn cuộc sống cũng sẽ giúp cho người học quan tâm, suy tư, tìm cách giải quyết hoặc nghiên cứu, đào sâu vấn đề để tìm hiểu bản chất của nó, từ đó tư duy phản biện, tư duy sáng tạo sẽ ngày một phát triển hơn.
“Ví dụ như, trước một vấn đề rất lớn mang tính toàn cầu hiện nay là biến đổi khí hậu, người học ở mọi bậc học, cấp học có suy nghĩ và hành động gì? Mỗi ngày khi tham gia giao thông, cả nước có hàng chục vụ tai nạn giao thông dẫn đến hàng chục người chết, bị thương. Người học có suy nghĩ và hành động như thế nào trước vấn nạn này?
Mỗi năm Việt Nam có khoảng 150 ngàn người bị ung thư, người học nghĩ sao? Nhà ai cũng có rác nhưng số gia đình tham gia phân loại rác từ đầu nguồn rất ít dù việc này là hết sức cần thiết. Nguyên nhân là gì? Mỗi ngày trong cuộc sống, có việc mình thích hoặc không thích. Việc không thích mình nên xử sự ra sao cho hợp lẽ sống?
Rất nhiều sự việc, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống thường ngày, nhất là qua thông tin từ truyền hình, mạng xã hội và chúng ít nhiều có liên quan đến từng con người chúng ta. Người học cần biết quan tâm, chủ động chọn lọc thông tin, sự việc để chiêm nghiệm, trải nghiệm, suy xét và sống với nó chứ không nên chỉ tự giới hạn mình trong chương trình học do trường hay ngành giáo dục quy định”, thầy Thịnh phân tích
Học để làm việc, để sáng nghiệp, không phải học vì bằng cấp
Tiến sĩ Nguyễn Viết Thịnh cho biết, bậc học sau trung học, người học thường chọn một ngành nghề để học chuyên sâu, nhằm mưu sinh và góp phần xây dựng xã hội sau này.
Sau khi tốt nghiệp, đa số tìm công việc phù hợp để làm nhưng cũng có một số người chọn lối đi riêng với sở trường, tâm nguyện của bản thân, từ đó tạo ra sự nghiệp riêng làm cho cuộc sống phong phú, nhiều sắc thái và ý nghĩa hơn…
Những kiến thức, kỹ năng và thái độ được người học tích lũy trong quá trình học tập ở trường cũng như tự học được áp dụng cho công việc. Nghề nghiệp cũng thường ít nhiều thay đổi theo yêu cầu của thị trường lao động nên người đã tốt nghiệp một bằng cấp chuyên nghiệp nào đó cũng cần phải linh hoạt trong việc thường xuyên tự học, bao hàm tự rèn những kiến thức, kỹ năng và thái độ mới nhằm thích ứng với bối cảnh mới, yêu cầu mới, đặc biệt tạo ra hay đối mặt với những bước ngoặt trong cuộc đời mình vốn nhiều thi vị nhưng cũng không ít nghịch cảnh.
Bằng cấp suy cho cùng chỉ là thước đo tương đối cho biết năng lực của người học sau khi tốt nghiệp một ngành nghề cụ thể. Nhiều người không có bằng cấp chuyên môn nhưng trải qua tự học vẫn có năng lực và phẩm chất tương ứng tốt nên thành công thực sự trong công việc cũng như cuộc sống.
Vì vậy mục đích chính của việc học không nên vì bằng cấp mà nên vì mong muốn tích lũy được những phẩm chất và năng lực cần thiết mà nghề nghiệp yêu cầu, để ra trường làm việc tốt hoặc sáng nghiệp thành công.
“Thí dụ, một nghiên cứu sinh vừa bảo vệ thành công luận án tiến sĩ được xem như chính thức trở thành một nhà nghiên cứu chuyên nghiệp. Công việc tiếp theo của một tân tiến sĩ phải là bắt đầu với sự nghiệp nghiên cứu của mình, có thể tiếp tục nghiên cứu sâu rộng hơn theo hướng đề tài tiến sĩ của bản thân hoặc chuyển sang một hướng nghiên cứu khác phù hợp. Một tiến sĩ mà dừng sự nghiệp nghiên cứu thì rất tiếc cho bản thân tiến sĩ đó. Điều này cũng thật đáng tiếc cho xã hội vì chất xám bị lãng phí”, Chủ tịch Hội đồng trường, Trường Đại học Tiền Giang nêu quan điểm.
Tiến sĩ Thịnh cho rằng, nghề nghiệp trong xã hội cũng cần được hiểu rộng hơn, không nhất thiết phải qua trường lớp, qua đào tạo thì nghề nghiệp đó mới được công nhận, người có nghề đó mới được xem là chuyên nghiệp. Cuộc sống vốn phong phú, đa dạng, nghề nghiệp cũng vậy, nhất là trong bối cảnh khoa học công nghệ, kinh tế, xã hội phát triển mạnh và biến đổi khí hậu như giai đoạn hiện nay…
Thí dụ, biến đổi khí hậu làm cho thế giới phải giảm dần năng lượng hóa thạch, tăng nhanh nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm dần nồng độ khí cacbonic trong khí quyển. Từ đó nhiều ngành nghề mới sẽ được sinh ra xung quanh vấn đề tích trữ năng lượng; khai thác và sử dụng năng lượng hydro; nghiên cứu tìm nguồn năng lượng tái tạo mới hiệu quả như năng lượng hải lưu,…
Xã hội, nhà trường, gia đình và người học cần cùng nhau xây dựng và phát triển một nền giáo dục mở, tiên tiến với phương châm “thực học, thực hành, thực nghiệp”. Thiết nghĩ thực hiện được kỳ vọng này không chỉ là trách nhiệm của riêng ngành giáo dục mà còn là trách nhiệm của các cấp các ngành có liên quan khác.
Làm tốt công tác giáo dục sẽ giúp đất nước chúng ta có nền tảng vững vàng để phát triển kinh tế, xã hội, thực hiện mục tiêu trở thành nước phát triển trong tương lai.