TS Phạm Như Nghệ: Thông tin 'Việt Nam thừa thầy thiếu thợ ' là không chính xác
Đó là nhận định của TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, trong chương trình bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp cho giáo viên do Báo Người Lao Động phối hợp với các chuyên gia giáo dục tổ chức chiều 19-3 ở Quảng Trị
Buổi bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng hướng nghiệp nằm trong khuôn khổ chương trình "Đưa trường học đến thí sinh" năm 2023 tại Quảng Trị, với sự tham dự của hơn 200 giáo viên THPT trên địa bàn.
Tại chương trình, ông Mai Huy Phương, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị, cho biết hướng nghiệp trong giáo dục là hệ thống các biện pháp tiến hành trong và ngoài cơ sở giáo dục để giúp học sinh có kiến thức về nghề nghiệp, khả năng lựa chọn nghề nghiệp trên cơ sở kết hợp nguyện vọng, sở trường cá nhân với nhu cầu sử dụng lao động của xã hội. Phân luồng trong giáo dục là biện pháp tổ chức hoạt động giáo dục trên cơ sở thực hiện hướng nghiệp trong giáo dục, tạo điều kiện để học sinh tốt nghiệp THCS, THPT tiếp tục học ở cấp học, trình độ cao hơn hoặc theo học giáo dục nghề nghiệp hay tham gia lao động phù hợp với năng lực, điều kiện cụ thể của cá nhân và nhu cầu xã hội, góp phần điều tiết cơ cấu ngành nghề của lực lượng lao động phù hợp với yêu cầu phát triển của đất nước.
Theo ông Phương, hiện nay, trong chương trình giáo dục trung học, công tác hướng nghiệp được thực hiện thông qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp (chương trình Giáo dục phổ thông 2006) và hoạt động trải nghiệm hướng nghiệp (Chương trình 2018) đã được thực hiện, đa phần phụ huynh và học sinh có sự đầu tư nhất định cho việc tìm hiểu và định hướng chọn nghề.
Tuy nhiên, ở khía cạnh chung, công tác hướng nghiệp hiện nay trong học sinh chủ yếu còn ở phần ngọn, chưa sâu rộng và đồng bộ. Thậm chí, có địa phương học sinh không chú trọng đến hướng nghiệp chọn nghề mà chỉ cốt đậu ĐH. Chính vì vậy, các em rất dễ chọn sai và hệ lụy là bị đào thải, khó tìm được việc làm sau khi ra trường.
Ông Phương nhìn nhận chất lượng giáo dục hướng nghiệp hiện nay không được như mong muốn bởi đội ngũ giáo viên phần lớn là kiêm nhiệm. Dù cố gắng thế nào, họ cũng không thể bằng các chuyên gia đến từ các trường ĐH, những người có bề dày kinh nghiệm… Trong mùa thi này, những kiến thức mới được cập nhật từ các trường ĐH sẽ tạo điều kiện để giáo viên tư vấn lại cho học sinh trước ngưỡng cửa quan trọng. Làm thế nào để chọn được ngành nghề phù hợp, phát huy giá trị tài năng, thỏa mãn đam mê và đáp ứng nhu cầu thị trường lao động là điều mà hầu hết học sinh quan tâm. Thực chất, việc chọn nghề nghiệp và ngành học rất quan trọng, nó góp phần lớn quyết định sự thành bại của mỗi cá nhân...
Phó GĐ Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Trị nhấn mạnh hướng nghiệp không đơn thuần là hoạt động tư vấn thông tin về ngành nghề các trường ĐH tuyển sinh, mà cần phải giáo dục, định hướng hướng nghiệp học sinh thông qua mọi hoạt động của nhà trường. Không chỉ bằng những hoạt động học tập mà ngay cả những hoạt động sự kiện được tổ chức tại trường cũng giúp học sinh tìm được đam mê, nhận ra thế mạnh của mình để điều chỉnh, lựa chọn ngành nghề phù hợp.
Theo TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ GD-ĐT, những khó khăn trong công tác hướng nghiệp hiện nay không hề nhỏ. Ông phân tích: Thời gian dành cho hướng nghiệp ở trường phổ thông không nhiều. Chế độ, chính sách dành cho giáo viên hướng nghiệp cũng không nhiều. Trong khi đó, đào tạo giáo viên chỉ để dạy hướng nghiệp hơi khó, nên cần làm sao để dù không được đào tạo nhưng giáo viên vẫn làm tốt công tác hướng nghiệp.
Bộ GD-ĐT cảm ơn Báo Người Lao Động trong nhiều năm luôn đồng hành với các trường ĐH, trường phổ thông; thể hiện trách nhiệm xã hội rất cao.
Các thầy, cô muốn làm hướng nghiệp tốt thì cần phân biệt nghề xã hội và ngành đào tạo khác nhau. Chẳng hạn, nghề giáo viên nhưng không nhất thiết phải học sư phạm ra mới làm được. Ngành đào tạo được Bộ GD-ĐT quy định rất chặt chẽ. Giáo viên có nhiệm vụ giúp học sinh lựa chọn ngành học phù hợp nhất với năng lực, sở trường và điều kiện của các em.
"Nhiều học sinh hỏi rằng có nhất thiết phải học ĐH không? Nhiệm vụ của chúng ta là phân tích cho các em học hay không học ĐH có những ưu và nhược điểm gì? Tuy nhiên, có một thực tế rằng, những người không có bằng cấp thì rất khó có mức lương cao. Bậc lương nhà nước quy định những ai tốt nghiệp ĐH có mức lương thế nào, CĐ mức lương ra sao…" - ông Nghệ dẫn chứng.
Học sinh nào có điều kiện thì học ĐH, CĐ, cũng có thể học trong nước hoặc nước ngoài. Thật ra, không phải học sinh nào học ở nước ngoài về Việt Nam đều thành công. Dù điều kiện ở nước ngoài có nhiều nơi tốt hơn Việt Nam nhưng không phải cứ ra nước ngoài học thì đều thành công ở Việt Nam. Tỉ lệ học sinh Việt Nam học ở nước ngoài cao nhưng tỉ lệ hoàn thành chương trình học không nhiều… Giáo viên có nhiệm vụ thông tin cho học sinh những điều đó, ưu điểm và nhược điểm; lựa chọn làm sao để phù hợp với điều kiện của các em.
TS Phạm Như Nghệ cho rằng thông tin Việt Nam "thừa thầy thiếu thợ" là không chính xác. Việt Nam thiếu cả thầy lẫn thợ. Số người trong độ tuổi đi học ĐH của nước ta thuộc nhóm những nước thấp nhất thế giới, chỉ khoảng 28%; chỉ khoảng 200 sinh viên/vạn dân. Thầy cô cần tư vấn cho học sinh rằng Việt Nam cần cả nguồn nhân lực trình độ cao và trình độ phổ thông; cần cung cấp, giải thích cho các em những thông tin cần thiết. Hiện nay, số trường ĐH rất nhiều, quy mô đào tạo từng trường cũng rất nhiều. Giáo viên muốn tư vấn thì cũng phải tìm hiểu những thông tin đó.
Theo TS Trần Đình Lý, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Nông Lâm TP HCM, công tác hướng nghiệp phải đi trước, xuyên suốt, lâu dài từ bậc THCS, chứ không phải từ khối THPT.
TS Trần Đình Lý cho hay hiện nay có tình trạng "ai cũng có thể hướng nghiệp". Trong đó, có những kênh thông tin không chính thống, đưa ra thông tin không chính xác, gây ra sự hoang mang, cú sốc lớn cho học sinh, giáo viên. "Chẳng hạn, gần đây lan truyền thông tin những ngành học "vô dụng" nhất" - TS Trần Đình Lý ví dụ.
Đưa ra bộ công cụ trắc nghiệm - định hướng nghề nghiệp, TS Trần Đình Lý cho rằng đã có những hướng dẫn để giáo viên hướng dẫn lại cho học sinh.