TS. Phạm Xuân Hòe: Thị trường cho thuê tài chính còn nhiều tiềm năng để phát triển
Thị trường cho thuê tài chính còn nhiều tiềm năng phát triển vì tăng trưởng GDP của Việt Nam thuộc top đầu thế giới. Điều này kéo theo nhu cầu về thuê tài sản rất lớn, nhất là khi cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp, hơn 5 triệu hộ kinh doanh.
Chưa có nhiều ý tưởng mới được phát triển trên thị trường
Tại hội thảo hệ sinh thái số và phát triển bền vững ngành cho thuê tài chính tại Việt Nam tổ chức ngày 10/5, ông Nguyễn Thiều Sơn, Chủ tịch Hiệp hội cho thuê tài chính Việt Nam, cho biết sau 26 năm xuất hiện tại Việt Nam, đến nay thuê tài chính đã trở nên phổ biến với các đặc điểm tiện ích như không cần thế chấp tài sản bảo đảm, tỉ lệ tài trợ cao, đa dạng sản phẩm tài trợ…
Hình thức này phù hợp với khách hàng doanh nghiệp cần nguồn vốn để tập trung vào sản xuất. Thông qua thuê tài chính, doanh nghiệp có thể nhanh chóng đưa máy móc, trang - thiết bị vào vận hành, đáp ứng kịp thời các đơn đặt hàng gấp với số lượng lớn mà chi phí bỏ ra không quá nhiều.
Ông Nguyễn Thiều Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam. Nguồn: Vietnambiz
Tuy nhiên, thị trường cho thuê tài chính vẫn phát triển mức khiêm tốn. Tính đến hết năm 2023, tổng dư nợ cho thuê tài chính đạt khoản 45.000-46.000 nghìn tỷ đồng, chiếm 0,34% tổng dư nợ tính. Số lượng sử dụng chỉ 15.000 khách hàng trong tổng số 800.000 doanh nghiệp đang hoạt động, chiếm 1,5%.
“Do phát triển khiêm tốn, các sản phẩm cho thuê tài chính rất truyền thống phần lớn giống như vay tín dụng. Trong khi các sản phẩm mới, ý tưởng mới chưa được phát triển nhiều trên các thị trường”, ông Sơn trăn trở.
Nói về nguyên nhân, ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam, cho rằng thách thức lớn của cho thuê tài chính là pháp lý, rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành.
Rủi ro cố hữu từ sự điều chỉnh chính sách của nền kinh tế đang chuyển đổi (mất đi tính ổn định từ cam kết chính sách) gây ra bất thường cho môi trường kinh doanh. Ngoài ra, khung khổ pháp lý đối với hoạt động này được gộp chung với ngân hàng thương mại (NHTM) nên bị bó hẹp rất nhiều về đối tượng khách hàng và tài sản cho thuê,.
“Rủi ro “mắc kẹt” gia tăng đối với loại tài sản, thiết bị mà cho thuê tài chính đang sở hữu và cho thuê do sự thay đổi nhanh chóng của công nghệ và rủi ro tín dụng cao do năng lực kinh doanh và quản trị của khách hàng nhiều hạn chế”, ông Hòe nêu rõ.
Những tiềm năng để phát triển
Theo ông Hòe, thị trường cho thuê tài chính tại Việt Nam vẫn còn nhiều tiềm năng phát triển vì tăng trưởng GDP của nước ta thuộc top đầu trên thế giới. Điều này kéo theo nhu cầu về thuê tài sản rất lớn, nhất là khi cả nước có gần 1 triệu doanh nghiệp và hơn 5 triệu hộ kinh doanh, hơn 29.000 hợp tác xã, hơn 123.000 tổ hợp tác và 125 liên hiệp hợp tác xã, gần 20.000 hộ trang trại nông nghiệp.
Đặc biệt, chuyển đổi số và năng lượng, phát triển kinh tế số, xanh, kinh tế tuần hoàn tạo cầu lớn về tín dụng trung dài hạn, nhất là cho thuê tài chính, trong khi giới hạn về tỷ lệ vốn ngắn hạn sang cho vay trung dài hạn của NHTM kéo về 30% mở ra cơ hội để cho thuê tài sản phát triển.
Ông Phạm Xuân Hòe, Tổng thư ký Hiệp hội Cho thuê tài chính Việt Nam.
Để giúp hoạt động cho thuê tài chính tăng trưởng cả về chiều rộng và chiều sâu, ông Hòe đề nghị NHNN sớm có hội nghị thảo luận sâu về thông tư hướng dẫn, tạo sự khác biệt rõ ràng về với hoạt động NHTM khi Luật Tổ chức tín dụng 2024 sắp có hiệu lực 1/7.
Đối với các doanh nghiệp cho thuê tài chính cần tập trung nguồn lực trí tuệ để cùng Hiệp hội góp ý hoàn thiện chính sách và nâng quy mô tài sản và dư nợ thông qua phát hành trái phiếu doanh nghiệp, phát triển sản phẩm cho thuê mới, tệp khách hàng mới, từng bước phát triển cho thuê vận hành.
Cùng với đó là phát triển hoạt động nhận ủy thác cho thuê thí điểm liên kết cho thuê tài sản tiêu dùng vào các khu đô thị và xây dựng chiến lược và có lộ trình triển khai thực hiện quản trị phát triển bền vững.