TS.Thái Kim Lan nói về dạy con theo tinh thần đạo Phật
Dạy con là cả một hành trình, mỗi gia đình có cách dạy dỗ con theo cách khác nhau. Hướng đến giáo dục bất bạo động, lên án những hành vi dùng đòn roi là phương pháp được nhiều phụ huynh hướng tới.
Tuy nhiên, hiện nay cũng có một số ý kiến cho rằng, xưa nhờ đòn roi dữ dội mà họ trưởng thành, nên đánh đòn con trẻ là “thương cho roi cho vọt”. Xung quanh vấn đề này, Tiến sĩ Thái Kim Lan, một trí thức Phật tử đang giảng dạy Triết học tại Đức, đã dành cho Giác Ngộ một vài chia sẻ:
- Trước hết, cần phân biệt giáo dục trẻ con bằng roi vọt - hay gọi là giáo dục bạo động, và giáo dục nghiêm huấn - hay giáo dục kỷ luật. Tôi quan niệm rằng, giáo dục bạo động gây tổn thương về tâm lý cũng như thể xác, sức khỏe của trẻ em; phương pháp giáo dục theo cách đánh đập ảnh hưởng đến tâm lý và cuộc sống các em về sau, tôi nghĩ ít có trường hợp bị “đòn roi dữ dội” mà nên người, trừ những trường hợp đặc biệt.
TS.Triết học Thái Kim Lan
Giáo dục roi vọt là giáo dục dựa trên sự đe dọa và sợ hãi, không bao giờ có được kết quả tốt về cân bằng thân tâm của đứa trẻ, dù cho có trường hợp “nên người” nhưng câu hỏi là nên người gì, phải chăng có tài trong xã hội mà mang khuyết tật trong tâm hồn?
Cũng nên hiểu lại câu “thương cho roi cho vọt”, nếu hiểu roi vọt là sự nghiêm khắc, sự kỷ luật, không phải là bạo động, hành xác, thì một phương pháp giáo dục nghiêm khắc và kỷ luật có thể được ứng dụng. Tuy nhiên điều kiện trước tiên, có thể nói cho tất cả mọi phương pháp giáo dục vẫn là tình thương, là điều kiện nền cho mọi phương pháp giáo dục. Cần cho đứa trẻ biết rằng mọi nghiêm khắc, mọi kỷ luật mà cha mẹ áp dụng với con, đều dựa trên sự thương yêu của cha mẹ đối với con, muốn con được uốn nắn nên người tốt. Làm rõ tình thương ngay trong lời nói, trong hành động để đứa trẻ biết nó đang sống trong tình thương và sự đùm bọc của cha mẹ, thì sự giáo huấn mới có kết quả tốt cho thân tâm đứa trẻ.
Dùng đứa con để trút giận, sai lầm không thể biện minh
* Trong phỏng vấn ngẫu nhiên của phóng viên báo Giác Ngộ, em D.Q (12 tuổi) chia sẻ, sợ nhất là lúc bị cha mẹ đánh đòn. Em biết, do cha mẹ bị stress bởi công việc, bản thân quá mệt mỏi, nên chỉ cần em làm gì đó sai chút xíu là cha mẹ có cớ trút hết vào em. Là một người mẹ, chị nhìn nhận việc này thế nào?
- Dĩ nhiên, có đứa trẻ nào không sợ bị đánh đập? Cả người lớn cũng sợ bị đánh đập, mà sợ còn nhiều hơn nữa là. Con người bẩm sinh cũng dễ bạo động, nhất là khi không được vừa ý. Cha mẹ bạo động, đánh đập con cái vì thấy con cái không theo ý mình, khi chúng làm điều xấu xa (theo cái nhìn của cha mẹ). Phương pháp giáo dục quyền uy, đánh đập thường dựa trên nguyên tắc gây sợ hãi, áp lực lên con cái để con cái vâng lời. Phương pháp ấy thật ra tai hại cho cả hai: người giáo dục và kẻ được giáo dục.
Người giáo dục có tính bạo hành, ưa thích hành hạ kẻ khác, thì sự đánh đập con cái không những gây tổn thương cho con, mà cả cho cha mẹ khi lỡ tay gây thương tích nặng cho chúng. Cha mẹ nên nhớ, khi đánh con là cũng tự đánh mình, và không có lý do nào biện minh cho hành động ấy, ngoài lý do ích kỷ là vì mình bị xã hội gây áp lực (stress, không tự kiểm soát). Những lý do này càng cho thấy rõ sự vô trách nhiệm dùng con để trút giận, giải tỏa ức chế xã hội. Đứa con nào có tội tình gì trong những trường hợp ấy?
* Thưa chị, vậy thì cách nào để Phật tử là những người làm cha mẹ kiểm soát được bản thân trước khi sai lầm diễn ra?
- Tôi nghĩ, trong những trường hợp đứa trẻ phạm sai lầm, thay vì trách phạt con bằng roi vọt, cha mẹ có thể kiềm chế cơn giận dữ bằng cách cùng với con nói chuyện, phân tích nguyên nhân của những sai lầm, làm cho con thấy được sự sai quấy và biết hối lỗi. Nếu trong trường hợp con cứng đầu không nghe lời và tiếp tục làm sai, có thể trách phạt con cái bằng nhiều kỷ luật mà trong gia đình đặt ra cho nhau. Trong mọi trường hợp, nếu không kiềm chế được giận dữ, cha mẹ có thể nhắc nhở con bằng cách đánh đòn, nhưng phải cho con biết lý do tại sao, đồng thời cho con biết rằng vì thương con, muốn con nên người nên phải nghiêm khắc nếu con phạm sai lầm. Đòn roi là để nhắc nhở, nên không được đánh con nhằm những nơi nguy hiểm.
Là người theo đạo Phật, sự thực hành kiểm soát tham sân si và nhất là kiểm soát hành vi của mình, thực hiện tâm từ bi, chỉ có ý nghĩa nhất chính là lúc giận dữ, khó kiềm chế. Hàng ngày cùng con niệm Phật, cầu an lành cho con cái, cha mẹ, anh em và thân bằng quyến thuộc là một phương pháp trải rộng tình thương. Từ tình thương, ta tự kiểm soát được hành vi của mình lúc giận dữ. Nếu có xảy ra chuyện không kiềm chế được, thì chính cha mẹ và con cái nên cùng nhau sám hối và phân tích lỗi lầm.
Dạy con bằng trí tuệ và tình yêu thương
* Theo chị, người Phật tử trẻ nên dạy con như thế nào để đứa trẻ sửa được cái sai, trưởng thành mỗi ngày nhưng không bị tổn thương bởi sự dạy dỗ ấy?
- Đạo Phật lấy từ bi làm gốc cho hành động của con người đối với đồng loại và tất cả chúng sinh, cũng chính là nền tảng tình thương nói trên. Chính khi cha mẹ thực hiện từ bi trong việc giáo dục con cái, cũng là lúc cha mẹ tạo nghiệp lành cho con và cả cho mình. Phương pháp tu dựa vào Bát Chánh đạo cũng chính là những nguyên tắc của phương pháp giáo dục bất bạo động: như mẹ hiền yêu thương con một - muốn hy sinh bảo vệ cho con - với muôn loài ân cần không khác - lòng ái từ như bể như non…
Hơn ai hết, cha mẹ là người thấu hiểu tính tình, cũng như ưu và khuyết điểm của đứa con từ lúc sinh ra, cho nên chọn lựa phương thức giáo dục dựa trên tình thương cũng sẽ tùy đó mà áp dụng phương tiện, từ nghiêm nhặt tập luyện cho con có kỷ luật hay nới lỏng cho con được tự do thực hiện ước muốn của chúng. Với “hiểu con muốn gì và thương con vô bờ bến”, phương pháp giáo dục của Đức Phật khơi dậy tính lành đã có sẵn của đứa trẻ, để chính nó cũng thực hiện việc lành trong suốt thời kỳ còn nương tựa cha mẹ.
“Hiểu và thương” còn có nghĩa hiểu sự yếu đuối, khuyết điểm của đứa trẻ và thương sự yếu đuối ấy, từ đó tìm ra phương cách dìu dắt dứa trẻ, tăng cường ý chí trở nên mạnh mẽ, khắc phục yếu đuối và khuyết điểm. Giáo dục là một quá trình cải thiện và dìu dắt trưởng thành. Quá trình này là con đường giáo dục bằng trí tuệ và tính mẫn cảm, trong đó vai trò của trí tuệ chính là hướng dẫn bằng chỉ dẫn, lý luận, quan sát hành động của mình trong tương quan trách nhiệm đối với chính mình và người khác, làm cho đứa bé cũng “hiểu” được tại sao cha mẹ nghiêm khắc hay kỷ luật đối với mình. Từ sự hiểu và thông cảm ấy, chính đứa trẻ phát triển thêm tình thương đã bẩm sinh đối với cha mẹ.
* Xin chân thành cảm ơn những chia sẻ của chị!
* Trong trường hợp đặc biệt hơn, trên bình diện là nhà chùa, theo chị, các vị trụ trì khi nhận đệ tử - nuôi dạy các chú tiểu, nhận nuôi trẻ mồ côi..., cần dung nạp kỹ năng gì, học khóa học gì để làm tốt vai trò của một người thầy, vừa là “cha”, vừa là “mẹ”?
- Chỉ cần học lời dạy của Đức Phật thật đúng đắn, có nghĩa kiểm soát thân tâm quân bình, nhìn “đứa con” như là “con một”, như là chúng sinh yếu ớt cần hướng dẫn bằng tâm từ bi. Không học đủ lời của Phật thì nhân quả hiện tiền. Lời dạy của Phật thật đủ hơn tất cả những kỹ năng, khóa học gì, bởi trong lời dạy của Phật, chính là dung nạp kỹ năng, những bước đi trong đạo lành, chính là khóa học thực nghiệm nhất.
Hạnh Ý thực hiện
Nguồn Giác ngộ: https://giacngo.vn//vanhoa/2020/07/10/3e40d0/