TS Trần Hải Linh: Kết nối Việt-Hàn và tầm nhìn chiến lược cho phát triển Hà Nội

Nhân dịp kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2024) , chúng tôi có cơ hội gặp gỡ và phỏng vấn Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA). TS Trần Hải Linh không chỉ là người có tầm nhìn chiến lược về kinh tế, mà còn là một 'cây cầu' quan trọng kết nối các địa phương của Việt Nam với Hàn Quốc.

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA).

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA).

Trong cuộc trò chuyện, TS Trần Hải Linh chia sẻ về những thay đổi của Hà Nội trong những năm gần đây, các chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch của thành phố. TS Trần Hải Linh tin tưởng Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư và du khách quốc tế.

Những chương trình và dự án tại Hà Nội và Việt Nam

Phóng viên: Ông có thể giới thiệu những chương trình và dự án mà ông thực hiện tại Hà Nội và Việt Nam trong thời gian qua? Những dự án này có ảnh hưởng và kết quả như thế nào đối với cộng đồng?

TS Trần Hải Linh: Gần đây nhất là trong những ngày vừa qua, Hiệp hội Doanh nhân & Đầu tư Việt Nam – Hàn Quốc (VKBIA) đã phát động và thực hiện chương trình: “Nghĩa Đồng Bào – Tình Việt Hàn” để cùng chung tay chia sẻ với bà con bị ảnh hưởng của bão, lũ lụt.

Cùng với đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp Việt - Hàn gặp gỡ, trao đổi thông tin, tìm kiếm đối tác, ký kết hợp đồng, chúng tôi vừa thực hiện Hội nghị kết nối giao thương xuất khẩu hàng hóa khu vực Tây Nguyên và khu vực Nam Trung Bộ với doanh nghiệp Hàn Quốc, phối hợp Ủy ban Nhân dân tỉnh Ninh Thuận, Ủy ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng và các cơ quan chức năng có liên quan.

Chúng tôi đang chọn những thời điểm thuận lợi để thực hiện chương trình tại các địa phương phía bắc, trong đó có Hà Nội, để tiếp tục phối hợp và hỗ trợ xúc tiến đầu tư, thúc đẩy giao thương và hợp tác mạnh mẽ về kinh tế, thương mại giữa Hà Nội nói riêng và các tỉnh phía bắc với Hàn Quốc, nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và thu hút các nhà đầu tư mới, nhà đầu tư chiến lược trong các lĩnh vực mà Luật Thủ đô sửa đổi 2024 đã đề cập.

Hà Nội có nhiều công trình khẳng định sự phát triển kinh tế. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Hà Nội có nhiều công trình khẳng định sự phát triển kinh tế. (Ảnh: THÀNH ĐẠT)

Sự thay đổi của kinh tế Hà Nội

Phóng viên: Ông đánh giá như thế nào về sự thay đổi của kinh tế Hà Nội trong những năm gần đây? Có những điểm nổi bật nào mà ông cho là đáng chú ý nhất?

TS Trần Hải Linh: Hơn 16 năm trôi qua, kể từ ngày thủ đô Hà Nội mở rộng địa giới hành chính theo Nghị quyết số 15/2008/NQ-QH12 của Quốc hội khóa XII (1/8/2008 - 1/8/2023), Thăng Long - Hà Nội – thủ đô nghìn năm văn hiến đã “thay da đổi thịt” rõ nét. Hà Nội đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt kinh tế của Thủ đô đã có sự thay đổi cả về chất và lượng.

Mặc dù Hà Nội chỉ chiếm 21,2% diện tích của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và 1% diện tích của cả nước, thành phố Hà Nội đã đóng góp tới 47,46% GRDP của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và 12,59% của cả nước, 52,48% và 17,07% thu ngân sách nhà nước, 14,19% và 4,61% kim ngạch xuất khẩu của vùng Kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước. Đặc biệt, sau dịch bệnh Covid-19, kinh tế thủ đô đã phục hồi và phát triển nhanh.

Năm 2022, GRDP trên địa bàn Hà Nội đã tăng 8,89% so với năm 2021, hoàn thành toàn diện 22/22 chỉ tiêu kinh tế-xã hội, với 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch. Năm 2023, kinh tế Hà Nội duy trì mức tăng trưởng khá, ước tính tăng 6,27% so với năm trước; GRDP bình quân đầu người ước đạt 151,1 triệu đồng, tăng 6,5% so với năm 2022, cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn thành phố ước đạt 400,4 nghìn tỷ đồng, đạt 113,5% dự toán, tăng 20% so với thực hiện năm 2022. Bên cạnh đó, Hà Nội đã ban hành và thực hiện các kế hoạch hàng năm về cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, phát triển doanh nghiệp, xúc tiến đầu tư...

Niềm tin của các nhà đầu tư trong và ngoài nước ngày càng được nâng cao. Thu hút đầu tư nước ngoài cũng đạt kết quả khá nổi bật, thu hút FDI của thành phố đạt gần 2,9 tỷ đôla năm 2023, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện; số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng 6,3% so với năm trước.

Tuy nhiên, hiện Hà Nội đứng trước nhiều thách thức mới, cần sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt để đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh, bền vững.

Phóng viên: Là người hay có dịp về thăm Hà Nội, ông cảm nhận thế nào về sự thay đổi của thành phố? Đặc biệt, ông có những kỷ niệm hoặc ấn tượng nào về Hà Nội?

TS Trần Hải Linh: Sau 16 năm thực hiện điều chỉnh địa giới hành chính, vóc dáng, diện mạo Thủ đô Hà Nội ngày càng khang trang, hiện đại và to đẹp hơn. Hà Nội đã phát triển nhiều dự án khu đô thị mới hiện đại; đã và đang hình thành tạo nên không gian đô thị, diện mạo mới cho Thủ đô.

Nhiều tuyến đường vành đai, trục hướng tâm, cầu được đầu tư, từng bước hình thành hệ thống giao thông đồng bộ. Nhiều công trình quan trọng đã hoàn thành, đưa vào khai thác hoặc khởi công như Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội; đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông; đường Vành đai 2 trên cao; cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2, các đường cao tốc kết nối Hà Nội với các khu vực lân cận và liên vùng…, góp phần tạo động lực và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và phát triển Thủ đô.

Những tuyến đường cao tốc đã giúp kết nối Thủ đô với hơn 10 tỉnh phía Bắc, ví dụ: đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai bao gồm 13 trạm thu phí và 5 trạm dừng nghỉ, trải dài qua 5 tỉnh, thành phố từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái đến Lào Cai. Tôi đã đi qua tuyến đường này và nhận thấy nhiều thuận tiện và có cảnh quan đẹp hai bên đường. Mỗi khi có dịp về Hà Nội, tôi thường dành thời gian đi vòng quanh hồ Hoàn Kiếm hay khu Hoàng thành Thăng Long. Mỗi lần, tôi đều cảm nhận rõ Hà Nội ngày càng phát triển, song vẫn giữ được những bản sắc đặc trưng, riêng biệt.

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA).

Tiến sĩ Trần Hải Linh, Ủy viên Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân và Đầu tư Việt Nam - Hàn Quốc (VKBIA).

Chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch của Hà Nội

Phóng viên: Theo ông, chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch của Hà Nội hiện nay ra sao? Ông có những gợi ý hay đề xuất gì để Hà Nội có thể nâng cao hiệu quả trong hai lĩnh vực này?

TS Trần Hải Linh: Năm 2023, thu hút vốn đầu tư nước ngoài của Hà Nội luôn đứng trong top đầu cả nước. Kết quả này chứng minh rằng Hà Nội đã chủ động tổ chức khảo sát, nắm bắt, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc và đề xuất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, tập trung giải quyết và đề xuất cơ quan có thẩm quyền giải quyết ngay các kiến nghị liên quan. Đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế ở Hà Nội đã đạt được những kết quả tích cực, tạo đà cho Thủ đô phát triển.

Để thu hút các nhà đầu tư lớn, cần có những cơ chế đặc thù mới. Một số vấn đề liên quan đến chính sách thu hút đầu tư và phát triển du lịch đã được đề cập trong Luật Thủ đô (sửa đổi), được Quốc hội khóa XV, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 28/6/2024. Luật quy định nhiều cơ chế, chính sách đặc thù để Hà Nội có thể phát triển đột phá, tạo động lực dẫn dắt cả vùng và cả nước, trong đó thể hiện sự phân cấp, phân quyền mạnh mẽ cho chính quyền thành phố Hà Nội.

Thời gian tới, Hà Nội cần có những chiến lược phát triển dài hạn và bền vững. Việc đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, đồng bộ hóa hệ thống hạ tầng và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh là những yếu tố then chốt. Đồng thời, Hà Nội cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp phát triển, và khuyến khích đổi mới sáng tạo trong mọi lĩnh vực.

Trong lĩnh vực du lịch, việc phát triển các sản phẩm du lịch chất lượng cao, đa dạng hóa loại hình du lịch, nâng cấp cơ sở hạ tầng du lịch là cần thiết. Hà Nội cần xây dựng các khu du lịch phức hợp, phát triển du lịch sinh thái, du lịch văn hóa, và du lịch sự kiện để thu hút du khách. Đồng thời, cần chú trọng đến việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, lịch sử của Thủ đô, biến những di sản này thành những điểm đến hấp dẫn và độc đáo trên bản đồ du lịch thế giới.

Những giải pháp đồng bộ và toàn diện này sẽ giúp Hà Nội không chỉ duy trì được tốc độ tăng trưởng kinh tế, mà còn bảo đảm phát triển bền vững, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân và xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh.

Xin cảm ơn ông!

MỸ HẠNH (Thực hiện)

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/ts-tran-hai-linh-ket-noi-viet-han-va-tam-nhin-chien-luoc-cho-phat-trien-ha-noi-post835430.html