TS Trần Hữu Đức: Hạnh phúc là thói quen xứng đáng để thay thế thói quen khổ
Mới đây, nhân sự kiện ra mắt cuốn sách 'Hạnh phúc không mọc trên cây' do NXB Trẻ tổ chức, TS Trần Hữu Đức, người có 29 năm cung cấp giải pháp quản trị nguồn nhân lực, 10 năm đào tạo, tham vấn kỹ năng sống đã có buổi trò chuyện ý nghĩa cùng độc giả.
Chương trình được xem là buổi tư vấn tâm lý “đặc biệt” mà TS Trần Hữu Đức dành tặng cho độc giả.
Theo TS Trần Hữu Đức, mỗi người sinh ra đã mang "khổ" và khổ được xem là thói quen. Có nhiều người "nghiện khổ", có nghĩa là thói quen khi vượt quá sự kiểm soát sẽ thành chứng nghiện.
Bên cạnh những người "nghiện khổ", nhiều người “nghiện hạnh phúc”, hạnh phúc cũng được xem là thói quen, TS Trần Hữu Đức cho rằng hạnh phúc là thói quen xứng đáng để thay thế thói quen khổ, đừng để đến khi "nghiện khổ".
Trong cuộc sống hiện nay, có rất nhiều nguyên nhân khiến con người bị stress, ảnh hưởng tâm lý, từ đó hình thành nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau và dẫn đến "nghiện khổ", "nghiện hạnh phúc".
TS Trần Hữu Đức khuyên, chúng ta nên tìm ra nguyên nhân gây stress, tháo được nguyên nhân đó chính là tháo được nguồn gây stress. “Nếu là nguồn tích cực nên kết hợp rèn thân, tâm bằng một trong các bộ môn như chạy bộ, bơi lội, đạp xe, tuy nhiên phải sử dụng đúng công năng cơ thể. Cạnh đó, phải biết cân đối, tập căng thẳng nhưng cũng phải tập đối lập lại, ví dụ như thiền, hay đọc truyện, đọc sách, mỗi ngày 30 phút”, TS Đức nói.
Dịp này, NXB Trẻ ra mắt cuốn sách “Hạnh phúc không mọc trên cây” của TS Trần Hữu Đức. Đây là cuốn sách phối hợp khéo léo giữa cách kể chuyện – những đoạn đối thoại giữa nhân vật chính và vị thiền sư để dẫn dắt người đọc suy ngẫm về từng chủ đề; đồng thời sách có bố cục sáng rõ và những đoạn đúc rút, những bài tập cụ thể như một cẩm nang kỹ năng tiện dùng.
Sách gồm 3 phần chính. Phần 1: Nghiện khổ và cai nghiện khổ, phần này có vận dụng khoa học thần kinh, những phản ứng sinh hóa trong não bộ sẽ quyết định cảm xúc hạnh phúc hay đau khổ của chúng ta. Khi lo sợ, căng thẳng, tức giận… cơ thể tiết ra adrenaline; còn oxytocin và endorphin sẽ cho ta cảm giác an lạc (bình tĩnh, vui vẻ). Vấn đề là adrenaline là chất gây nghiện, hai chất kia thì không. Phần này cũng có bảng “trắc nghiệm độ nghiện khổ” dành cho bạn đọc tự soi xét lại tình huống của mình.
Phần 2: Ngưng khổ, phân tích những trường hợp mà ta thường phạm vào và dẫn đến nỗi khổ. Những điều này lại thường rơi vào nhưng người giỏi giang, có địa vị, chịu trách nhiệm cao. Phần này cũng có trách nghiệm để mỗi người tự đánh giá mình “tự tạo khổ” cho bản thân và người xung quanh ra sao.
Phần 3: Tạo phúc, là những khơi gợi sâu và hướng dẫn cụ thể để hình thành nhiều thói quen dẫn đến lối sống hạnh phúc, hay nói cách khác, đây là phần bồi dưỡng “kỹ năng hạnh phúc” trong từng việc: Ăn uống, suy nghĩ, thiền, ngủ, thể dục, học tập… thậm chí là việc vệ sinh.
Về tựa đề “Hạnh phúc không mọc trên cây”, tác giả Trần Hữu Đức đưa ra quan điểm: Hạnh phúc là một dạng kỹ năng, có thể rèn luyện và bồi đắp. Quan điểm này thắp lên hy vọng cho tất cả mọi người, bởi như vậy có nghĩa rằng chúng ta, bất kể đang ở vị trí và hoàn cảnh nào, vẫn có thể khả năng chạm vào hạnh phúc.
Cuốn sách này ra đời một phần cũng từ đề nghị của rất nhiều người đã từng tham dự các khóa tập huấn, nói chuyện của ông.
Đặc biệt, cuốn sách cũng giới thiệu nhiều bài tập về "Ăn hạnh phúc, nghĩ hạnh phúc"; "Uống hạnh phúc, yêu hạnh phúc"; "Ngủ hạnh phúc, thiền hạnh phúc"; "Thở hạnh phúc, nhớ hạnh phúc"; "Thể dục hạnh phúc, học tập hạnh phúc"... đến độc giả.
Tác giả Trần Hữu Đức là Tiến sĩ Quản trị gíao dục, Ifugao State University; Chuyên viên tham vấn và trị liệu tâm lý; Đồng sáng lập Công ty Đào tạo và Tư vấn Quản trị Nguồn nhân lực BCC và Công ty Đào tạo và Tham vấn Kỹ năng sống Better Living.
Ông có kinh nghiệm 29 năm cung cấp giải pháp quản trị nguồn nhân lực, 10 năm đào tạo, tham vấn kỹ năng sống...