TS Trương Đức Cường, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai: Tự hào truyền thống, nối tiếp tương lai
Sáng 11-11, tập thể thầy và trò thuộc nhiều thế hệ của Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai cùng tham dự lễ kỷ niệm 120 năm thành lập trường (1903-2023). Nhân dịp này, TS TRƯƠNG ĐỨC CƯỜNG, Hiệu trưởng Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã có những chia sẻ với Đồng Nai cuối tuần về ngôi trường đã trở thành một phần trong dòng chảy lịch sử của vùng đất Biên Hòa - Đồng Nai.
Theo TS Trương Đức Cường, trong suốt thời gian hình thành và phát triển, ngôi trường đã đào tạo nhiều thế hệ nghệ nhân giỏi tay nghề trong nhiều lĩnh vực nghệ thuật truyền thống lẫn hiện đại.
Tự hào ngôi trường 120 tuổi
* Quá trình hình thành trường diễn ra như thế nào, thưa ông?
- Vào đầu thế kỷ XIX có một ngôi trường đào tạo nghề gốm lần đầu xuất hiện tại Đông Nam bộ do người Pháp thành lập với tên gọi ban đầu là Trường Dạy nghề Biên Hòa.
Từ khi thành lập đến nay, trường đã có 5 lần đổi tên: Trường Dạy nghề Biên Hòa (1903-1913), Trường Mỹ nghệ bản xứ Biên Hòa hay Trường Bá nghệ Biên Hòa (1913-1964), Trường Kỹ thuật Biên Hòa (1964-1975), Trường trung học Mỹ thuật trang trí Đồng Nai (1978-1998). Đến năm 1998 là Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai và giữ cho đến ngày nay.
Từ ngôi trường này, nhiều thế hệ nghệ nhân đã được bồi dưỡng, phát huy và cống hiến cho nghệ thuật nước nhà.
* Ở mỗi giai đoạn, việc đào tạo của trường có gì khác biệt, thưa ông?
- 10 năm đầu, dựa trên thế mạnh sẵn có về tài nguyên, con người, nhu cầu của người dân, nhà trường đẩy mạnh đào tạo giảng dạy nghề đúc đồng, chạm khắc gỗ và mỹ thuật trang trí trên chất liệu gốm.
Từ năm 1913, nghề gốm được định hình và đưa vào giảng dạy chính quy tại trường.
Từ năm 1923, Chính phủ Pháp bổ nhiệm ông Robert Balick làm hiệu trưởng. Ông Robert Balick cùng với bà Mariette Balick đã thành lập HTX Thủ công thợ đúc và thợ gốm. Qua đó đã tập hợp nhiều nghệ nhân giỏi để sản xuất cũng như tham gia đào tạo và cung cấp lực lượng lao động lành nghề cho nghề gốm thời điểm đó. Cũng từ đây, các sản phẩm gốm Biên Hòa được đem bán rộng rãi trên thị trường trong và ngoài nước, tạo được tiếng vang và có chỗ đứng riêng.
Trường cao đẳng Mỹ thuật trang trí Đồng Nai đã đào tạo nhiều thế hệ sinh viên có tài năng, cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực thiết kế mỹ thuật ứng dụng chất lượng cao.
Đến nay, nhiều công trình do các nghệ nhân của nhà trường thực hiện vẫn tồn tại trong tổng thể kiến trúc văn hóa, lịch sử của tỉnh, trong số này có: thiết kế trang trí đài phun nước Quảng trường Sông Phố - Biên Hòa; tượng đài bằng gốm đề tài Chiến sĩ Pháo binh đánh sân bay Biên Hòa; quần tượng chất liệu gốm đề tài chiến sĩ đặc công đánh Tổng kho Long Bình; công trình kiến trúc đình Tân Lân và các chùa; tượng chân dung các danh nhân văn hóa trong các trường học…
Đến năm 1998, khi được nâng cấp thành bậc cao đẳng, cùng với các ngành nghề truyền thống, trường còn đào tạo và cung cấp cho thị trường lao động nguồn nhân lực mỹ thuật ứng dụng chất lượng cao. Đây là bước chuyển biến kịp thời, bắt kịp xu hướng, nhu cầu nguồn nhân lực của xã hội. Nhờ vậy, nhà trường vẫn là địa chỉ được phụ huynh, học sinh lựa chọn trong các kỳ tuyển sinh hàng năm.
Bắt kịp nhu cầu của xã hội
* Những ngành chính được trường đào tạo hiện nay ra sao và nhà trường có sự hỗ trợ gì để giúp sinh viên tiếp cận việc làm với ngành đã học, thưa ông?
- Hiện ngoài ngành gốm nhà trường đang đào tạo 5 ngành về thiết kế mỹ thuật ứng dụng khác gồm: thiết kế đồ họa, thiết kế nội thất, điêu khắc, thiết kế thời trang, truyền thông đa phương tiện.
Tuy nhiên, có một thực tế chung là trường cao đẳng gặp khó trong cạnh tranh tuyển sinh với các trường đại học. Để tháo gỡ khó khăn, thời gian qua, nhà trường thực hiện chủ trương đào tạo gắn với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học. Nhiều lớp thợ trẻ giỏi, có tay nghề cao đã tạo nên sự khác biệt trong đào tạo các chuyên ngành mỹ thuật ứng dụng.
Nhà trường khuyến khích và tạo điều kiện để sinh viên, giáo viên tham gia những cuộc thi thiết kế khu vực và cả nước. Qua đó, giúp mỗi cá nhân khẳng định bản thân, vừa tăng cường sự quảng bá cho các ngành nghề đào tạo của nhà trường.
Nhà trường đã ký kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên có cơ hội thực tập, tìm việc làm sau khi ra trường. Bên cạnh đó, nhiều họa sĩ, điêu khắc, nhà thiết kế trẻ đã mở ra con đường của riêng mình, xây dựng tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt Nam.
Những yếu tố này đã góp phần xây dựng trường trở thành cơ sở đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực cho mỹ thuật ứng dụng lớn ở khu vực phía Nam.
* Định hướng trong thời gian tới của nhà trường ra sao, thưa ông?
- Cuộc cách mạng khoa học công nghệ lần thứ 4 đã làm thay đổi mạnh mẽ đời sống, trong đó có giáo dục - đào tạo. Do vậy, nhà trường chủ động đẩy mạnh ứng dụng công nghệ trong dạy và học; tạo điều kiện cho học sinh, sinh viên tham gia các triển lãm, cuộc thi về thiết kế mỹ thuật ứng dụng; chủ động gắn kết, tạo điều kiện để doanh nghiệp cùng tham gia vào quá trình đào tạo nguồn nhân lực. Điều này nhằm đưa chất lượng giáo dục của nhà trường tiến lên theo hướng hiện đại, đáp ứng yêu cầu nguồn nhân lực.
Bên cạnh đó, nhà trường chủ động tổ chức các hoạt động trải nghiệm nghề, nhất là những nghề truyền thống của nhà trường cho học sinh nhiều cấp bậc trong nước và quốc tế… góp phần giúp xây dựng nền tảng cho đào tạo mỹ thuật ứng dụng trong giai đoạn giáo dục hướng đến chuyển đổi số như hiện nay.
* Xin cảm ơn ông!
Sông Thao (thực hiện)