TS Võ Kim Cương: Người nặng lòng với đô thị TP.HCM

Sống và làm việc tại TP.HCM hơn 45 năm, TS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư trưởng TP.HCM luôn đau đáu suy nghĩ làm sao để đô thị thành phố phát triển bền vững.

Phóng viên Tạp chí Du lịch TP.HCM phỏng vấn TS.KTS Võ Kim Cương, nguyên Phó kiến trúc sư Trưởng TP.HCM (sau này là Phó giám đốc Sở Quy hoạch Kiến trúc TP.HCM) - người có kinh nghiệm nhiều năm quản lý về quy hoạch kiến trúc chủ đề quá trình phát triển đô thị Sài Gòn sau giải phóng đến nay.

Hai mặt đối lập của đô thị Sài Gòn sau thống nhất

Ký ức của ông về đô thị Sài Gòn lần đầu tiên như thế nào?

Lần đầu tiên tôi đến Sài Gòn vào tháng 9/1975. Khi đang giảng dạy tại Học viện Kỹ thuật Quân sự ở Hà Nội, tôi xin nghỉ phép về quê Quảng Ngãi trong 15 ngày, trong đó có 10 ngày vào thăm Sài Gòn vì tò mò, muốn khám phá đô thị này.

Những ngày lưu lại Sài Gòn, tôi ở trong ngôi nhà đường Alexandre Rhodes gần cổng Dinh Độc Lập. Đây là vị trí thuận lợi để tôi quan sát các con đường rộng rãi, các hàng cây cao, dinh thự và các công trình kiến trúc ở trung tâm Sài Gòn. Ấn tượng với tôi là đường phố trung tâm được quy hoạch đẹp, đường sá rộng rãi, các công trình kiến trúc vẫn giữ được sự nguyên vẹn.

Đường phố Sài Gòn năm 1980. Ảnh: Gysembergh/Getty Images

Đường phố Sài Gòn năm 1980. Ảnh: Gysembergh/Getty Images

Bộ mặt đô thị Sài Gòn -TP.HCM sau chiến tranh như thế nào, thưa ông?

Tôi chuyển công tác tới TP.HCM từ cuối năm 1979. Đơn vị tôi đóng gần Tân Sơn Nhất, khu vực Lăng Cha Cả. Thời gian này đất nước cũng như TP.HCM gặp nhiều khó khăn thử thách nhất. Đó là Mỹ bao vây cấm vận, chiến tranh biên giới phía Bắc, chế độ hành chính bao cấp còn nặng nề... Đó là thời gian dân đô thị phải đi vùng kinh tế mới, công nhân các nhà máy ở Sài Gòn không có nguyên liệu sản xuất cũng phải đi làm nông nghiệp.

Cảng Sài Gòn năm 1980. Ảnh: Getty images

Cảng Sài Gòn năm 1980. Ảnh: Getty images

Ở khu vực trung tâm thành phố các công trình kiến trúc hoa lệ vẫn còn đó nhưng phố xá đã không còn náo nhiệt. Còn khu vực ven đô lụp xụp và nhà cắm trên kênh rạch nước đen là đặc trưng khác của Sài Gòn phản chiếu hai mặt đối lập.

Điều đó khiến tôi suy nghĩ nhiều đến nhiệm vụ của mình đối với thành phố này. Bởi người làm quy hoạch kiến trúc như tôi không chỉ cần khả năng chuyên môn tổng hợp về phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị mà cần tầm nhìn lớn hơn về hạ tầng xã hội như người dân, môi trường, kinh tế, an ninh trật tự… Quy hoạch kiến trúc cho đô thị liên quan việc giải bài toán mang tính tổng hợp, liên ngành.

Một đô thị khiếm khuyết bị xơ cứng

Ông bắt đầu cảm nhận quá trình đô thị hóa của TP.HCM diễn ra như thế nào, trong giai đoạn nào?

Thực tế việc đô thị hóa TP.HCM diễn ra từ trước giải phóng rất lâu. Theo các nghiên cứu lịch sử đô thị hóa, thành phố có thể nói đã bắt đầu từ trước khi bị thực dân Pháp xâm chiếm. Trải qua hàng trăm năm, mặc dù có chiến tranh, tốc độ đô thị hóa thay đổi chút ít theo quá trình diễn biến của lịch sử. Nhưng có thể nói từ khi được thành lập năm 1698 đến năm 1954 quá trình đô thị hóa ở TP.HCM khá ổn định, theo quy luật chung của quá trình công nghiệp hóa như bất cứ thành phố nào.

Nhưng từ sau năm 1954 việc di dân từ vùng nông thôn cả miền Nam vào vùng đô thị Sài Gòn - Chợ Lớn tăng đột biến. Các khu ổ chuột và nhà trên kênh rạch chủ yếu phát triển trong giai đoạn này. Người dân trốn quân dịch, trốn đàn áp, tránh bom đạn và đi kiếm sống đều di cư vào TP.HCM. Quá trình này khác với Hà Nội là sơ tán về nông thôn trong thời gian chiến tranh. Các cơ sở sản xuất ô nhiễm cũng ra đời ngay trong khu vực trung tâm TP.HCM. Cơ sở hạ tầng được xây dựng chủ yếu phục vụ chiến tranh.

Sau đó đến thời kỳ Đổi mới năm 1986, do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan, việc xây dựng nhà ở trên đất nông nghiệp và đất quân sự khi chưa có quy hoạch đô thị càng làm cho mảng đô thị tự phát này rộng lớn và xơ cứng hơn. Thuật ngữ “xơ cứng” được hiểu là cảnh quan kiến trúc bị phá vỡ do quá trình đô thị hóa, nhà ở mọc lên quá nhanh, trong khi các hạ tầng khác như đường sá, điện, nước, mảng xanh… không theo kịp.

Nhà thờ Đức Bà năm 1990. Ảnh: Jose Fuste

Nhà thờ Đức Bà năm 1990. Ảnh: Jose Fuste

Ông nhìn nhận quá trình đô thị hóa này tác động thế nào đến kiến trúc, cảnh quan thành phố thời bấy giờ và sự tác động này mang lại điều gì cho thành phố?

Quá trình đô thị hóa này theo tôi ảnh hưởng tiêu cực lớn hơn góc độ tích cực. Năm 1975, việc tiếp quản thành phố hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá nhiều do chiến tranh. Nhưng quá trình đô thị hóa tự phát, không theo quy hoạch đô thị kể trên đã để lại những ảnh hưởng tiêu cực. Đó là việc tồn tại các khu dân cư lụp xụp, với biểu hiện rõ ràng nhất là nhiều nhà tạm bợ mọc lên dọc các tuyến kênh rạch bao quanh khu trung tâm Quận 1, Quận 3, Quận 5.

Sự xuất hiện các khu dân cư này, góp phần tạo nên hệ thống kênh rạch ô nhiễm, cùng với đó là các cơ sở sản xuất xả thải ra môi trường. Hệ thống hạ tầng kỹ thuật, xã hội chắp vá, phân bổ không theo dân cư. Các khiếm khuyết này còn trầm trọng hơn trong thời kỳ đầu của công cuộc Đổi mới năm 1986, khi yêu cầu phát triển kinh tế và nhu cầu nhà ở tăng cao.

Tuy nhiên, nhìn về mặt tích cực, TP.HCM cũng có hệ thống hạ tầng chung bao gồm cảng biển, sân bay, các xa lộ, các khu công nghiệp và khu vực trung tâm lõi của thành phố được quy hoạch từ trước năm 1945 và được phát triển trong suốt quá trình, ít chịu ảnh hưởng chiến tranh. Các cơ sở khá hiện đại này đã tạo điều kiện ban đầu để khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực của đô thị Sài Gòn.

Quá trình đô thị hóa này diễn ra mạnh mẽ nhất giai đoạn nào? Và ông có khi nào cảm thấy lo lắng cho sự phát triển đô thị này?

Hai giai đoạn đô thị hóa mạnh mẽ nhất của TP.HCM là trước năm 1975 và trong giai đoạn Đổi mới từ năm 1986 đến nay. Điều lo lắng nhất của tôi là cấu trúc đô thị khiếm khuyết bị xơ cứng chiếm phần lớn diện tích vùng trung tâm hiện hữu của thành phố. Trong vùng đô thị hóa tự phát này các chỉ tiêu về quy hoạch của một đô thị hiện đại đều không đạt, thậm chí ở mức thấp xa so với tiêu chuẩn.

Nhà cửa lụp xụp ngày xưa đã được thay bằng nhà kiên cố nhiều tầng, điều này càng làm cho việc cải tạo đô thị càng khó khăn tốn kém hơn. Bởi khi một công trình xây lên, việc xử lý nó kéo theo những ảnh hưởng nơi ăn, chốn ở của cả gia đình, cả thế hệ, vốn rất phức tạp.

Quy hoạch TP.HCM phải hướng đến phát triển bền vững

Điều gì ông còn trăn trở cho TP.HCM sau 50 năm?

Quy hoạch rất quan trọng để phát triển thành phố theo mục tiêu ổn định bền vững vì đây là mục tiêu gốc rễ nhất. Đó là điều tôi luôn đau đáu khi có hơn 45 năm sống ở thành phố này. Hồi tưởng về những ngày tháng chờ nghe tin giải phóng thành phố qua sóng phát thanh khi ở Hà Nội, tôi nghĩ mình cần làm nhiều hơn nữa đóng góp cho sự phát triển thành phố này.

TS Võ Kim Cương kể chuyện về đô thị Sài Gòn tại nhà riêng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Phúc Uyên.

TS Võ Kim Cương kể chuyện về đô thị Sài Gòn tại nhà riêng ở huyện Bình Chánh, TP.HCM. Ảnh: Phúc Uyên.

Việc thực hiện mục tiêu quy hoạch ổn định bền vững cho phát triển thành phố là vấn đề quan trọng, có tính chất quyết định nhất. Do đó cần có một kế hoạch chiến lược cải tạo và phát triển thành phố được xây dựng trên cơ sở phân tích và huy động các nguồn lực mới là cơ sở để phát triển. Tuy nhiên, thành phố chưa có kế hoạch này. Đây là điều trăn trở lớn nhất của tôi lâu nay.

Thành phố sau 50 năm, vẫn bảo tồn những công trình kiến trúc cổ như Tòa nhà UBND TP.HCM, Nhà thờ Đức Bà, Dinh Độc Lập… và ngày nay có nhiều công trình biểu tượng mới như tòa nhà Bitexco, Landmark 81, cầu Ba Son. Theo ông, thành phố cần khai thác những giá trị kinh tế của các công trình này như thế nào?

Trước khi có Nghị định 91 năm 1993 của Chính phủ về quản lý quy hoạch đô thị, ở nước ta việc xây dựng và quản lý các công trình chỉ tuân theo các quyết định cụ thể của cấp thẩm quyền. Rất may ngay từ ngày thống nhất, với kiến thức và tầm nhìn khoa học của các nhà lãnh đạo đô thị, các công trình cổ, công trình tiêu biểu thời thuộc địa và những công trình của chế độ cũ có giá trị kiến trúc đều được bảo tồn.

Sau này nước ta mới có Luật Di sản, riêng về các công trình kiến trúc cần bảo tồn. Tuy nhiên, hiện nay vẫn chưa có đủ các quy định pháp luật để quản lý. Trong hoàn cảnh đó, TP.HCM đã có đề tài khoa học nghiên cứu, xác định, đánh giá các công trình này và UBND thành phố có yêu cầu chung về việc bảo tồn chúng.

Theo tôi, giá trị kiến trúc của một công trình có hai yếu tố cơ bản là nghệ thuật và kỹ thuật. Giá trị nghệ thuật thể hiện qua mỹ quan kiến trúc của công trình và cảnh quan kiến trúc mà công trình đó mang lại. Giá trị kỹ thuật thể hiện bằng công năng và độ bền vững của công trình.

Do đó, giá trị kinh tế thể hiện sự đáp ứng của công trình cho người hưởng dụng bao gồm an toàn, tiện lợi, sạch đẹp, hấp dẫn... Sự đáp ứng này tạo nên nhu cầu trong thị trường bất động sản. Khai thác giá trị kinh tế chính là tạo điều kiện cho thị trường này phát triển. Nhà nước cần nghiên cứu kỹ các yếu tố tác động đến cung – cầu và có giải pháp kích cung, kích cầu. Đó là cách tốt nhất để khai thác các công trình cũ cũng như mới phục vụ sự phát triển chung của thành phố và đất nước.

Xin cảm ơn ông!

Phúc Uyên

Nguồn Du lịch TP.HCM: https://tcdulichtphcm.vn/suy-ngam/ts-vo-kim-cuong-nguoi-nang-long-voi-do-thi-tphcm-c8a96154.html