TSMC giúp lĩnh vực sản xuất chip của Nhật Bản 'bừng sáng'
Việc mở rộng tại Nhật Bản của TSMC đang diễn ra suôn sẻ hơn so với hoạt động kinh doanh tại Mỹ...
Là người đứng đầu bộ phận ngân hàng tổ chức quốc tế tại CTBC - ngân hàng tư nhân lớn nhất Đài Loan trong nhiều năm, nhưng chỉ gần đây Max Lin mới thấy hoạt động kinh doanh tại Nhật Bản của nhà băng này phát triển mạnh mẽ. Lý do có thể tóm gọn trong một từ: Chip!
BÙNG NỔ
Lin hiện là phó chủ tịch điều hành tại CTBC. Ông nói với Nikkei Asia: “Nhiều khách hàng Đài Loan của chúng tôi và thậm chí cả khách hàng từ Đông Nam Á bày tỏ sự quan tâm đến việc đầu tư vào Nhật Bản, đặc biệt là Kumamoto, nhờ các ưu đãi về chất bán dẫn”.
Trong gần một thập kỷ, đây là ngân hàng Đài Loan duy nhất có hoạt động đáng kể tại Nhật Bản, sau khi mua lại Tokyo Star Bank vào năm 2014. Sau đó, gã khổng lồ sản xuất chip Đài Loan TSMC thông báo họ đang xây dựng nhà máy chế tạo đầu tiên của Nhật Bản tại Kumamoto và nhu cầu về CTBC mở rộng sang các tỉnh phía Tây Nam đột ngột tăng mạnh.
Lin cho biết: “Chúng tôi ngày càng nhận được nhiều yêu cầu liên quan đến Kumamoto, chẳng hạn như cách mua bất động sản ở đó, cách thế chấp, nơi sống và đưa trẻ đến trường… Chúng tôi dường như trở thành một nhà tư vấn và hướng dẫn về lối sống. Đó là lý do tại sao chúng tôi quyết định mở văn phòng ngay tại trung tâm thành phố Kumamoto để khách hàng tiện giao dịch".
Là người kỳ cựu trong ngành tài chính, ông Lin nói thêm rằng Nhật Bản không phải là điểm đến phổ biến cho việc mở rộng ngân hàng nước ngoài, vì chính sách lãi suất âm khiến họ khó kiếm được lợi nhuận.
Đó là bằng chứng cho thấy sự bùng nổ chip - và sự hiện diện của TSMC - đã thay đổi tình hình đến mức nào. Hiện tại, 7 ngân hàng Đài Loan khác, bao gồm Ngân hàng Thương mại E.Sun, Ngân hàng Chang Hwa và Bank of Taiwan cũng đã mở rộng chi nhánh tại Nhật Bản trong những năm gần đây.
TSMC đang bắt đầu chuẩn bị sản xuất hàng loạt tại nhà máy Kumamoto vào cuối năm nay để phục vụ các khách hàng Nhật Bản như Sony, Denso và Renesas. Điều này sẽ khiến đây trở thành nhà máy mới ở nước ngoài đầu tiên của TSMC đi vào hoạt động kể từ sau khi nhà máy tại Nam Kinh, Trung Quốc đi vào hoạt động vào năm 2018.
Lễ khánh thành dự kiến diễn ra vào thứ bảy, với sự tham dự của Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida.
Nhà máy này được công bố lần đầu tiên vào năm 2021. Kể từ đó, TSMC và các đối tác như Sony và Toyota đã cam kết đầu tư tổng cộng 20 tỷ USD vào Kyushu, hòn đảo nơi Kumamoto tọa lạc. Khoản đầu tư của họ vào "Đảo Silicon" của Nhật Bản sẽ hướng tới sản xuất chip 7 nanomet và 6 nanomet tiên tiến, có khả năng phục vụ không chỉ trong nước mà còn cả thị trường toàn cầu.
Đáng nói, việc mở rộng ra nước ngoài không phải lúc nào cũng là chiến lược ưa thích của TSMC. Trong nhiều thập kỷ, công ty tập trung sản xuất tại Đài Loan, nền kinh tế chip quan trọng của châu Á.
Nhưng với áp lực địa chính trị ngày càng gia tăng, chiến tranh thương mại và tình trạng thiếu chip chưa từng có, công ty buộc phải mở rộng ra nước ngoài để đảm bảo khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng và trấn an khách hàng.
TSMC đã công bố kế hoạch mở rộng ra nước ngoài trị giá hơn 70 tỷ USD – với một số nguồn vốn đến từ chính phủ và đối tác – trong ba năm kể từ năm 2020 tại Mỹ, Nhật Bản và Đức. Cái giá phải trả khi tham gia cuộc đua chip là rất lớn: Ngân sách chi tiêu vốn năm 2024 của công ty là từ 28 tỷ đến 30 tỷ USD.
Sự khác biệt về văn hóa là một thách thức khác khi dấn thân vào các thị trường mới. Một giám đốc điều hành nhà cung cấp cho biết: “Việc quản lý các nền văn hóa và nền tảng khác nhau là tương đối mới đối với nhà sản xuất chip. TSMC chưa bao giờ nghĩ rằng họ sẽ phải thuê nhân viên từ các trường nghệ thuật tự do chuyên ngành văn học Nhật Bản hoặc Đức”.
Tuy nhiên, vẫn có những dấu hiệu ban đầu cho thấy việc mở rộng tại Nhật Bản của TSMC đang diễn ra suôn sẻ hơn so với hoạt động kinh doanh tại Mỹ. Charles Shi, nhà phân tích chất bán dẫn của ngân hàng đầu tư Needham cho biết: “Đài Loan và Nhật Bản có mối quan hệ văn hóa tương đồng, điều này khiến việc mở rộng của TSMC tại Nhật Bản dễ dàng hơn ở Mỹ và có thể cả ở Đức".
Quan trọng hơn, sản xuất chất bán dẫn là ngành sản xuất phức tạp nhất hành tinh. Vận hành một nhà máy bán dẫn đòi hỏi lực lượng lao động có đạo đức làm việc cao, sự nhạy bén về kỹ thuật, chú ý đến chi tiết và kỷ luật. Đây là những lợi thế của lực lượng lao động Nhật Bản".
Các nhà sản xuất chip Đài Loan cũng đã bắt đầu mở rộng trên toàn cầu. Nhà sản xuất chip số 2 của Đài Loan, United Microelectronics Corp đang xây dựng một nhà máy trị giá 5 tỷ USD ở Singapore và gần đây tuyên bố sẽ hợp tác với Intel để sản xuất chip 12 nanomet tại các cơ sở của Intel ở Arizona.
Những xu hướng này cũng mang lại những thay đổi lớn cho nhiều nhà cung cấp thiết bị và vật liệu chip của Đài Loan. Trước đây, họ chỉ phải phục vụ TSMC và UMC tại thị trường quê nhà nhưng giờ đây phải triển khai công nhân trên khắp thế giới và sẵn sàng đi tới lục địa khác nếu khách hàng cần.
MỞ ĐƯỜNG
Một số người nói rằng họ thấy sự tiến bộ của TSMC ở Nhật Bản như là kim chỉ nam.
Powertech, nhà cung cấp dịch vụ đóng gói và thử nghiệm chip nhớ hàng đầu thế giới, đang đánh giá xem có nên mở rộng sang Nhật Bản cho các dịch vụ lắp ráp cao cấp hay không.
Một người quản lý tại nhà cung cấp thiết bị TSMC, người đã hỗ trợ lắp đặt thiết bị tại cơ sở ở Nhật Bản cũng bày tỏ những suy nghĩ tích cực về đất nước này. Người quản lý cho biết: "Chính phủ Nhật Bản rất tích cực và hữu ích. Họ đã bắt đầu mở rộng đường xung quanh nhà máy của TSMC từ rất lâu, trong khi các kỹ sư Nhật Bản được đào tạo của TSMC cũng rất dễ làm việc cùng”.
Người quản lý nói thêm rằng các đồng nghiệp của ông muốn được cử đến Nhật Bản hơn là sang Mỹ. Gần một trăm vị trí hỗ trợ dịch vụ cho nhà máy Nhật Bản của TSMC đã được các tình nguyện viên lấp đầy "gần như ngay lập tức”.
“Việc đăng bài hỗ trợ dịch vụ là rất phổ biến ở Nhật Bản, nhưng đó lại là một câu chuyện khác đối với dịch vụ hỗ trợ cho nhà máy của TSMC ở Mỹ”. Càng nhiều nhà cung cấp theo TSMC đến Kumamoto thì lợi ích tiềm năng cho nền kinh tế càng lớn, cả trong nước và ngược lại Đài Loan.
Liên doanh của nhà sản xuất chip này tại Nhật Bản đã thúc đẩy làn sóng đầu tư địa phương ban đầu với tổng trị giá 6 nghìn tỷ yên (39 tỷ USD), chủ yếu từ các nhà cung cấp thiết bị và vật liệu Nhật Bản bao gồm Tokyo Electron, Kyocera và Sumco, cũng như các nhà sản xuất chip Rohm và Sony, có vốn đầu tư địa phương sản xuất trong nhiều năm.
Theo ước tính của Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế Kyushu, cơn sốt đầu tư bắt đầu vào năm 2021 có thể mang lại lợi ích kinh tế 20,77 nghìn tỷ yên cho Kyushu trong thập kỷ tới.
Ngay cả các hãng hàng không cũng đang tận dụng sự bùng nổ. Starlux Airlines và China Airlines đã triển khai các chuyến bay thẳng đến Kumamoto kể từ năm ngoái, nhằm nắm bắt nhu cầu đi lại ngày càng tăng được thúc đẩy bởi hoạt động sản xuất chất bán dẫn tại Nhật Bản.
Peter Hanbury, đối tác chuyên sản xuất của công ty tư vấn quản lý Bain, cho biết sự tiến bộ của TSMC tại Nhật Bản khá “đáng chú ý” và sẽ là dấu hiệu tích cực đối với bất kỳ nhà sản xuất chất bán dẫn nào khi họ xem xét nhiều khu vực địa lý mới đầy tiềm năng.
Hanbury cho biết các nhà sản xuất chip cần xem xét một loạt các yếu tố phức tạp để xác định nơi họ nên mở rộng nhằm cải thiện khả năng phục hồi của chuỗi cung ứng, bao gồm việc liệu họ có thể đảm bảo vấn đề về đất, nước, điện và kỹ thuật hay không cũng như liệu các đối tác trong hệ sinh thái của họ có sẵn sàng tham gia hay không.
“Khi nhiều khu vực địa lý tìm cách thu hút các nhà sản xuất chất bán dẫn và lôi kéo họ bằng những khoản trợ cấp đáng kể, thì những câu chuyện thành công như thế này ở Nhật Bản có thể cũng quan trọng như chính các khoản trợ cấp để giúp các nhà sản xuất chất bán dẫn đầu tư lớn vào các khu vực địa lý mới bất chấp sự phức tạp và rủi ro của tình hình dịch bệnh”, Hanbury nói.