TT Trump: Trung Quốc không ký thỏa thuận lúc này, năm 2020 còn tệ hơn
Tổng thống Mỹ cảnh báo Trung Quốc cần đạt được một thỏa thuận thương mại vào lúc này, hoặc buộc phải chấp nhận một thỏa thuận tồi tệ hơn khi ông Trump bước sang nhiệm kỳ thứ hai.
Truyền thông nhà nước Trung Quốc ngày 12/5 nhận định một khi cuộc chiến thương mại kéo dài, Mỹ sẽ không còn nhiều lá bài mặc cả trong tay.
"Mỹ đang hiểu sai về lợi ích của đôi bên, và đánh giá thấp khả năng chịu đựng của Trung Quốc một cách nghiêm trọng", bài xã luận trên Global Times cuối tuần này khẳng định.
"Sự tự tin và những mối quan tâm cốt lõi của Trung Quốc sẽ không bị suy giảm dù Mỹ tăng thuế", tờ báo nhận định.
Bài viết xuất hiện sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump dự đoán viễn cảnh trái ngược. Viết trên mạng xã hội Twitter, ông cho rằng Trung Quốc đang thất thế trong đàm phán.
"Họ có thể đang chờ qua cuộc bầu cử năm 2020 để xem liệu họ có may mắn hơn nếu một người Dân chủ đắc cử hay không", ông Trump viết.
"Vấn đề là họ hiểu rõ tôi sẽ thắng", Tổng thống Trump tự tin khẳng định. "Thỏa thuận dành cho họ sẽ còn tồi tệ hơn nếu nó được đàm phán trong nhiệm kỳ thứ hai của tôi".
"Nếu họ thông minh thì nên hành động ngay lúc này, dù tôi cũng thích thu thêm thật nhiều thuế", ông Trump nhấn mạnh.
Mỹ và Trung Quốc vẫn chưa tìm ra giải pháp cho cuộc chiến thương mại giữa hai nước. Trong khi đó, hai bên liên tục đưa ra các lệnh áp thuế lên hàng hóa nhập khẩu từ đối phương, khiến nhiều người lo sợ nền kinh tế toàn cầu sẽ chịu tổn thương.
Vòng đàm phán mới nhất giữa Bắc Kinh và Washington kết thúc hôm 10/5 mà không đạt được kết quả mới. Phó thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc kỳ vọng hai bên sẽ tổ chức vòng đàm phán kế tiếp tại Bắc Kinh, nhưng ông không nêu thời gian cụ thể.
Ông Lưu cũng nhấn mạnh Trung Quốc nhất quyết không nhượng bộ trong "những tiêu chí quan trọng", theo AFP.
Mỹ đã tăng mức thuế đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc từ 10 lên 25%, sau khi Bắc Kinh loại cam kết cải cách pháp lý khỏi dự thảo thỏa thuận thương mại. Tổng thống Trump trấn an các doanh nghiệp Mỹ rằng họ có thể chịu ít tác động nếu mang nhà máy về nước sản xuất hàng hóa.