TTGDTX-GDNN thấy bất cập khi kinh phí đào tạo/HS chỉ bằng 50% so với trường THPT
Bất cập khi khối lượng chương trình học phải dạy tại TT GDNN-GDTX chiếm gần 80% chương trình học tại trường THPT nhưng kinh phí đào tạo chỉ được trả bằng 50%.
Trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện khiến biên chế của trung tâm GDNN-GDTX chỉ bằng một phòng/ban
Lãnh đạo một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên đã chia sẻ về tình trạng thực tế với những khó khăn, bất cập tại các cơ sở hiện nay và mong muốn sớm được các Sở, ban, ngành có liên quan chú trọng và khắc phục.
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Hoàng Trọng Tài, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì (Hà Nội) bày tỏ, từ khi về trực thuộc Ủy ban nhân dân huyện, trung tâm bị xem giống như những phòng/ ban trực thuộc khác. Do đó, số biên chế được giao cũng tương tự với số biên chế của một phòng/ban.
Thế nhưng, xét theo Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo về Chương trình Giáo dục thường xuyên cấp trung học phổ thông, số đội ngũ giáo viên của trung tâm vẫn chưa đáp ứng yêu cầu tối thiểu về số lượng của Thông tư này.
Chính vì vậy, thầy Tài cho hay, đơn vị phải tuyển dụng nhiều giáo viên hợp đồng, mời giáo viên thỉnh giảng ở nhiều môn học mới có thể đáp ứng đủ. Tuy nhiên, việc không có đủ số biên chế tối thiểu mà phải sử dụng giáo viên hợp đồng sẽ khiến các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên khó có thể chủ động được.
Trung tâm cũng đã trình văn bản yêu cầu lên Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì rằng cần có kế hoạch tuyển dụng thêm biên chế cho cơ sở để đáp ứng đủ định mức tối thiểu nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Hơn nữa, theo thầy Tài, từ khi sáp nhập vào năm 2016 đến nay, trung tâm chưa được đầu tư xây dựng thêm cơ sở vật chất; không những vậy, đơn vị cũng chưa được cấp thiết bị dạy và học theo chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Thầy Tài cho rằng, đứng trước mục tiêu đến năm 2025, có ít nhất 40% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học tập tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ sơ cấp, trung cấp theo Đề án Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018-2025 ban hành theo Quyết định số 522/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, các địa phương cần phải đảm bảo về đội ngũ cán bộ giáo viên, cơ sở vật chất cho các trường trung cấp, cao đẳng, trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên.
Nhìn nhận từ thực tế có thể thấy, nhu cầu vào học tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên đang ngày càng gia tăng mỗi năm.
Tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì năm học 2023-2024, đơn vị được Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội giao chỉ tiêu tuyển sinh là 360 em, tuy nhiên, số lượng hồ sơ nộp vào lên đến 450 em, do đó, Sở đã tạo điều kiện cho trung tâm mở thêm 2 lớp học nữa để đảm bảo nhu cầu của người học.
Theo thầy Tài, số lượng học sinh đăng ký học tại trung tâm ngày càng tăng do tâm lý của nhiều học sinh và phụ huynh đã có sự thay đổi.
Nhìn nhận từ những khó khăn hiện nay, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì mong rằng, cần sớm có sự chỉ đạo của thành phố Hà Nội để Ủy ban nhân dân huyện Ba Vì có thể tạo điều kiện tuyển dụng biên chế giáo viên của Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Ba Vì đáp ứng yêu cầu tối thiểu theo Thông tư 12/2022/TT-BGDĐT cũng như sớm cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 để đảm bảo công tác đào tạo, học tập của thầy cô và học sinh trung tâm.
Ngoài ra, thầy Tài cũng chỉ ra rằng, kinh phí đào tạo tính trên đầu học sinh đối với các trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố Hà Nội hiện nay còn thấp.
Hiện kinh phí đào tạo của 1 học sinh ở các trường trung học phổ thông trên địa bàn thành phố Hà Nội đang được tính ở mức từ 9.000.000 đồng đến 9.600.000 đồng/học sinh, kinh phí này tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên là 4.500.000 đồng/1 học sinh.
Trong khi đó, chương trình văn hóa của học sinh trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên học chiếm gần 80% của chương trình học cho học sinh tại trường trung học phổ thông. Điều này đã khiến nhiều đơn vị gặp khó khăn, vướng mắc.
Trong khi đó, thầy Phan Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Đông Anh (Hà Nội) cũng bày tỏ quan điểm đồng tình về việc mức kinh phí đào tạo tính trên đầu học sinh tại các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn chưa hợp lý.
Theo thầy Dũng, với mức tính hiện nay của Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội, kinh phí đào tạo của mỗi học sinh cho trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chỉ bằng 50% so với mức kinh phí tại các trường trung học phổ thông.
“Chương trình văn hóa mà các giáo viên trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên phải dạy qua đánh giá là chiếm khoảng 70-73% so chương trình học phải dạy ở các trường trung học phổ thông.
Chính vì vậy, các Sở, ban, ngành có liên quan cần có sự cân đối lại mức kinh phí này cho phù hợp nhất có thể. Theo tôi, cần tính mức kinh phí đào tạo/1 học sinh theo khối lượng công việc của cơ sở đào tạo.
Nếu lấy mốc khối lượng công việc dạy học tại trường trung học phổ thông là 100% được tính mức 9.000.000 đồng, khối lượng công việc dạy học tại trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên chiếm 70-73%, kinh phí cũng phải ở mức tương ứng khoảng hơn 7.000.000 đồng. Như vậy, mới đáp ứng đúng công sức của các thầy cô tại các trung tâm và thể hiện sự công bằng trong giáo dục”, thầy Dũng nêu ý kiến.
Về thực trạng hiện nay tại đơn vị, thầy Dũng cho biết thêm, cơ sở vật chất của trung tâm đang được tiến hành sửa chữa, xây dựng, nâng cao, dự kiến ngày 31/8 tới đây sẽ được bàn giao cơ sở vật chất mới.
Bên cạnh đó, đơn vị cũng đang hiện nay đang tiến hành xây dựng thêm một dãy phòng học. Bởi, hiện tại chỉ có một dãy phòng học tương đương với 10 lớp, tuy nhiên tổng số lớp học của trung tâm hiện nay là 21 lớp nên phải thực hiện dạy học trong cả 2 ca sáng, chiều mới đáp ứng được.
Về đội ngũ giáo viên, thầy Dũng cho hay, mỗi môn học chỉ được biên chế 1 giáo viên, riêng môn Toán, Văn được biên chế 2 giáo viên nên tất yếu trung tâm phải thuê thêm giáo viên hợp đồng để đảm bảo công tác đào tạo.
Trong quá trình dạy học, năng lực của giáo viên hợp đồng tại trung tâm qua việc soi chiếu từ kết quả lên lớp, kết quả của học sinh tại kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông, cơ bản đều đáp ứng đủ. Trung tâm cũng luôn có sự chuẩn bị kỹ càng trong việc tuyển dụng giáo viên hợp đồng, do vậy, nhiều năm nay không bị gặp khó khăn trong vấn đề đội ngũ giáo viên.
Tuy nhiên, xét về cục bộ, việc thuê giáo viên hợp đồng dạy học cũng khiến một số trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên bị động do sau mỗi kỳ thi viên chức, có thể sẽ có một số giáo viên thi đỗ chuyển đi.
Mặt khác, về công tác tuyển sinh, năm học 2023-2024, trung tâm được giao tuyển sinh 450 chỉ tiêu, và đã tuyển sinh gần đạt số chỉ tiêu được giao (427 em).
Theo thầy Dũng, khó khăn chung của các trung tâm hiện nay ở công tác tuyển sinh là sau khi việc tuyển sinh vào các trường trung học phổ thông được thực hiện xong mới đến lượt trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên nên chất lượng đầu vào của nhiều em học sinh chưa được cao.
Đây cũng chính là áp lực rất lớn nên các thầy cô của trung tâm phải nỗ lực cố gắng nhiều để các em học sinh đều có thể đỗ được kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông.