TTƯT.Nguyễn Công Hoàng: Muốn là bác sĩ giỏi cần hội tụ 'đức - kỹ - bảo - nhân'

Theo PGS.TS Nguyễn Công Hoàng, một người bác sĩ, thầy thuốc giỏi không chỉ cần chuyên môn vững vàng, mà còn phải có tấm lòng nhân ái, tận tụy với bệnh nhân.

Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Lương y phải như từ mẫu”. Y đức được coi là phẩm chất tốt đẹp của những người làm công tác y tế, được biểu hiện ở tinh thần trách nhiệm cao, tận tụy phục vụ và thương yêu chăm sóc cho người bệnh.

Hướng tới kỷ niệm 70 năm Ngày Thầy Thuốc Việt Nam (27/2/1955 - 27/2/2025), phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có buổi trò chuyện với Đại biểu Quốc hội, Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Bác sĩ cao cấp Nguyễn Công Hoàng - Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên; Phó Hiệu trưởng kiêm Trưởng Bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên); Phó Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ Việt Nam; Chủ tịch Hội Thầy thuốc trẻ tỉnh Thái Nguyên để ghi nhận những cống hiến, đóng góp của thầy.

Mỗi dấu mốc là thêm một lần trưởng thành với nghề

Gần 30 năm cống hiến trong ngành y tế và giáo dục, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng vinh dự được phong danh hiệu Thầy thuốc ưu tú và nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ trao tặng cùng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp. Năm 2021, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng trúng cử Đại biểu Quốc hội Khóa XV, nhiệm kỳ 2021-2026.

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng cho biết: “Tôi đến với ngành y không có bất kỳ lý do nào, chỉ đơn giản là chữ ‘duyên’ và thực sự nghề đã chọn tôi. Năm 1992, khi tôi đứng trước quyết định chọn nghề, chọn trường đại học, ngành y lúc đó là ngành còn nhiều khó khăn nhưng được Nhân dân rất trân trọng. Bởi nghề y là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý với hình ảnh người bác sĩ mặc áo blouse trắng chữa bệnh, cứu người. Từ đó, hình ảnh này đã in dấu trong tâm trí tôi từ khi còn nhỏ trong những lần đi khám bệnh”.

Đối với Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng, công việc của người thầy giáo tại Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên) và người thầy thuốc hàng ngày khám, chữa bệnh tại Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên là 2 công việc song song, không thể tách rời.

Trong quá trình công tác, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng đã đảm nhận nhiều vị trí khác nhau. Từ một bác sĩ, người thầy đến vị trí Phó Trưởng khoa Tai Mũi Họng, Trưởng khoa Tai Mũi Họng (Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên); Trưởng bộ môn Tai Mũi Họng, Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên); Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Hiện thầy Hoàng đang là Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y - Dược (Đại học Thái Nguyên).

“Nhìn lại những chặng đường ấy, có 3 dấu mốc quan trọng mà tôi thấy tự hào nhất trong sự nghiệp.

Dấu mốc đầu tiên là năm 2005, khi tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó trưởng khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên. Lúc đó, tôi cảm thấy việc bổ nhiệm đã khẳng định sự nỗ lực thành quả trong công việc của bản thân.

Dấu mốc thứ 2 là khi tôi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Giám đốc Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào năm 2012 và vẫn kiêm nhiệm làm Trưởng khoa, Trưởng bộ môn Tai Mũi Họng. Đây là nấc thang quan trọng trong sự nghiệp của tôi, đan xen nhiệm vụ giữa công tác quản lý nhà nước, công tác chuyên môn và công tác giảng dạy, đào tạo. Do đó, với tôi, việc việc sắp xếp công việc, thời gian để làm tốt cả 3 lĩnh vực không hề dễ dàng.

Dấu mốc thứ 3 là năm 2021, được sự tín nhiệm của đông đảo cử tri Thái Nguyên, tôi đã trúng cử Đại biểu Quốc hội khóa XV, thuộc Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên. Với vai trò, trách nhiệm của người đại biểu dân cử, tôi biết mình cần phải đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và đông đảo cán bộ, nhân viên ngành y tế, đóng góp tích cực vào việc sửa đổi, bổ sung, dự thảo các văn bản luật vì sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Theo tôi, ở giai đoạn nào cũng đều có khó khăn, thử thách. Với cương vị vừa là thầy giáo vừa là thầy thuốc, tôi luôn tự nhủ bản thân phải trau dồi kiến thức và kỹ năng để nâng cao trình độ chuyên môn và đáp ứng tốt yêu cầu công việc. Cùng với đó, ngoài việc học lý thuyết, tôi luôn chủ động tìm tòi và thực hành thường xuyên để nâng cao kỹ năng, kinh nghiệm thực tế trong quá trình giảng dạy, điều trị và chăm sóc người bệnh”, thầy Hoàng chia sẻ.

Sinh viên ngành y cần hội tụ đầy đủ 4 chữ: Đức - Kỹ - Bảo - Nhân

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Công Hoàng, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là nhiệm vụ quan trọng và cần thiết trong tất cả các ngành, lĩnh vực. Đối với ngành y tế, công tác đào tạo nhân lực lại càng quan trọng hơn. Theo đó, để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, cơ sở giáo dục đại học cần thực hiện tốt một số giải pháp.

Thứ nhất, các trường cần tập trung đào tạo đội ngũ bác sĩ, đặc biệt cho các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đồng thời, cần quan tâm đến y tế cơ sở, chú trọng y tế chuyên sâu, xây dựng các trung tâm y tế vùng, từ đó làm đòn bẩy trong việc đào tạo, nâng cao trình độ nguồn nhân lực.

Thứ hai, các trường chú trọng đào tạo lại, đào tạo liên tục công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật, đáp ứng nhu cầu chăm sóc và bảo vệ sức khỏe ngày càng cao của nhân dân.

Thứ ba, hiện nay nguồn nhân lực ở các trường đại học là nguồn nhân lực chất lượng cao. Tuy nhiên, các cơ sở đào tạo ngành y tế phải liên kết với các trung tâm, bệnh viện lớn để học viên, sinh viên có thể tiếp cận được kiến thức, kỹ năng thực tế. Do đó, việc kết hợp viện - trường là mô hình lý tưởng cần được nhân rộng.

Bên cạnh đó, theo thầy Hoàng, AI là một trong những ứng dụng trí tuệ nhân tạo trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin và số hóa. Do đó, việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo AI đối với ngành y trong tương lai là cần thiết và tất yếu, giúp giảm được sức lao động của con người. Tuy nhiên, công nghệ AI không thay thế được người bác sĩ bởi chúng chỉ có vai trò giải quyết được loại bệnh chứ không giải quyết được người bệnh cụ thể.

“Ngành y là ngành đặc thù, do đó một sinh viên ngành y muốn trở thành một bác sĩ giỏi về chuyên môn và giàu y đức, việc học tập nâng cao trình độ, đan xen giữa lý thuyết và lâm sàng rất cần thiết. Cùng với đó, các em cần đặc biệt quan tâm đến y đức, nhất là trong giai đoạn cơ chế thị trường hiện nay. Đặc biệt, sinh viên cần học tập, rèn luyện, phát triển bản thân để hội tụ đầy đủ 4 chữ: Đức - Kỹ - Bảo - Nhân. Trong đó Đức là đạo đức; Kỹ là kỹ năng, kỹ thuật; Bảo là bảo vệ và Nhân là Nhân dân”, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Công Hoàng nhấn mạnh.

Thu Thủy

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/ttutnguyen-cong-hoang-muon-la-bac-si-gioi-can-hoi-tu-duc-ky-bao-nhan-post249225.gd