Từ 1/1/2019, bỏ quy định 'người đứng đầu' trung tâm đăng kiểm

Theo cơ chế mới, người đứng đầu đơn vị đăng kiểm không nhất thiết là người có trình độ chuyên môn về đăng kiểm.

Phương tiện chuẩn bị kiểm định đèn chiếu sáng phía trước tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 14-01D Quảng Ninh

Phương tiện chuẩn bị kiểm định đèn chiếu sáng phía trước tại Trung tâm đăng kiểm xe cơ giới 14-01D Quảng Ninh

Theo quy định tại Nghị định 139/2018 của Chính phủ về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới (có hiệu lực từ 1/1/2019), cơ cấu tổ chức hoạt động, vận hành của đơn vị (trung tâm) đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành có nhiều thay đổi so với trước. Đáng chú ý, tới đây sẽ không còn quy định về “người đứng đầu đơn vị đăng kiểm”.

Cụ thể, trước đây có quy định: “Người đứng đầu đơn vị đăng kiểm phải là đăng kiểm viên xe cơ giới và đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng; được tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm bổ nhiệm”.

Nghị định mới bỏ quy định trên và chỉ quy định về "lãnh đạo đơn vị đăng kiểm". Điều 24 của Nghị định: Lãnh đạo đơn vị đăng kiểm là người chịu trách nhiệm tổ chức, điều hành hoạt động kiểm định của đơn vị đăng kiểm và ký giấy chứng nhận kiểm định; phải là đăng kiểm viên xe cơ giới đã thực hiện nhiệm vụ của đăng kiểm viên tối thiểu 36 tháng được bổ nhiệm theo quy định của pháp luật”.

Đại diện Cục Đăng kiểm VN lý giải, với quy định “người đứng đầu”, chức danh cao nhất (giám đốc) trung tâm đăng kiểm đương nhiên phải là đăng kiểm viên đã làm việc ít nhất 36 tháng. Còn theo cơ chế mới, người chịu trách nhiệm tổ chức điều hành, ký giấy chứng nhận kiểm định xe cơ giới không nhất thiết phải là giám đốc, mà có thể là cấp phó. Còn giám đốc (nếu không điều hành hoạt động kiểm định, ký giấy chứng nhận) không yêu cầu phải có trình độ chuyên môn về đăng kiểm.

Sự điều chỉnh trên nhằm trao quyền tự quyết tổ chức bộ máy đơn vị cho nhà đầu tư, phù hợp với thực tế là nhiều trung tâm đăng kiểm được đầu tư theo hình thức xã hội hóa, với chủ doanh nghiệp là người đứng đầu đơn vị nhưng không đáp ứng được trình độ chuyên môn về đăng kiểm và không trực tiếp điều hành hoạt động đăng kiểm.

Liên quan đến đầu tư xây dựng trung tâm đăng kiểm mới, theo Cục Đăng kiểm VN, điểm nổi bật là Nghị định 139 không quy định thành lập mới trung tâm đăng kiểm phải theo quy hoạch tổng thể về trung tâm đăng kiểm. Vì vậy, tổ chức thành lập đơn vị đăng kiểm không cần có văn bản thỏa thuận, đồng ý của Cục Đăng kiểm VN mà chỉ cần thông báo đến Cục Đăng kiểm VN trước khi xây dựng trung tâm. Các điều kiện cơ sơ vật chất, nhân lực chỉ cần phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, Nghị định 139 là được Cục cấp chứng nhận đủ điều kiện hoạt động.

Được biết, đến hết tháng 11/2018 toàn quốc có 169 trung tâm, chi nhánh đăng kiểm xe cơ giới đang lưu hành. Toàn bộ kết quả kiểm định phương tiện được kết nối với cơ sở dữ liệu chung của Cục Đăng kiểm VN.

H.Lộc

Nguồn Giao Thông: http://www.baogiaothong.vn/tu-112019-bo-quy-dinh-nguoi-dung-dau-trung-tam-dang-kiem-d283886.html