Từ 1/1/2021: Cấm dịch vụ đòi nợ thuê, nhiều đối tượng không được lập doanh nghiệp
Từ 1/1/2021, rất nhiều loại hình hoạt động sẽ bị soi chiếu hoặc áp quy định mới. Theo đó, dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị nghiêm cấm. Thời gian Chính phủ hỗ trợ 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước cũng không còn. Bên cạnh, Luật Doanh nghiệp bổ sung nhiều đối tượng không được thành lập doanh nghiệp…
Dịch vụ đòi nợ thuê chính thức bị nghiêm cấm
Theo Điều 6 Luật Đầu tư 2020, cấm các hoạt động đầu tư kinh doanh sau đây:
- Kinh doanh dịch vụ đòi nợ (quy định mới)…
- Mua, bán người, mô, xác, bộ phận cơ thể người, bào thai người (bổ sung việc cấm mua, bán xác, bào thai người).
- Hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.
- Kinh doanh pháo nổ.
Trong đó, cấm kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là một quy định mới. Như vậy, từ 01/01/2021, khi Luật Đầu tư 2021 có hiệu lực, dịch vụ đòi nợ chính thức bị khai tử.
Không còn hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước
Từ 28/6/2020 đến hết ngày 31/12/2020, theo Nghị định 70/2020/NĐ-CP ngày 28/6/2020 của Chính phủ, khi mua xe ô tô được sản xuất, lắp ráp trong nước, người dân sẽ được giảm 50% lệ phí trước bạ lần đầu. Như vậy, người mua có thể tiết kiệm từ vài triệu đến vài trăm triệu tùy thuộc vào loại và hãng xe lựa chọn.
Tuy nhiên, từ ngày 1/1/2021, chính sách này sẽ chính thức hết hiệu lực, lệ phí trước bạ sẽ lại áp dụng như quy định trước đây tại Nghị định số 20/2019/NĐ-CP và các Nghị quyết, Quyết định hiện hành của HĐND hoặc UBND cấp tỉnh về mức thu lệ phí trước bạ tại địa phương, dao động 10-12% giá trị xe.
Trường hợp công khai thông tin đăng ký thuế từ 17/1/2021
Thông tư 105/2020/TT-BTC do Bộ Tài chính ban hành đã bổ sung 02 trường hợp công khai thông tin đăng ký thuế của người nộp thuế, cụ thể:
- Người nộp thuế tạm ngừng hoạt động, kinh doanh.
- Người nộp thuế có vi phạm pháp luật về đăng ký thuế.
Bên cạnh đó, Thông tư 105/2020 vẫn giữ các trường hợp ở Thông tư 95/2016/TT-BTC như: Người nộp thuế ngừng hoạt động, đã hoàn thành hoặc chưa hoàn thành thủ tục chấm dứt hiệu lực mã số thuế; Người nộp thuế không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký...
Thông tư này có hiệu lực từ 17/1/2021.
Bổ sung đối tượng không được phép thành lập doanh nghiệp
Luật Doanh nghiệp gồm 10 chương, 218 điều. Những cải cách quan trọng nhất của Luật bao gồm: Cắt giảm thủ tục hành chính, tạo thuận lợi cho việc đăng ký doanh nghiệp, gia nhập thị trường; nâng cao khung khổ pháp lý về quản trị doanh nghiệp, nâng cao mức độ bảo vệ nhà đầu tư, cổ đông theo chuẩn mực, thông lệ quốc tế tốt và phát triển.
Ngoài ra, luật góp phần nâng cao hiệu quả quản trị, hiệu quả hoạt động doanh nghiệp có sở hữu nhà nước; thúc đẩy phát triển thị trường vốn nhằm đa dạng hóa nguồn vốn cho sản xuất, đầu tư kinh doanh; tạo thuận lợi cho tổ chức lại và mua bán doanh nghiệp.
Đáng chú ý, Luật Doanh nghiệp bổ sung thêm nhiều đối tượng không được phép thành lập, quản lý doanh nghiệp, như: Người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi; sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên nghiệp, công nhân công an trong các cơ quan, đơn vị thuộc Công an nhân dân Việt Nam (trừ người được cử làm đại diện theo ủy quyền để quản lý phần vốn góp của Nhà nước tại doanh nghiệp hoặc quản lý tại doanh nghiệp Nhà nước); tổ chức là pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định theo quy định của Bộ luật Hình sự.
Kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp đến hết 2025
Quốc hội đã thông qua Nghị quyết 107/2020/QH14 về việc kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12.
Theo đó, kéo dài thời hạn miễn thuế sử dụng đất nông nghiệp được quy định tại Nghị quyết 55/2010/QH12 về miễn, giảm thuế sử dụng đất nông nghiệp (sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị quyết 28/2016/QH14) đến hết ngày 31/12/2025, thay vì đến ngày 31/12/2020 như trước.
Nghị quyết này có hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Trên đây là một số chính sách mới có hiệu lực tháng 1/2021. Ngoài ra còn rất nhiều văn bản tiêu biểu có hiệu lực trong tháng này.