Từ 1/1/2025, quy định mới bảo vệ trẻ em tham gia giao thông

Chỉ còn vài ngày nữa năm học mới sẽ bắt đầu, học sinh, sinh viên trên cả nước sẽ quay lại học tập theo kế hoạch. Việc đảm bảo an toàn giao thông cho đối tượng này được cả xã hội quan tâm, đặc biệt là nhóm đối tượng là trẻ em.

Trên thực tế, thời gian vừa qua, xảy ra nhiều vụ học sinh bị bỏ quên hoặc tử vong trên xe ô tô đưa đón, dù trước đó đã có những bài học đắt giá. Điển hình cuối tháng 5 vừa qua, một cháu bé 5 tuổi ở Thái Bình tử vong do bị bỏ quên trên xe đưa đón. Hay trước đó, tháng 8/2019, một bé trai 6 tuổi tại Hà Nội cũng bị bỏ quên trong xe đưa đón dẫn tới tử vong.

Chỉ 1 tháng sau, tại Bắc Ninh một cháu bé 3 tuổi lại bị tài xế bỏ quên trên xe; sau khoảng 7 tiếng thì cháu bé mới được phát hiện, đưa đi cấp cứu và may mắn sống sót...

Xe ô tô trong vụ học sinh bị bỏ quên tại Thái Bình.

Xe ô tô trong vụ học sinh bị bỏ quên tại Thái Bình.

Việc giảm tải những rủi ro này ngoài ý thức của những người tham gia trực tiếp đưa đón học sinh, trách nhiệm của người đứng đầu các nhà trường, cần phải hoàn thiện về cơ chế luật để đảm bảo tính răn đe và đưa ra các tiêu chí cụ thể hướng dẫn đối với những lực lượng liên quan tới lĩnh vực này.

Tại kỳ họp thứ 7 khóa XV vừa qua, Quốc hội thông qua luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (TTATGTĐB), có hiệu lực từ 1/1/2025, với một quy định mang tính bước ngoặt. Những quy định này được kỳ vọng sẽ ngăn chặn hậu quả tái diễn.

Theo dự kiến Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ sẽ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025, riêng quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Về tổng thể, Luật được xây dựng, ban hành đã tạo cơ sở pháp lý về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông (trong đó có đối tượng trẻ em), xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn, góp phần bảo đảm tốt hơn quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp năm 2013 và các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phổ biến về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tới Công an tất cả 63 tỉnh thành.

Thiếu tướng Nguyễn Văn Minh, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát giao thông phổ biến về Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ tới Công an tất cả 63 tỉnh thành.

Những điểm mới, được bổ xung vào bộ Luật này quy định về bảo vệ trẻ em khi tham gia giao thông đường bộ, với những nội dung cụ thể như sau;

Khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em, được quy định tại khoản 3 Điều 10.

Người lái xe mô tô hai bánh, xe gắn máy chỉ được chở một người; trường hợp người được chở là trẻ em dưới 12 tuổi thì được chở tối đa hai người.

Đối với xe ô tô kinh doanh vận tải chở trẻ em mầm non, học sinh phải bảo đảm có chứng nhận đăng ký xe, biển số xe, chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường; có thiết bị ghi nhận hình ảnh trẻ em mầm non, học sinh và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe; có niên hạn sử dụng không quá 20 năm; có màu sơn theo quy định của Chính phủ.

Xe ô tô chở trẻ em mầm non hoặc học sinh tiểu học phải có dây đai an toàn phù hợp với lứa tuổi hoặc sử dụng xe có ghế ngồi phù hợp với lứa tuổi theo quy định của pháp luật.

Với loại xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón trẻ em mầm non, học sinh thì ngoài các quy định trên còn phải thực hiện khi chở trẻ em dưới 10 tuổi và chiều cao dưới 1,35 mét trên xe ô tô không được cho trẻ em ngồi cùng hàng ghế với người lái xe, trừ loại xe ô tô chỉ có một hàng ghế; người lái xe phải sử dụng, hướng dẫn sử dụng thiết bị an toàn phù hợp cho trẻ em.

Khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh tiểu học phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe từ 29 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) mà chở từ 27 trẻ em mầm non và học sinh tiểu học trở lên phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô tô. Còn người quản lý và người lái xe phải có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để trẻ em mầm non, học sinh tiểu học trên xe khi người quản lý và người lái xe đã rời xe.

Đối với người lái xe ô tô đưa đón trẻ em mầm non, học sinh phải có tối thiểu 02 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Các cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý trẻ em mầm non, học sinh nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón trẻ em mầm non, học sinh của cơ sở giáo dục đó.

Bên cạnh đó, Luật cũng quy định trách nhiệm của Bộ Giao thông vận tải trong việc ban hành quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô.

Theo Bộ Công an, mặc dù Luật Trật tự, an toàn giao thông có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nhưng riêng quy định về thiết bị an toàn cho trẻ em trên xe ô tô có hiệu lực từ ngày 1/1/2026.

Những người xây dựng luật cần có thời gian chuẩn bị về phương án và các quy định đi kèm để việc thực thi luật tốt hơn. Đồng thời cần thời gian để đưa ra các quy chuẩn chất lượng cho thiết bị; người dân cần chuẩn bị tiếp nhận và đáp ứng yêu cầu của luật mới.

Minh Lý

Nguồn Công Lý: https://congly.vn/tu-1-1-2025-quy-dinh-moi-bao-ve-tre-em-tham-gia-giao-thong-445716.html