Từ 1/1/2025: Sáp nhập toàn bộ huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc, Thành phố Huế

Tại Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc, thành phố Huế; thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc. Nghị quyết này có hiệu lực từ 1/1/2025.

Nhập toàn bộ huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc, thành phố Huế

Tại Nghị quyết số 1314/NQ-UBTVQH15, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị nhập toàn bộ huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc, thành phố Huế.

Cụ thể, nhập toàn bộ diện tích tự nhiên là 647,82 km2, quy mô dân số là 26.427 người của huyện Nam Đông vào huyện Phú Lộc.

Sau khi nhập, huyện Phú Lộc có diện tích tự nhiên là 1.368,23 km2 và quy mô dân số là 180.606 người.

Huyện Phú Lộc giáp huyện A Lưới, huyện Phú Vang, thị xã Hương Thủy; thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và Biển Đông.

Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc

Thành lập thị trấn Lộc Sơn thuộc huyện Phú Lộc trên cơ sở toàn bộ diện tích tự nhiên là 18,99 km2 và quy mô dân số là 8.593 người của xã Lộc Sơn.

Thị trấn Lộc Sơn giáp các xã Lộc An, Lộc Bổn và Xuân Lộc.

Sau khi sắp xếp và thành lập thị trấn, huyện Phú Lộc có 27 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 23 xã: Giang Hải, Hương Hữu, Hương Lộc, Hương Phú, Hương Sơn, Hương Xuân, Lộc An, Lộc Bình, Lộc Bổn, Lộc Điền, Lộc Hòa, Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Trì, Lộc Vĩnh, Thượng Long, Thượng Lộ, Thượng Nhật, Thượng Quảng, Vinh Hiền, Vinh Hưng, Vinh Mỹ, Xuân Lộc và 04 thị trấn: Khe Tre, Lăng Cô, Lộc Sơn, Phú Lộc.

Cũng trong Nghị quyết này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết nghị giải thể Tòa án nhân dân huyện Nam Đông, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông.

Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Phú Lộc có trách nhiệm kế thừa nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân huyện Nam Đông theo quy định của pháp luật.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2025. Kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành, thành phố Huế có 09 đơn vị hành chính cấp huyện, gồm 04 huyện, 03 thị xã và 02 quận; 133 đơn vị hành chính cấp xã, gồm 48 phường, 78 xã và 07 thị trấn.

Về tổ chức thực hiện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế (Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân thành phố Huế kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành) và các cơ quan, tổ chức hữu quan có trách nhiệm tổ chức thi hành Nghị quyết này; sắp xếp, kiện toàn bộ máy các cơ quan, tổ chức ở địa phương; ổn định đời sống của Nhân dân địa phương, bảo đảm yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng và an ninh trên địa bàn.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm hướng dẫn việc thực hiện các nội dung của Nghị quyết thuộc trách nhiệm quản lý; sắp xếp, bố trí công chức, người lao động, xử lý trụ sở, tài sản công tại Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân bị giải thể; sắp xếp tổ chức bộ máy, quyết định biên chế, số lượng Thẩm phán, Kiểm sát viên, công chức khác, người lao động của Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân thành phố Huế, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân quận Thuận Hóa, quận Phú Xuân, thị xã Phong Điền, huyện Phú Lộc và các nội dung khác thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội và Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Huế, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, giám sát việc thực hiện Nghị quyết này.

Nguồn Chính Phủ: https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tu-1-1-2025-nhap-toan-bo-huyen-nam-dong-vao-huyen-phu-loc-thanh-pho-hue-thanh-lap-thi-tran-loc-son-119241205112536832.htm