Từ 1/2/2024, học viên sẽ sát hạch lái xe trên phần mềm mô phỏng mới

Cục Đường bộ Việt Nam vừa tổ chức tập huấn, hướng dẫn các Sở GTVT, cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật phần mềm mô phỏng tình huống giao thông phục vụ đào tạo, sát hạch lái xe sau hơn 5 tháng triển khai.

Ảnh minh họa phần thi sát hạch lái xe mô phỏng. Ảnh chụp màn hình.

Ảnh minh họa phần thi sát hạch lái xe mô phỏng. Ảnh chụp màn hình.

Những nội dung được điều chỉnh bao gồm: Điều chỉnh đồ họa các tình huống có ảnh mờ, độ phân giải thấp để nâng cao chất lượng hình ảnh, giúp người học dễ quan sát, nhận diện tình huống dễ hơn. Phần mềm ôn tập thêm 3 tính năng như bổ sung và hiển thị tên của từng tình huống để người học nhận biết. Bổ sung các nút cho phép chuyển sang các tình huống trước/sau. Hiển thị thanh và cờ chấm điểm cho từng tình huống. Phần thi thử được thiết kế giao diện như khi sát hạch để học viên làm quen.

Phần mềm sát hạch sẽ tăng thời gian đếm ngược (nghỉ) giữa các tình huống từ 3s lên 10s để học viên có thêm thời gian chuẩn bị, điều chỉnh không cho click đúp vào phần video, khi mở phần mềm thì giao diện chiếm toàn màn hình, không hiển thị thanh taskbar của Windows (hạn chế mất tập trung của người thi), kéo dài mốc chấm điểm (từ mốc 5đ đến mốc 0đ) để giúp người học có thêm thời gian nhận biết và thao tác bàn phím máy tính.

Trước đó, từ tháng 6/2022, học viên dự sát hạch lái ô tô phải thi xử lý tình huống giao thông trên phần mềm mô phỏng với 120 câu hỏi hình ảnh 3D và video các tuyến đường trong đô thị, ngoài đô thị, đường đèo núi và tình huống giao thông nguy hiểm. Phần mềm này được xây dựng trên cơ sở nghiên cứu phần mềm mô phỏng dùng cho sát hạch tại một số nước phát triển như Anh, Australia, Nhật, Singapore, giúp người học nhận biết, phát hiện các tình huống mất an toàn giao thông thường xảy ra trong thực tế để lái xe an toàn.

Sau hơn một năm áp dụng, nội dung sát hạch trên phần mềm mô phỏng đã nhận nhiều ý kiến trái chiều từ phía học viên, đơn vị sát hạch. Các Sở Giao thông Vận tải Bình Dương, Bình Định, Đà Nẵng mới đây đã có kiến nghị Cục Đường bộ Việt Nam xem xét tính thực tế cũng như hiệu quả mang lại xem có cần thiết duy trì nội dung phần mềm mô phỏng hay không. Các đơn vị này cũng đề suất phần mềm chỉ nên đưa vào bài giảng Luật Giao thông đường bộ và kỹ thuật lái xe, không sử dụng làm nội dung sát hạch lái xe.

Theo phản ánh của nhiều học viên, học viên thường phải tham khảo đủ 120 tình huống mô phỏng và xem trước các đáp án để biết khoảnh khắc nào cần nhấn phím space. Nhiều người cho rằng thực tế là nếu không học thuộc lòng mà chỉ dựa vào khả năng nhận biết thì thí sinh vẫn có thể thi trượt. Các đáp án cũng gây tranh cãi trái chiều do được cài đặt theo ý tưởng chủ quan của người ra đề. Việc phải học thuộc đáp án và bấm phím space kịp thời để đạt điểm cũng khiến nhiều người đặt dấu hỏi về giá trị thực tiễn của bài thi mô phỏng này.

Tuy nhiên, phần mềm mô phỏng các tình huống giao thông được thực hiện theo quy định tại NĐ số 138 sửa đổi, bổ sung một số điều NĐ số 65 về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ô tô và sát hạch lái xe.

Phần mềm mới sẽ được các cơ sở đào tạo, trung tâm sát hạch cập nhật để học viên ôn luyện, dự kiến chính thức sử dụng để sát hạch từ ngày 01/02/2024 sắp tới.

Hoàng Lâm

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/tu-1-2-2024-hoc-vien-se-sat-hach-lai-xe-tren-phan-mem-mo-phong-moi.htm