Từ 1.3, Hà Nội trưng bày và lấy ý kiến người dân về kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo
Từ ngày 1.3, Hà Nội sẽ tổ chức trưng bày các phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo để lấy ý kiến người dân.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội vừa công bố ba phương án thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo đoạt giải cuộc thi tuyển chọn ý tưởng. Cơ quan này cũng cho biết UBND TP Hà Nội đã có văn bản về việc chấp thuận tổ chức trưng bày, triển lãm kết quả thi tuyển và tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo để tham vấn ý kiến cộng đồng trước khi báo cáo UBND TP xem xét, quyết định phê duyệt kết quả phương án kiến ưù́c cầu Trần Hưng Đạo.
Theo đó, thời gian triển lãm từ ngày 1.3.2022 đến hết ngày 31.3. Triển lãm được mở cửa tất cả các ngày trong tuần (sáng từ 8h30 đến 11h30; chiều từ 13h30 đến 16h30). Triển lãm sẽ diễn ra tại nhà triển lãm số 93, Đinh Tiên Hoàng (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Triển lãm với mục đích lấy ý kiến cộng đồng qua phiếu tham vấn và tại website: tapchikientruc.com.vn của Tạp chí Kiến trúc.
Từ kết quả triển lãm, trưng bày, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông thành phố Hà Nội, Sở Quy hoạch - Kiến trúc tổng hợp ý kiến cộng đồng, xem xét kết quả phê duyệt kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo báo cáo UBND TP. Hà Nội.
Về kết quả thi tuyển kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo, từ 20 phương án tham gia cuộc thi, Hội đồng thi tuyển đã chấm giải nhất cho phương án có mã số THĐ 12 (DD1188). Theo phương án này, thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo chính có dạng cầu vòm thép, sơ đồ nhịp chính là: 150mx6; L = 900m; Mặt cắt ngang cầu chính tại giữa nhịp: B = 40,66m, tại trụ cầu: B = 47,76m: ở vị trí trụ cầu bố trí các đài vọng cảnh phục vụ nhu cầu ngắm cảnh của người dân và tạo điểm nhấn kết cấu; số làn giao thông: 4 làn xe cơ giới, 2 làn hỗn hợp, 2 làn xe đạp và vỉa hè người đi bộ.
Giải nhì cuộc thi thuộc phương án có mã số THĐ 18 (VT0002), với kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo là vòm thép, kết cấu mố trụ bê tông cốt thép vĩnh cửu; chiều dài cầu chính 5 nhịp: (110+130+130+110+110m) là 590 mét; chiều rộng mặt cầu là 33 mét (B=33,0m).
Giải ba cuộc thi thuộc phương án có mã số THĐ 07 (TT1228) với kiến trúc cầu chính Trần Hưng Đạo dạng dây văng với kết cấu dầm chủ dạng bê tông cốt thép dự ứng lực; Sơ đồ nhịp: 06 nhịp: (102+4xl60+102)m = 844m; bề rộng mặt cầu chính qua sông đảm bảo 6 làn: B=38m.
Ngoài ra, Ban tổ chức triển lãm cũng chọn phương án kiến trúc số 3 - cầu dầm hộp bê tông cốt thép dự ứng lực kết hợp trụ tháp được Hội đồng tuyển chọn phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo chọn trước đây để người dân cho ý kiến(*).
Cuộc thi thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo được tổ chức từ tháng 11.2021, sau khi phương án kiến trúc do nhà đầu tư đưa ra bị phản ứng. Giải thưởng phương án kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo lên đến 1,3 tỷ đồng. Trong đó, giải Nhất 800 triệu đồng, giải Nhì 300 triệu đồng và giải Ba 200 triệu đồng.
* Trước đó, tại Kỳ họp thứ 3 vào chiều 7.12, UBND Thành phố trình HĐND Thành phố xem xét, thông qua báo cáo về tình hình thực hiện Kế hoạch đầu tư công năm 2021 và Kế hoạch đầu tư công nguồn ngân sách Thành phố năm 2022; cập nhật một số nội dung Kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025 của Thành phố; đề xuất các dự án thuộc danh mục trọng điểm của Thành phố giai đoạn 2021-2025. Thành phố đề xuất danh mục công trình trọng điểm giai đoạn 2021-2025 gồm 39 dự án; Về nguồn vốn và hình thức đầu tư, có 32 dự án từ ngân sách, ODA; 1 dự án đầu tư theo hình thức PPP; 5 dự án đầu tư theo hình thức xã hội hóa; 1 dự án đầu tư kết hợp giữa nguồn vốn FDI + xã hội hóa. Dự kiến 17 dự án hoàn thành trong giai đoạn 2021- 2025 và 22 dự án triển khai đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 và hoàn thành sau năm 2025.
Trong đó Dự án đầu tư cầu Trần Hưng Đạo kết hợp giữa các nguồn vốn NSTP + PPP. Cầu Trần Hưng Đạo có chiều dài 3,1 km, vốn đầu tư 8.400 tỷ đồng, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2022 – 2026. Dự án được đầu tư theo hình thức PPP. Đầu tháng 11 vừa qua, UBND thành phố Hà Nội cũng đã ra Quyết định 4764/QĐ-UBND (ngày 9.11.2021) phê duyệt 19 thành viên Hội đồng thi tuyển phương án thiết kế kiến trúc cầu Trần Hưng Đạo do TS-KTS Phan Đăng Sơn, Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam làm Chủ tịch Hội đồng...
Tr.Văn
_____________
(*) Tại phương án này, kiến trúc cầu mang phong cách cổ điển, kết nối trục cảnh quan đường Trần Hưng Đạo với các công trình kiến trúc kiểu Pháp sang bờ Bắc khu vực phát triển mới Bắc sông Hồng; phương án mang dáng vẻ cổ điển, là sự gợi nhớ về vẻ đẹp cổ kính.