Từ 1/6: YouTuber Việt Nam sẽ phải chịu thuế cho lượt xem ở Mỹ
Từ tháng 6, YouTuber Việt Nam phải đóng thêm 30% thuế trên tổng thu nhập từ lượt xem tại Mỹ. Động thái này được cho là do chính phủ Mỹ muốn siết chặt chính sách thuế với các nền tảng xuyên quốc gia.
Trên trang web hỗ trợ, YouTube mới đây cho biết Mỹ có thể bắt đầu thu thuế đối với các YouTuber có thu nhập từ lượt xem tại nước này từ 1-6. Do đó, YouTube đã yêu cầu người sáng tạo gửi thông tin thuế của họ cho AdSense để biết số thuế chính xác của người sáng tạo nội dung.
Nếu chủ kênh YouTube không cung cấp thông tin trước 31-5, có thể sẽ bị Google đề xuất khấu trừ 24% tổng thu nhập trên toàn thế giới.
Ví dụ: Một YouTuber Việt Nam (bên ngoài nước Mỹ) kiếm được 1.000 USD từ việc làm YouTube. Trong đó, người này có 100 USD kiếm được từ lượt hiển thị quảng cáo tại Mỹ. Nếu người sáng tạo không gửi thông tin thuế, khoản khấu trừ thuế là 240 USD.
"Điều này có nghĩa là cho đến khi người sáng tạo gửi đầy đủ thông tin thuế, chúng tôi sẽ khấu trừ tới 24% tổng thu nhập của họ trên toàn thế giới, không chỉ thu nhập ở Mỹ", YouTube cho biết trên trang web hỗ trợ.
Nếu người sáng tạo gửi thông tin thuế sẽ có hai trường hợp xảy ra. YouTube cho biết, các quốc gia có mối quan hệ hiệp ước về thuế với Mỹ ví dụ như Ấn Độ, sẽ được giảm xuống 15% thu nhập từ người xem ở Mỹ. Điều này đồng nghĩa nhà sáng tạo sẽ trả 15 USD tiền thuế cho thu nhập 100 USD từ người xem tại Mỹ.
Nếu người sáng tạo gửi thông tin thuế nhưng không đủ điều kiện nhận quyền lợi của hiệp định thuế, khoản khấu trừ thuế cuối cùng sẽ là 30 USD. Điều này là do thuế suất dành cho nhà sáng tạo từ các nước không có hiệp ước thuế là 30% thu nhập từ người xem ở Mỹ. Nếu người sáng tạo nội dung không kiếm tiền từ lượt xem tại Mỹ sẽ không phải chịu thuế tại nước này.
Động thái này được cho là do Chính phủ Mỹ bắt đầu siết chặt chính sách thuế với các nền tảng mạng xã hội xuyên quốc gia.
Sau khi Google bắt đầu khấu trừ thuế, YouTuber sẽ thấy số tiền cuối cùng được khấu lưu trong Báo cáo giao dịch thanh toán AdSense của họ. Khoản thu nhập sau khi chịu thuế tại Mỹ của các YouTuber tiếp tục được đánh thuế thu nhập tại Việt Nam. Cụ thể, mức thuế này là 7% (5% thuế giá trị gia tăng và 2% thuế thu nhập cá nhân), tính trên tổng thu nhập được Google gửi về các YouTuber ở Việt Nam.
Thạc sĩ luật Lê Minh Khoa (Đại học Jean Moulin Lyon III, Cộng hòa Pháp), mức thuế 30% và 24% mà Google sẽ khấu trừ đối với các YouTuber ngoài nước Mỹ là thuế nhà thầu. Hiện tại, pháp luật về thuế tại Việt Nam cũng đã áp dụng thuế nhà thầu đối với các dịch vụ xuyên biên giới phát sinh thu nhập tại Việt Nam, đơn cử như dịch vụ quảng cáo trên Google (trong đó có YouTube), nhưng mức phổ biến chỉ 10%.
Thạc sĩ Khoa cho rằng, bản chất “thuế nhà thầu” là một cách thu thuế chứ không phải là một sắc thuế. Trong cách thu thuế nhà thầu, có thể gồm cả thuế thu nhập cá nhân/doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng và có thể cả thuế tiêu thụ đặc biệt... cũng được tính chung vào. Nhưng trong trường hợp YouTuber Việt bị Google khấu trừ với 2 mức thuế trên, cơ cấu tiền thuế phải nộp có bản chất là thuế thu nhập cá nhân/doanh nghiệp.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tại Việt Nam hiện có khoảng trên 15.000 kênh YouTube đã được bật tính năng kiếm tiền với nguồn thu nhập chủ yếu đến từ việc chia sẻ doanh thu quảng cáo từ Google, trong đó có rất nhiều YouTuber lâu nay chưa thực hiện nghĩa vụ thuế thu nhập tại Việt Nam. Tuy nhiên, với việc điều chỉnh lại chính sách thuế từ Google được áp dụng từ ngày 1-6 tới, các YouTuber chưa đóng thuế tại Việt Nam sẽ không thoát được khoản thuế theo 2 mức trên mà Google sẽ khấu trừ. Vì Google chính là phía chi trả trực tiếp cho các YouTuber.
Còn đối với các trường hợp YouTuber lâu nay đã thực hiện nghĩa vụ thuế tại Việt Nam, theo thạc sĩ Khoa, từ ngày 1-6 tới có thể gặp tình trạng thuế chồng thuế. Theo đó, các YouTuber này vừa bị Google khấu trừ tiền thuế theo 2 mức trên ngay từ nguồn chi trả đối với doanh thu quảng cáo được chia sẻ, và vừa phải tiếp tục đóng thuế thu nhập tại Việt Nam sau đó.
“Theo tôi biết thì Việt Nam và Hoa Kỳ đã ký kết hiệp định tránh đánh thuế hai lần. Như vậy về nguyên tắc, YouTuber Việt có quyền làm thủ tục để yêu cầu cơ quan thuế tại Việt Nam xem xét miễn giảm. Tuy nhiên, việc xem xét, giải quyết như thế nào còn phụ thuộc vào quan điểm, nhận định vấn đề của phía cơ quan thuế’, thạc sĩ Khoa cho biết.