Từ 1/7/2022, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng 6%

Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1-7-2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định.

Sáng 12/4, Hội đồng Tiền lương quốc gia họp phiên thứ 2 dưới sự chủ trì của ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội - Chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia. Phiên họp tiếp tục thảo luận, thương lượng về việc tăng lương tối thiểu vùng cho người lao động tại doanh nghiệp.

Người lao động mong ngóng mức lương sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới

Người lao động mong ngóng mức lương sẽ sớm được cải thiện trong thời gian tới

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên 2 năm qua (2020 và 2021) Chính phủ chưa điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng. Lần điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng gần nhất là từ ngày 1/1/2020 với vùng I là 4,42 triệu đồng; vùng II 3,92 triệu; vùng III 3,42 triệu và vùng IV 3,07 triệu đồng. Từ đó đến nay, các doanh nghiệp tiếp tục duy trì mức lương tối thiểu theo Nghị định 90/2019/NĐ-CP mà chưa điều chỉnh tiền lương cho người lao động.

Với mức lương tối thiếu 2 năm vẫn “dẫm chân tại chỗ” cộng với dịch bệnh COVID-19 kéo dài đã và đang khiến đời sống, việc làm, thu nhập của một bộ phận không nhỏ người lao đông và gia đình họ gặp rất nhiều khó khăn.

Phân tích về lý do cần phải tăng lương cho người lao động từ 1/7/2022, đại diện lãnh đạo của Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết: Trước hết, căn cứ Điều 91 Bộ luật Lao động 2019: “Mức lương tối thiểu là mức lương thấp nhất được trả cho người lao động làm công việc giản đơn nhất trong điều kiện lao động bình thường nhằm bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội”

Cùng với đó, căn cứ theo Nghị quyết Số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp, từ năm 2021, Nhà nước định kỳ điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trên cơ sở khuyến nghị của Hội đồng Tiền lương quốc gia. Các doanh nghiệp được thực hiện chính sách tiền lương trên cơ sở thương lượng, thỏa thuận giữa người sử dụng lao động với người lao đông và đại diện tập thể người lao động; Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào chính sách tiền lương của doanh nghiệp.

Hơn thế, Việt Nam đang chuyển sang giai đoạn phục hồi, phát triển, đặc biệt trong quý I vừa qua nền kinh tế Việt Nam đã phục hồi rất mạnh mẽ. Trong khi đó người lao đông vẫn đang hết sức khó khăn. Tăng lương lúc này vừa để hỗ trợ giúp cho người lao động vượt qua khó khăn, đồng thời là động lực để tăng năng suất lao động, giúp cho doanh nghiệp phục hồi nhanh, phát triển mạnh.

Sau hai phiên họp, thương lượng, sáng 12/4, với đa số phiếu tán thành, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã đồng thuận và chốt đề xuất tăng lương tối thiểu vùng từ ngày 1/7/2022 ở mức 6% để trình Chính phủ xem xét quyết định. Đây cũng là phương án duy nhất được Hội đồng Tiền lương quốc gia đưa ra để bỏ phiếu kín.

Mức tăng 6% nhận được sự đồng thuận của 17/17 thành viên; thời điểm tăng từ 1/7/2022 nhận được sự đồng thuận của 15/17 thành viên.

Hoàng Mai

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-172022-de-xuat-tang-luong-toi-thieu-vung-6-175007.html