Từ 1/7/2024, dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt được quy định thế nào?
Nghị định số 52/2024/NĐ-CP về thanh toán không dùng tiền mặt (có hiệu lực từ ngày 1/7/2024), người dân nên cập nhật để thuận lợi trong giao dịch.
1. Những dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt từ 1/7/2024
Theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt (sau đây gọi là dịch vụ thanh toán) bao gồm: dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng và dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng.
2. Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng từ 1/7/2024
Theo đó, tại Điều 17 Nghị định 52/2024/NĐ-CP quy định về dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng như sau:
- Dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:
+ Cung ứng phương tiện thanh toán;
+ Thực hiện dịch vụ thanh toán: séc, lệnh chi, ủy nhiệm chi, nhờ thu, ủy nhiệm thu, thẻ ngân hàng, chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;
+ Các dịch vụ thanh toán khác thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Các tổ chức cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng:
+ Ngân hàng Nhà nước cung ứng các dịch vụ thanh toán cho các khách hàng mở tài khoản thanh toán tại Ngân hàng Nhà nước;
+ Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách cung ứng tất cả các dịch vụ thanh toán theo quy định nêu trên;
+ Ngân hàng hợp tác xã được cung ứng một số dịch vụ thanh toán theo quy định nêu trên sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp.
- Việc cung ứng dịch vụ thanh toán qua tài khoản thanh toán của khách hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
3. Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng từ 1/7/2024
Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng được quy định tại Điều 18 Nghị định 52/2024/NĐ-CP như sau:
- Dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng, bao gồm:
+ Thực hiện dịch vụ thanh toán: chuyển tiền, thu hộ, chi hộ;
+ Các dịch vụ thanh toán khác không qua tài khoản thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
- Các tổ chức được cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng:
+ Ngân hàng thương mại, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, ngân hàng chính sách;
+ Ngân hàng hợp tác xã được cung ứng một số dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;
+ Quỹ tín dụng nhân dân được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho thành viên, khách hàng của quỹ tín dụng nhân dân đó sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;
+ Tổ chức tài chính vi mô được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ cho khách hàng của tổ chức tài chính vi mô sau khi được ghi trong Giấy phép thành lập và hoạt động do Ngân hàng Nhà nước cấp;
+ Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thu hộ, chi hộ sau khi đáp ứng điều kiện quy định tại mục 3 và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản.
- Việc cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng thực hiện theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.
4. Điều kiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích
Doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích được cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng khi đáp ứng đầy đủ và phải đảm bảo duy trì đủ các điều kiện sau đây trong quá trình cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng:
- Có hệ thống thông tin phục vụ cho hoạt động cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng đáp ứng yêu cầu đảm bảo an toàn hệ thống thông tin cấp độ 3 theo quy định của pháp luật.
- Điều kiện về nhân sự: Người đại diện theo pháp luật, Tổng Giám đốc (Giám đốc), Người phụ trách cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng của doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính công ích phải có bằng đại học trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin.
Các cán bộ chủ chốt thực hiện cung ứng dịch vụ thanh toán không qua tài khoản thanh toán của khách hàng (gồm Trưởng phòng (ban) hoặc tương đương và các cán bộ kỹ thuật) có bằng cao đẳng trở lên về một trong các ngành kinh tế, quản trị kinh doanh, luật, công nghệ thông tin hoặc lĩnh vực chuyên môn đảm nhiệm.
- Có quy trình nghiệp vụ kỹ thuật đối với từng loại dịch vụ; có biện pháp đảm bảo khả năng thanh toán, duy trì số dư tài khoản thanh toán của đơn vị mình tại ngân hàng và tiền mặt lớn hơn số tiền phải trả cho khách hàng tại thời điểm chi trả; quy trình kiểm tra, kiểm soát nội bộ; cơ chế quản lý rủi ro; các nguyên tắc chung và quy định nội bộ về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt; quy trình và thủ tục giải quyết yêu cầu tra soát, khiếu nại, tranh chấp; quy định quyền và trách nhiệm của các bên có liên quan.
- Có phương án thu gom, vận chuyển tiền mặt đảm bảo cuối ngày nộp vào tài khoản thanh toán mở tại ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn đối với việc luân chuyển tiền mặt; trang bị các thiết bị đảm bảo việc giao nhận, bảo quản tiền mặt, quy định hạn mức chuyển tiền, nhận tiền, mức tồn quỹ tại các điểm cung cấp dịch vụ; đảm bảo công tác phòng cháy, chữa cháy theo quy định của pháp luật.
(Điều 19 Nghị định 52/2024/NĐ-CP).