Từ 1/7/2024 sẽ thực hiện quy định mới về lương tối thiểu vùng

Từ 1/7/2024, lương tối thiểu vùng sẽ tăng lên bao nhiêu; khi người lao động ngừng việc có được hưởng lương; đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) vượt số năm quy định sẽ tính thế nào... là những vấn đề đoàn viên công đoàn, người lao động gửi tới các chuyên gia.

Lương tối thiểu vùng tăng từ 200.000 - 280.000 đồng

Chiều 7/5, Báo Lao động Thủ đô phối hợp với Liên đoàn Lao động quận Nam Từ Liêm tổ chức buổi Đối thoại – giao lưu trực tuyến – truyền thông chính sách năm 2024 với chuyên đề “Những điểm mới về tiền lương, bảo hiểm xã hội và an toàn vệ sinh lao động”.

Tại buổi đối thoại, Phó Trưởng Ban Quan hệ lao động – Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Hồ Thị Kim Ngân thông tin về việc, từ ngày 1/7/2024, sẽ thực hiện điều chỉnh lương tối thiểu vùng. Hiện tại, Bộ LĐTB&XH đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 38/2022/NĐ-CP, dự kiến điều chỉnh tiền lương tối thiểu vùng tăng 6% so với hiện tại. Như vậy, tiền lương tối thiểu vùng sẽ tăng từ 200.000 – 280.000 đồng/tháng, chẳng hạn, lương tối thiểu vùng I hiện nay là 4.680.000 đồng, từ ngày 1/7/2024 sẽ tăng lên 4.960.000 đồng.

Các chuyên gia tham gia buổi Đối thoại - giao lưu trực tuyến trả lời nhiều câu hỏi về tiền lương, BHXH và an toàn vệ sinh lao động.

“Trong trường hợp, mức lương của người lao động đã cao hơn lương tối thiểu vùng thì DN không có trách nhiệm điều chỉnh cao hơn. Tăng lương tối thiểu vùng chỉ có tác dụng đối với người lao động có lương bằng hoặc thấp hơn mức lương tối thiểu vùng” – bà Hồ Thị Kim Ngân nhấn mạnh.

Về câu hỏi trường hợp phải ngừng việc thì người lao động được trả lương như thế nào, bà Hồ Thị Kim Ngân phản hồi: nếu người lao động ngừng việc liên quan tới trách nhiệm của người sử dụng lao động, thì người sử dụng lao động phải trả lương cho người lao động.

Tiền lương ngừng việc sẽ do hai bên thỏa thuận. Trong 14 ngày đầu tiên, mức thỏa thuận không được thấp hơn mức lương tối thiểu của người lao động đang được hưởng. Sau đó, nếu người lao động vẫn phải ngừng việc lâu hơn 14 ngày thì hai bên vẫn tiếp tục thỏa thuận mức trả lương.

Trường hợp ngừng việc do lỗi của người lao động thì người sử dụng lao động sẽ không phải trả lương. Tuy nhiên, nếu do lỗi của một người lao động nào đó làm ảnh hưởng đến những người lao động khác phải ngừng việc thì việc hưởng lương vẫn dựa trên sự thỏa thuận giữa người sử dụng lao động và người lao động trong thời gian làm việc.

Đóng BHXH vượt số năm sẽ được trợ cấp khi nghỉ hưu

Đóng BHXH vượt số năm quy định thì được hưởng lương hưu thế nào cũng là vấn đề được nhiều đoàn viên công đoàn và người lao động quan tâm. Khi người lao động đạt mốc 35 năm tham gia BHXH đối với nam và 30 năm đối với nữ thì có cần đóng BHXH nữa? Về câu hỏi này, Trưởng phòng Truyền thông Bảo hiểm xã hội TP Hà Nội Dương Thị Minh Châu cho biết, khi người lao động đủ thời gian đóng BHXH và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng lương hưu theo quy định.

Người lao động đặt câu hỏi về trường hợp bị tai nạn trên đường từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại có được hưởng chế độ tai nạn lao động.

Trường hợp người lao động đạt mốc thời gian 35 năm đóng BHXH đối với nam, 30 năm với nữ nhưng vẫn tiếp tục tham gia thì sẽ được hưởng lương hưu và hưởng trợ cấp BHXH một lần cho thời gian đóng thêm.

Bà Minh Châu cũng cho biết, tỉ lệ đóng BHXH của giáo viên trường học công và trường học tư là như nhau. Tuy nhiên, do chế độ tiền lương khác nhau nên mức đóng BHXH giữa giáo viên trường công và trường tư sẽ có sự chênh lệch. Theo Quyết định số 595/QĐ-BHXH năm 2017, tỉ lệ đóng BHXH hàng tháng của giáo viên bằng 10,5%. Mức đóng BHXH sẽ dựa trên tỉ lệ 10,5% nhân với mức tiền lương tháng đóng BHXH.

Người lao động phải biết đánh giá rủi ro về an toàn lao động

Về nội dung an toàn lao động cho người lao động, Phó Trưởng Khoa An toàn lao động và sức khỏe nghề nghiệp – Trường Đại học Công đoàn TS Đỗ Thị Lan Chi chia sẻ: thời gian qua, xảy ra 2 vụ tai nạn lao động rất nghiêm trọng, làm chết nhiều người như vụ nổ lò hơi và vụ lò quay. Câu hỏi đặt ra là tại sao lại nhiều vụ tai nạn như vậy? Trách nhiệm của chủ sử dụng lao động đã rõ nhưng phải đặt ngược lại người lao động làm việc bất chấp, chỉ cần có tiền lương...

Do đó, người lao động phải tôn trọng thực hiện nội quy an toàn vệ sinh lao động; biết đánh giá rủi ro về an toàn vệ sinh lao động. Trong các tình huống cụ thể, người lao động phải đặt ra câu hỏi phải thoát nạn như thế nào, đảm bảo an toàn tính mạng ra sao. Nếu người lao động thấy công việc ảnh hưởng đến an toàn tính mạng thì có thể tiếp tục không làm việc mà không sai luật. Bởi chỉ cần một rủi ro, không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân người lao động mà còn đến gia đình và xã hội.

Về câu hỏi người lao động gặp tai nạn trên tuyến đường từ nhà đến nơi làm việc và ngược lại thì có được hưởng chế độ tai nạn lao động, chuyên gia Đỗ Thị Lan Chi phản hồi: Theo quy định Luật An toàn, vệ sinh lao động, nếu người lao động đi từ nơi ở đến nơi làm việc hoặc ngược lại, trên tuyến đường và thời gian hợp lý thì sẽ được hưởng các chế độ tai nạn lao động. “Nếu người lao động không chủ ý gây ra tai nạn đó thì mới được xem là tai nạn lao động. Còn nếu người lao động chủ ý gây tai nạn hoặc dùng chất kích... thì tai nạn đó không phải là tai nạn lao động” – bà Lan Chi lưu ý.

Thủy Trúc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/tu-1-7-2024-se-thuc-hien-quy-dinh-moi-ve-luong-toi-thieu-vung.html