Từ 1/7/2025: Trường hợp nào nghỉ hưu sớm không bị trừ mức hưởng lương hưu?

Kể từ 1/7/2025, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, có một số trường hợp nghỉ hưu sớm nhưng không bị trừ mức hưởng lương hưu.

Tại Điều 64, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định điều kiện hưởng lương hưu chung là khi nghỉ việc có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 15 năm trở lên và đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Cụ thể, Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động quy định: "Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.

Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ".

Người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng mức lương hưu chung theo quy định. Ảnh: TTXVN

Người lao động tham gia đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm và đủ tuổi nghỉ hưu sẽ được hưởng mức lương hưu chung theo quy định. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, có những trường hợp được nghỉ hưu sớm 5-10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động.

Vì vậy, tại Điều 65, Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định đối tượng và điều kiện hưởng lương hưu khi suy giảm khả năng lao động, làm nghề, công việc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm nghề, công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm; làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.... được nghỉ hưu sớm 5 - 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu quy định tại Khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động và không bị trừ mức hưởng lương hưu.

Cụ thể, Điều 66 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 quy định, mức lương hưu hàng tháng đối với lao động nữ bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; sau đó, cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Đối với lao động nam, mức lương hưu hàng tháng bằng 45% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 20 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 2%, mức tối đa bằng 75%.

Trường hợp lao động nam có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm đến dưới 20 năm, mức lương hưu hàng tháng bằng 40% mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội tương ứng 15 năm đóng bảo hiểm xã hội, sau đó cứ thêm mỗi năm đóng thì tính thêm 1%.

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 gồm 11 chương, 141 điều sẽ có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Luật có 14 điểm mới trọng tâm, trong đó có nhiều thay đổi mới được dư luận quan tâm, như: Mở rộng đối tượng được tham gia; bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành hệ thống bảo hiểm xã hội đa tầng; đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu 15 năm sẽ được hưởng lương hưu; khuyến khích người lao động bảo lưu thời gian đóng để hưởng lương hưu thay vì nhận bảo hiểm xã hội một lần...

Bảo Thoa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-172025-truong-hop-nao-nghi-huu-som-khong-bi-tru-muc-huong-luong-huu-353476.html