Từ 1/7/2026, Hà Nội thực hiện lộ trình không có xe máy chạy xăng, dầu lưu thông trong Vành đai 1
Đó là một trong các nội dung mà Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu tại Chỉ thị số 20/CT-TTg về một số nhiệm vụ cấp bách, quyết liệt ngăn chặn, giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường.
Tại Chỉ thị trên, Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các địa phương tập trung rà soát tháo gỡ các "điểm nghẽn", hoàn thiện thể chế về bảo vệ môi trường (BVMT).
Thủ tướng giao Bộ Công an tăng cường nắm tình hình, thường xuyên rà soát, bổ sung, cập nhật danh sách các cơ sở gây ô nhiễm, khu vực, địa điểm ô nhiễm môi trường trên phạm vi toàn quốc và chỉ đạo kiểm tra, điều tra, xử lý nghiêm, triệt để tội phạm và vi phạm pháp luật về môi trường.
Bộ Tư pháp phối hợp chặt chẽ, kịp thời với Bộ Công an, Bộ NN&MT nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành, sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật liên quan đến BVMT bảo đảm cơ sở pháp lý để xử lý nghiêm, kịp thời, có hiệu quả, đủ sức răn đe, phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật về môi trường và phù hợp với thực tế tổ chức bộ máy của các cơ quan ở Trung ương, địa phương.

Tăng cường các biện pháp bảo vệ môi trường.
Đặc biệt, tại Chỉ thị trên, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu UBND TP Hà cân đối, bố trí ngân sách địa phương, huy động mạnh mẽ nguồn lực xã hội hóa và có lộ trình cụ thể từ nay đến năm 2030 để tập trung phát triển mạng lưới giao thông công cộng đa phương thức, phủ rộng trên các tuyến, kết nối địa bàn trọng điểm, hệ thống trạm sạc, dịch vụ cho phương tiện sử dụng năng lượng sạch, ưu tiên sử dụng xe buýt điện, tàu điện.
Ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp phương tiện sử dụng năng lượng sạch, doanh nghiệp phát triển hạ tầng phục vụ phương tiện sử dụng năng lượng sạch trong thực hiện chuyển đổi xanh; chính sách khuyến khích, hỗ trợ người dân chuyển đổi từ phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch sang phương tiện sử dụng năng lượng sạch hoặc sử dụng phương tiện công cộng.
Nghiên cứu tăng lệ phí trước bạ, lệ phí đăng ký, cấp biển số phương tiện giao thông cơ giới, xe máy chuyên dùng, giá dịch vụ trông giữ phương tiện trong khu vực trung tâm đối với phương tiện sử dụng nhiên liệu hóa thạch (Xây dựng lộ trình cụ thể từ Quý III/2025 và điều chỉnh hằng năm).

Các tuyến đường Vành đai của Hà Nội.
Đặc biệt, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu Hà Nội thực hiện các giải pháp, biện pháp để các tổ chức, cá nhân chuyển đổi phương tiện, lộ trình đến ngày 1/7/2026 không có xe mô tô, xe gắn máy sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong Vành đai 1; từ ngày 1/12028 không có xe mô tô, xe gắn máy, hạn chế xe ô tô cá nhân sử dụng nhiên liệu hóa thạch lưu thông trong đường Vành đai 1, Vành đai 2; từ năm 2030 tiếp tục mở rộng thực hiện trong đường Vành đai 3.
Bên cạnh đó là xây dựng, triển khai đề án xử lý ô nhiễm môi trường tại các đoạn sông, kênh, rạch khu vực nội thành; đề án thu gom, xử lý nước thải, rác thải sinh hoạt trên địa bàn thành phố, không lấy việc đẩy ô nhiễm sang khu vực khác thay cho xử lý ô nhiễm tại nguồn.
Xây dựng, bổ sung cơ chế, chính sách và có lộ trình cụ thể đến năm 2028 di dời các cơ sở sản xuất phát thải gây ô nhiễm ra khu sản xuất tập trung theo quy hoạch để bảo đảm xử lý nguồn thải theo quy định; thực hiện đầy đủ các quy định về tách riêng hệ thống thoát nước mưa với hệ thống thu gom, thoát nước thải.
Triển khai thí điểm không sử dụng đồ nhựa dùng một lần trong các nhà hàng, khách sạn, cửa hàng đồ uống, quán ăn… nằm trong Vành đai 1 (Thực hiện từ Quý IV/2025 và nhân rộng trong những năm tiếp theo)…