Từ 1/7, chính quyền địa phương được tổ chức ra sao?

Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) được Bộ Nội vụ đề xuất có hiệu lực từ ngày 1/7 sẽ tác động ra sao đến việc tổ chức cấp huyện?

Theo Bộ Nội vụ, để triển khai chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức, bộ máy của hệ thống chính trị, Đảng ủy Quốc hội đang chỉ đạo việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Điều này nhằm đảm bảo sự thống nhất với quy định về chính quyền địa phương khi Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) có hiệu lực.

Bộ Nội vụ thông tin, Luật Tổ chức chính quyền địa phương năm 2025 (hiệu lực từ ngày 1/3/2025) đã được sửa đổi, bổ sung toàn diện. Việc sửa đổi nhằm phân định rõ thẩm quyền, đẩy mạnh phân quyền, phân cấp giữa cơ quan nhà nước trung ương và địa phương, đồng thời khắc phục những bất cập trong quá trình thi hành luật hiện hành.

Bộ Nội vụ đề xuất Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7. Ảnh: TTXVN

Bộ Nội vụ đề xuất Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi có hiệu lực từ ngày 1/7. Ảnh: TTXVN

Tuy nhiên, do hiện nay, chính quyền địa phương được tổ chức theo mô hình 3 cấp (tỉnh, huyện, xã), Bộ Nội vụ cho rằng, cần sửa đổi các quy định để thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp và giải quyết những vấn đề phát sinh.

Theo dự thảo, Luật mới sẽ có hiệu lực từ ngày 1/7/2025. Trên cơ sở đó, Bộ Nội vụ đề xuất các cơ quan HĐND, UBND, chủ tịch UBND và các cơ quan chuyên môn trực thuộc cấp huyện, quận, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị xã sẽ chấm dứt hoạt động kể từ ngày này, trừ một số trường hợp chuyển tiếp.

Dự thảo Luật cũng quy định về việc bãi bỏ hoặc điều chỉnh một số điều khoản trong các luật và nghị quyết liên quan.

Cụ thể, đối với tổ chức chính quyền địa phương ở phường thuộc TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng nhiệm kỳ 2021 - 2026, vẫn tiếp tục thực hiện theo các nghị quyết trước đó của Quốc hội như Nghị quyết số 131/2020, Nghị quyết số 98/2023 và Nghị quyết số 136/2024. Những nghị quyết này sẽ hết hiệu lực khi UBND phường nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu ra.

Việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của UBND quận trước khi giải thể tại TP. Hồ Chí Minh và Đà Nẵng sẽ do Quốc hội quy định, thực hiện đến khi UBND thành phố và UBND phường nhiệm kỳ 2026 - 2031 được bầu ra.

Từ ngày 1/7/2025, sẽ bãi bỏ toàn bộ hoặc một phần một số luật và nghị quyết, bao gồm Chương II của Luật Thủ đô, khoản 2 điều 6 Nghị quyết số 137 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho tỉnh Nghệ An, Nghị quyết số 169 về tổ chức chính quyền đô thị tại Hải Phòng.

Từ ngày 1/5/2026, tiếp tục bãi bỏ Nghị quyết số 131 về tổ chức chính quyền đô thị tại TP. Hồ Chí Minh, khoản 2 và 3 điều 9, điều 10 trong Nghị quyết số 98 về cơ chế, chính sách đặc thù cho TP. Hồ Chí Minh; điều 7 và 8 của Nghị quyết số 136 về chính quyền đô thị và chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng.

Việc chuyển đổi sang mô hình chính quyền địa phương 2 cấp sẽ tạo ra nhiều thay đổi lớn trong hệ thống quản lý hành chính. Những vấn đề cụ thể liên quan đến tổ chức bộ máy, quyền hạn và cơ chế thực thi sẽ tiếp tục được Quốc hội thảo luận trước khi có quyết định chính thức.

Lê An

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tu-17-chinh-quyen-dia-phuong-duoc-to-chuc-ra-sao-380688.html